Chuyên gia nông nghiệp đến tận nơi 'mách nước' để nông dân làm giàu

Những kinh nghiệm, bí quyết quý báu giúp chăn nuôi, trồng trọt bội thu và hiệu quả cao đã được các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu chia sẻ với bà con nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) tại Hội thảo Nhịp cầu Nhà nông tổ chức mới đây.

Kinh nghiệm quý từ các chuyên gia hàng đầu

Tham dự hội thảo diễn ra tại hội trường UBND huyện Đan Phượng có các chuyên gia đầu ngành như: Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Tổng Thư ký Hiệp hội Các ngành sinh học Việt Nam), TS Ngô Vĩnh Viễn (nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật), PGS - TS Lê Văn Năm (Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam), TS Cao Văn Chí (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây có múi, Viện Rau quả), thạc sĩ Nguyễn Thị Hà (Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), bà Nguyễn Thị Thoa (Trưởng phòng Trồng trọt Sở NNPTNT Hà Nội)... Hội thảo có lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng và hàng trăm nông dân đến từ các xã trên địa bàn huyện quan tâm tìm hiểu, tiếp nhận thông tin.

Các chuyên gia đầu ngành tư vấn tại Hội thảo Nhịp cầu Nhà nông tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Phú Lãm

Chính vì phải ứng dụng rất nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nông dân rất cần được tham gia các chương trình bổ ích như “Nhịp cầu nhà nông”. Bởi đây là cơ hội để người nông dân trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với các nhà khoa học, kịp thời tháo gỡ những khó khăn”.

Ông Nguyễn Thạc Hùng

Mở đầu hội thảo, một nông dân hỏi về điều kiện cần có khi nuôi cá lăng, cá nheo và địa chỉ bán giống uy tín, thạc sĩ Nguyễn Thị Hà tư vấn rất chi tiết: “Để nuôi 2 loại cá trên cần 4 điều kiện: Cần phải có ao, lồng nuôi rộng 1.000m2 trở lên, chủ động được thay nước định kỳ đảm bảo môi trường; vị trí địa lý thuận lợi giao thông; kỹ thuật chắc chắn đảm bảo; năng động ổn định đầu ra”.

Theo đó, trước khi thả nuôi hai loại cá này, người chủ phải cải tạo ao, tát cạn nước, vét bùn, phơi ao, khử trùng bằng vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh. Về con giống cần phải mua ở nơi uy tín, kiểm tra mầm bệnh trước khi đưa vào nuôi.

Về quản lý, chăm sóc: Người nuôi cần nắm vững đặc điểm sinh học của 2 loài cá trên; chú trọng chế độ dinh dưỡng: Định kỳ bổ sung vi lượng, điều tiết thức ăn không dư thừa, tránh gây ô nhiễm. Với thức ăn tự chế từ tôm, tép cần rửa nước muối để loại trừ mầm bệnh, không cho cá ăn thức ăn thừa, ôi thiu. “Giai đoạn cá nhỏ cần cung cấp 35% protein, khi lớn lên giảm xuống còn 22%. Quá trình chăm sóc hàng ngày, mỗi sáng theo dõi xem cá nổi đầu không, môi trường nước ao như thế nào, định kỳ xử lý nước, 1 tháng 1 lần bà con cho cá ăn vitamin C, men tỏi” - thạc sĩ Nguyễn Thị Hà lưu ý. Bà Hà cũng cung cấp các địa chỉ bán giống cá lăng, cá nheo uy tín như: Trung tâm Giống Hà Nội; Trung tâm Quốc gia giống thủy sản miền Bắc.

Nông dân Nguyễn Thị Kỷ (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) đặt câu hỏi nhờ chuyên gia tư vấn. Ảnh: Phú Lãm

Một nông dân khác hỏi về dấu hiệu cúm gia cầm và cách phòng trừ. Trả lời câu hỏi này TS Lê Văn Năm cho biết, cúm gia cầm có chủng đa dạng, có thể bùng phát quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ. Các dấu hiệu cúm trên gia cầm như: Triệu chứng hen, rướn cổ dài, khạc ra đờm (viêm thanh khí quản truyền nhiễm). Khi bị cúm, gà đi không vững, vịt lảo đảo ngã bên này, xiêu bên kia, cổ rướn dài, chân co lại, giảm đẻ nhanh...

Đồng thời, có thể nhận thấy cúm gia cầm qua các triệu chứng khác như: Ở gà con thì đầu phù nề, hậu môn có phân xanh trắng bám, dưới da ống chân, kẽ ngón chân, bàn chân, cơ đùi, ngực bị xuất huyết.

Về cách phòng cúm gia cầm, TS Lê Văn Năm cho rằng cần tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học; nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại; sử dụng các chế phẩm đặc chủng diệt khuẩn chuồng trại; gắn kết chăn nuôi với chuỗi chế biến, lưu thông, phân phối an toàn.

Giải cơn “khát” về kỹ thuật

Huyện Đan Phượng đã chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang trồng các loại hoa, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hoàng Hà

Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Hà Nội đánh giá: “Nhịp cầu nhà nông quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong mọi lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp. Các chuyên gia, nhà khoa học không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ hơn chính sách của Nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”.

Là địa phương đi đầu trong thực hiện nông thôn mới, từ nhiều năm trước, huyện Đan Phượng đã chú trọng phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương. Nếu như cách đây chừng 10 năm, trên những cánh đồng của huyện Đan Phượng chỉ độc canh cây lúa, rau màu thì nay nơi đây đã có thêm nhiều mô hình khác tận dụng được thế mạnh của địa phương, đặc biệt là vùng chuyên canh hoa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng - ông Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ: “Đan Phượng là huyện ven đô đất chật, người đông, bình quân diện tích đất nông nghiệp chỉ 10 thước/khẩu nên trồng lúa sẽ không đạt hiệu quả cao. Thực tế này đặt ra cho huyện phải tìm các cây trồng, vật nuôi giá trị cao để đưa vào canh tác. Để hỗ trợ nhân rộng các vùng chuyển đổi, huyện Đan Phượng đã triển khai dồn điền đổi thửa; xây dựng các dự án, hỗ trợ hạ tầng, giống, phân bón. Nhìn những cánh đồng hoa hồng, cúc, ly có thể thấy được hàm lượng kỹ thuật mà người dân đang ứng dụng. Xen giữa những ruộng hoa hồng, cúc, ly là những ruộng đậu tương, vừng được trồng với mục đích vừa phòng dịch bệnh, vừa tăng chất dinh dưỡng cho đất. Đây chính là biện pháp mà các hộ dân trồng hoa ly cho đất nghỉ để lấy lại dưỡng chất sau mỗi mùa sử dụng”.

Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, chính vì phải ứng dụng rất nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nông dân rất cần được tham gia các chương trình bổ ích như “Nhịp cầu nhà nông”. Bởi đây là cơ hội để người nông dân trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với các nhà khoa học, kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Phú Lãm

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/chuyen-gia-nong-nghiep-den-tan-noi-mach-nuoc-de-nong-dan-lam-giau-786629.html