Chuyện hai vị Đại tá

Suốt thời gian công tác làm báo tại Xứ Lạng, tôi đã từng gặp, trao đổi, phỏng vấn, giao lưu với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng công tác tại mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Họ để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp, trong đó có 2 vị Đại tá là Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn. Bây giờ, một người đã chuyển công tác, lên cấp Tướng, làm Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, còn vị khác thì được nghỉ hưu, sống an nhiên ở địa phương.

Từ cuối năm 1989 khi tôi công tác tại Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn), thường xuyên sang Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chơi, viết bài. Tôi vốn có duyên với những người lính từ thủa nhỏ, từng là “cộng tác viên ruột” của Báo Quân khu 1, Báo Lạng Sơn. Thêm nữa Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nên đề tài biên phòng khá hấp dẫn, riêng có để tôi khai thác. Người mà tôi hay được gặp là Đại tá Lê Đình Thi, Phó Chỉ huy chính trị (tương đương Chính ủy bây giờ. Khi đó mang quân hàm Đại tá 3 sao). Vị Đại tá này tính tình cởi mở, dễ gần mà thân thiện với cánh anh em báo chí, văn nghệ.

Đại tá Lê Đình Thi

“Tớ chuẩn bị đi cơ sở, vùng sâu, vùng xa, các cậu có đi thì sẽ cho xe sang đón” - Chúng tôi hay được nghe và thích cách đặt vấn đề của Đại tá Thi…Tôi nhớ mãi khoảng mùa xuân 1992 có chuyến đi Đồn Biên phòng Bắc Xa - một đơn vị xa xôi, hẻo lánh nhất tỉnh Lạng Sơn nằm mạn Đông bắc, giáp với tỉnh Quảng Ninh thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập. Phải nói rằng, đó là “chuyến đi bão táp” đầy kỷ niệm. Chiếc xe ô tô U-oát đi miết trong rừng, nghiêng ngả qua những tảng đá, cành cây, men theo vệt chân người nhỏ như đường chỉ mong manh. Ngày đó, chưa có đường đi như bây giờ, chỉ có bộ đội mới nhớ nổi đích đến.

Từ thị xã Lạng Sơn đến thị trấn Đình Lập (huyện Đình Lập) sau đó rẽ theo đường liên xã, liên thôn và qua những cung đường cheo leo chừng gần trăm cây số, mất hơn nửa ngày, cuối cùng, chúng tôi đến một “cứ điểm” ở chân núi. Xe cộ để tại đây, còn rau xanh, thịt, quà tặng chúng tôi chất lên 3 con ngựa thồ do Đồn Biên phòng Bắc Xa cử xuống đón. Chúng tôi tiếp tục ngược đồi, băng núi đi bộ hơn 8km nữa mới thấy dãy nhà lợp tấm lợp Pro xi măng có lá cờ Tổ quốc bay lồng lộng trong mây giăng kín, mờ tỏ.

Người đi đầu bao giờ cũng là Đại tá Lê Đình Thi. Ông thỉnh thoảng lại huýt sáo và nói chuyện phiếm với anh em. Đến tảng đá nghỉ ngơi, chờ người đi sau, Đại tá hóm hỉnh nói rằng, bản thân thấy gắn bó với từng ngọn núi, cỏ cây và đồng bào các dân tộc xứ Lạng, thêm nữa cảm ơn những cô cậu nhà báo, nhà văn mong manh, dễ vỡ mà vượt khó đi với người lính mang quân hàm xanh nên xin trình bày đoạn thơ vừa sáng tác, trong đó có đoạn: “Ra đi từ đất Ninh Bình/ Quê hương Bộ Lĩnh lừng danh sử vàng/ Vì bình yên mỗi xóm làng/ Vì nền độc lập- vinh quang lời thề/ “Chưa hết giặc, ta chưa về/ Tuổi xuân hiến trọn không hề đắn đo…”. Tôi nhác thấy Đại tá rưng rưng khi nhắc đến quê hương và quãng đường tuổi trẻ đã qua. Ông Lê Đình Thi sinh đúng mùa thu cách mạng tháng 8/1945 ở thôn Phúc Anh (nay thuộc phường Phú Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Ông tham gia quân đội từ tháng 8/1964 ở F316 Quân khu Tây Bắc sau đó về công tác tại Quân khu 1. Trải qua các chiến trường trong nước và nước bạn Lào, đến năm 1981 về làm Chính ủy Trung đoàn 695 Công an Nhân dân vũ trang Lạng Sơn (nay là Bộ đội Biên phòng)…

Thấy đoàn công tác đến, các chiến sỹ trẻ từ các dãy nhà ùa ra đón. Họ vây quanh thủ trưởng Thi, khoác tay chào nói rất vui vẻ. Đại tá Thi rút từ trong túi quần một bao thuốc lá cuộn rồi nói: “Hút ít thôi nhé, đủ xóa đi cái lạnh là được. Phải tiết kiệm mới có cái dùng lâu…”. Tôi khá ngạc nhiên vì ít thấy ông Thi hút thuốc.

Tôi theo chân Đại tá Thi cùng các chiến sỹ trẻ đi thực địa tuần tra biên giới. Có thể nói, nhiệm vụ này rất khó khăn do các mốc nằm cheo leo trên những đỉnh đồi, đường lên mốc là những đường mòn quanh co gập ghềnh. Có những nơi từ đường tuần tra biên giới đến cột mốc xa đến 2-3km, không có người ở, không có đường bám biên. Đứng từ non cao nhìn xuống, chúng tôi thấy lác đác mái nhà lợp ngói âm dương xen lẫn bốn bề núi rừng và cỏ cây. Đi trước tôi là những bước chân thầm lặng của người lính trẻ Biên phòng lẫn trong “thiên đường” lau sậy rung rinh. Đại tá Thi bất chợt cầm tay tôi, giữ lại và nói nhỏ: “Tôi xúc động quá. Anh em trên này bảo, xuân này không cần ngắm hoa đào nở, không thiết tiếng pháo hoa rộn rã, chỉ mong mọi người đến thăm là thấy mùa xuân đang ngập tràn trong lồng ngực mỗi người...”.

Hảo sảng, tâm huyết

Mỗi lần cầm bút viết về những người mang quân hàm xanh, tâm trí tôi hiện rõ từng khuôn mặt, cử chỉ, dáng hình của người lính biên cương rắn rỏi nhưng chân tình, lãng mạn. Trong đó, có Lê Quang Đạo - người gắn bó 27 năm liên tục ở Xứ Lạng, đeo lon Đại tá, từng giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn (bây giờ, ông là Thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam). Với tôi, Lê Quang Đạo là người nói và làm đi đôi, tính khí mạnh mẽ, quyết đoán kiểu “con nhà võ”. Tôi gặp Lê Quang Đạo vào khoảng tháng 9/1993 khi đó, tôi là Bí thư Chi đoàn Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn tháp tùng Đại tá Lê Đình Thi, Phó Chỉ huy Chính trị Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đến thăm, tổ chức kết nghĩa với Chi đoàn Đồn Biên phòng Thanh Lòa, huyện Cao Lộc. “Đối tác” của tôi là Thiếu úy Lê Quang Đạo, Đội trưởng Đội vận động quần chúng kiêm Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Thanh Lòa. Hai anh em chụm đầu vào nhau lên chương trình, kế hoạch thực hiện nghi lễ kết nghĩa và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đốt lửa trại. Đạo là người thông minh, nhạy bén nên thời gian hội ý rất nhanh, thống nhất cũng khá chóng vánh. Khoảng nửa tiếng sau, thấy có người lính trẻ nom vạm vỡ đến tìm, Đạo liền đi cùng về phía chân đồi, nơi có nhiều cành hoa sim, hoa mua nở tím lựng góc đồi để vật một con dê đơn vị tăng gia làm thịt đãi khách…

Đại tá Lê Quang Đạo, Chỉ huy trưởng Bộ CHBP tỉnh Lạng Sơn chào đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng

Buổi lễ kết nghĩa giữa hai chi đoàn diễn ra trang trọng, ấm cúng, thành công. Đêm về, sau buổi giao lưu thắm tình đoàn kết quân, dân, đến lúc này, tôi mới có dịp hỏi thăm về thủ lĩnh Đoàn của Đồn Biên phòng Thanh Lòa. Theo lời kể của Đạo, tháng 3/1989, đang tuổi thanh xuân 18, chàng trai quê Gia Viễn, Ninh Bình lên đường nhập ngũ. Sau hơn một năm là chiến sĩ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Nam Ninh; Lê Quang Đạo tiếp tục theo học Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng).

Nhìn thấu vào màn đêm tĩnh mịch nẻo biên giới, Lê Quang Đạo tâm sự: “Trong suy nghĩ của tôi, người lính biên phòng hiên ngang trên lưng ngựa tuần tra, giỏi võ thuật, bắn súng cừ khôi. Họ được dân yêu mến vì “3 cùng” với bà con, tận tâm giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên biên giới”.

Sau này, độ chục năm, tôi gặp lại Lê Quang Đạo ở khu vực Cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng) và Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), lúc này anh đã là sỹ quan trẻ có triển vọng, đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy. Trên cương vị Phó đồn trưởng kiêm Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, rồi Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh (2005-2011), Lê Quang Đạo để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên dải đất biên cương Xứ Lạng. Một trong số đó là đã tham mưu cho ban chỉ huy đồn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai thí điểm hoạt động tuần tra chung trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; sau đó là mô hình kết nghĩa "Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên" vào năm 2013 giữa Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và Trạm Kiểm soát Biên phòng Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Tiếp đến là việc ra đời các mô hình kết nghĩa “Bản - Bản” giữa các địa phương của Lạng Sơn với các khu vực dân cư nước bạn nhằm góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Giữa năm 2001, Lê Quang Đạo về công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, lần lượt giữ các cương vị trọng trách. Tháng 8/2016 là Phó Chỉ huy trưởng và sau 2 năm thì đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, đeo quân hàm Đại tá.

Trao đổi với tôi trong dịp kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2024), Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chia sẻ: “Đầu năm 2020, tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam sau đó là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng cho đến cuối năm 2021 thì chuyển công tác sang Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Nhìn lại chặng đường mang quân hàm xanh với bao kỷ niệm với mảnh đất địa đầu xứ Lạng. Song dấu ấn không phai trước khi tôi rời Lạng Sơn là việc tổ chức đón, tiễn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 2/2019 qua Ga Quốc tế Đồng Đăng (huyện Cao Lộc). Khi đó, lực lượng biên phòng nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên phạm vi gần 4km2 xung quanh Ga Đồng Đăng. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ, bản lĩnh nhất đã được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Tôi và đồng đội gần như thức trắng nhiều đêm để suy nghĩ, thực hiện công việc thành công nhất và thật vinh dự tôi là người lính Biên phòng Việt Nam đầu tiên bắt tay chào đón Chủ tịch Kim Jong Un tới thăm đất nước Việt Nam”.

Dấu ấn về 2 vị Đại tá mang quân hàm xanh kể trên gắn với những bài viết của tôi đã đăng trên Báo Tiền Phong, Báo Lạng Sơn, Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng. Trong dịp kỷ niệm ngày hội thống nhất non sông và 60 năm báo Lạng Sơn ra số báo đầu tiên (1/5/1964- 1/5/2024), trong tôi lại sống lại những kỷ niệm về đất và người Xứ Lạng với nhiều kỷ niệm sâu sắc, khó phai…

DUY NGUYỄN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chuyen-hai-vi-dai-ta-5006850.html