Chuyển giao công nghệ sau 30 năm thu hút đầu tư FDI

Một trong những mục đích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính là kỳ vọng được chuyển giao về công nghệ.

Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI những năm qua không như mong muốn về cả số lượng lẫn chất lượng. Trong ảnh: Sản xuất tại khu công nghệ cao Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: KỲ ANH

Trên phương diện một nước đang phát triển, việc nhận chuyển giao công nghệ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và sẽ góp phần phát triển về nội lực quốc gia, giúp nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển so với việc tự nghiên cứu, thử nghiệm. Chuyển giao công nghệ cũng gần như là mục tiêu hàng đầu của các nước đang phát triển mỗi khi tìm kiếm đối tác nước ngoài. Tuy nhiên thực tế 30 năm qua (kể từ khi dòng vốn FDI chính thức đầu tiên vào Việt Nam), chúng ta đã đi được đến đâu trong hành trình vạn dặm đó?

30 năm thu hút FDI, 30 năm chuyển giao công nghệ?

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua vào tháng 12-1987, tính đến nay Việt Nam có tỷ lệ tổng vốn đầu tư trực tiếp trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 22-25% theo từng năm. Đây là một tỷ lệ tương đối cao và đi kèm với đó là kỳ vọng luồng sinh khí công nghệ mới sẽ theo nguồn vốn này chảy vào Việt Nam, giúp phát triển mặt bằng công nghệ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (2016), hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng bị đẩy ra xa so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí này; nhưng đến năm 2014, Việt Nam đã tụt xuống ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc sau năm năm, thấp hơn nhiều so với vị trí các nước khu vực như Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Campuchia thứ 44.

Nếu xét các chỉ số gián tiếp khác, kết quả cũng không mấy lạc quan.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (2016), hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng bị đẩy ra xa so với các quốc gia trong khu vực.

Theo số liệu năm 2015, năm ngành đóng góp tới 49% giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp lại bao gồm ba ngành công nghệ thấp là công nghiệp chế biến, may mặc, giày da và hai ngành công nghệ trung bình là ngành khai khoáng, ngành thép.

Ngành công nghệ cao duy nhất tăng nhanh, đóng góp về giá trị gia tăng 12,2% là ngành điện tử, máy tính và sản phẩm quang học. Tuy mang tiếng là ngành công nghệ cao, thực tế, các công đoạn được thực hiện ở Việt Nam chỉ là lắp ráp, mang tính thủ công và chưa hề có yếu tố công nghệ cao.

Kết quả cũng thể hiện ở tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp Việt Nam: chỉ đạt khoảng 2,4%/năm (giai đoạn 2006-2015), tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân của nền kinh tế khoảng 3,9%.
Nếu so sánh chi tiết hơn nữa về số hợp đồng chuyển giao công nghệ với số dự án FDI thì gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ (chiếm tỷ lệ 4,28%).

Phép so sánh tiếp theo là về chất lượng của các công nghệ được chuyển giao. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao.

Nguyên nhân đến từ đâu?

Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI những năm qua không như mong muốn về cả số lượng lẫn chất lượng, mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1987 đã nêu rõ “Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam”. Nguyên nhân nằm ở chính sách và môi trường thu hút FDI của chúng ta chưa đủ để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ.

Đầu tiên, phải kể đến những hạn chế trong quá trình phân cấp đầu tư ở các địa phương. Tỉnh nào cũng xây dựng khu công nghiệp, đưa ra chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, lấy số lượng bù chất lượng. Việc chạy theo thành tích cũng khiến thu hút đầu tư trở nên gấp gáp, chỉ để lấp đầy các khu công nghiệp hoặc có vốn để bổ sung vào chỉ tiêu vốn đầu tư. Giữa các địa phương, chính sách thu hút đầu tư cũng không đồng nhất, do vậy có thể xảy ra câu chuyện một số doanh nghiệp dù không đủ điều kiện để đầu tư ở địa phương này nhưng lại vẫn đầu tư được ở địa phương khác.

Tiếp theo, về phía các doanh nghiệp FDI, nhìn chung không có nhiều động lực để các doanh nghiệp này tiến hành chuyển giao các công nghệ hiện đại do chủ yếu chỉ đầu tư vào các ngành thâm dụng lao động và vốn. Đối với các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính... các doanh nghiệp này cũng chỉ đặt nhà máy ở Việt Nam cho khâu gia công - vốn có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu - để tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn dựa vào những lỗ hổng pháp lý để chuyển những dây chuyền sản xuất đã khấu hao hết và không được phép sử dụng tiếp ở nước sở tại sang Việt Nam để tiếp tục khai thác.

Cần bao nhiêu năm nữa để chuyển giao công nghệ?

Một chu trình chuyển giao công nghệ được xem là hoàn tất khi bên nhận chuyển giao làm chủ được công nghệ và có thể đi từ nền tảng đó tiếp tục tự nghiên cứu phát triển thêm. Xét trên phạm vi một quốc gia, hầu hết các nước có công nghệ đi sau sẽ nhập công nghệ qua kênh FDI rồi chuyển sang hình thức chuyển nhượng, sau đó chủ động nghiên cứu và phát triển (R&D), chủ động khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo.

Hàn Quốc mất khoảng 40 năm để hoàn tất giai đoạn “bắt kịp” này, từ năm 1960 bắt đầu nhập công nghệ qua FDI dưới dạng trao tay đến những năm 1990 dần chuyển sang hình thức ODM (sản xuất thiết kế gốc) trong một số lĩnh vực.

Trong trường hợp của Thái Lan, chỉ trong một thời gian khá ngắn (từ năm 1986-1995), sự phát triển về vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp nội địa Thái đã phát triển chóng mặt, chiếm tới 72% tư bản trong nền kinh tế, trong đó khối FDI chỉ chiếm có 28%. Các doanh nghiệp FDI tại Thái Lan tuy vẫn giữ vai trò mũi nhọn về công nghệ và vốn nhưng bị buộc phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nội địa trong hàng loạt khâu và quy trình sản xuất.

Bùi Thị Thùy Linh - Đặng Anh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164599/chuyen-giao-cong-nghe-sau-30-nam-thu-hut-dau-tu-fdi.html