Chuyện kể của bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới

KTĐT - Hôm lên đường trời mưa to lắm, tôi ngủ mệt lả trên tàu Hà Nội - Lào Cai, đổ bộ xuống thị xã trời còn chưa sáng. Tôi tiếp tục bắt xe đi Lai Châu, địa hình hiểm trở, ngồi trên xe vắt vẻo qua đèo tôi “cảm nhận” chuyện sinh - tử thật “mong manh”.

Nhận nhiệm vụ lên đường đi công tác theo đề án 1816 của Bộ Y tế tại Lai Châu thật đột ngột và khốn khó đối với tôi trong lúc này... Cha tôi vừa qua cơn bạo bệnh bởi chứng phổi tắc nghẽn giai đoạn 3. Chẳng biết lúc nào phải xịt thuốc, lúc nào phải thở oxi, vắng tôi sẽ ra sao...? Cháu thứ hai vừa mới đi học, ở nhà ba mẹ con đưa đón như thế nào? Tháng tới tôi muốn theo một khóa học về tạo hình..., nhưng tất cả đành gác lại, dang dở, bộn bề. Hôm lên đường trời mưa to lắm, tôi ngủ mệt lả trên tàu Hà Nội - Lào Cai, đổ bộ xuống thị xã trời còn chưa sáng. Tôi tiếp tục bắt xe đi Lai Châu, địa hình hiểm trở, ngồi trên xe vắt vẻo qua đèo tôi “cảm nhận” chuyện sinh - tử thật “mong manh”. Chốc chốc lái xe đã phải xuống xiết ốc. Anh vui vẻ giải thích: xe lên dốc, đổ đèo phanh rất nóng, ốc nhái cũng dễ trôi ra... nghe mà nổi da gà! Độ cao càng lớn, hơi nước vào cabin càng nhiều, không có điều hòa nên anh phụ lái làm nhiệm vụ lau kính bằng dẻ để anh lái chính có thể nhìn. Tôi vốn nhát chết nhưng lại hay lạc quan: sống chết có số! Mệt quá rồi tôi thiếp đi cũng là lúc nhà xe hân hoan thông báo: đến thị xã rồi. Tôi bừng tỉnh. Tách tỉnh từ năm 2004, Lai Châu tự nhận biết sẽ phải đối mặt với bao thiếu thốn, khó khăn. Thị xã Tam Đường trở thành thủ phủ của tỉnh lỵ Lai Châu mới. Lai Châu rộng thứ 2 ở miền Bắc nhưng chỉ có gần bốn trăm nghìn dân, một thị xã và 6 huyện. Huyện xa nhất là Mường Tè, điểm tận cùng của nó cách thị xã Lai Châu hơn 200km. Hai huyện nghèo nhất của Lai Châu cũ khi sáp nhập về Lai Châu mới nay “trở thành” hai huyện giàu nhất: Than Uyên và Tân Uyên. Y tế cũng không năm ngoài bối cảnh đó: thiếu thốn, khó khăn, yếu ớt.... Bác sĩ Nguyễn Văn Giang, Giám đốc bệnh viện đa khoa Lai Châu cho biết: bệnh viện còn thiếu khoảng nửa biên chế, số biên chế lại đi học nâng cao nên đã thiếu lại càng thiếu. Các bác sĩ ở lại oằn mình làm việc. Trực sản, trực ngoại 2 đến 3 ngày/ 1 phiên. Ban giám đốc cũng đảm nhiệm luôn trực cọc một. Mỗi lần các anh đi họp là mọi người lại cuống cuồng vì phân lại trực. Bệnh viện huyện đã có bác sĩ nhưng phần lớn học từ y sĩ lên còn nhiều lúng túng về chuyên môn. Tuyến xã thì hầu như chưa có gì. Nói như anh Giang thì chỉ có giường, ống nghe và tủ đầu giường! Trung ương chi viện là quí rồi, cũng xấu hổ lắm nhưng còn chưa biết xoay sở ra sao. Nếu lại phải cử người của tuyến tỉnh chi viện theo chương trình 1816 xuống huyện, xuống xã thì không biết xoay đâu ra người. Anh em đi theo diện đề án 1816 ở Lai Châu được ăn ở khá tốt. Bệnh viện, ủy ban nhân dân cho mỗi bác sĩ 50.000 tiền ăn/ ngày do tổ dinh dưỡng của bệnh viện đảm nhiệm. Mỗi buổi giao ban bệnh viện là một dịp học tập chuyên môn, giao lưu các bác sĩ trung ương và địa phương. Chúng tôi là những bác sĩ chuyên khoa mắt, mỗi ngày khám cho khoảng 10-20 bệnh nhân, một tuần mổ khoảng 10 ca. Chuyên khoa mắt nằm trong khoa Mắt- Tai Mũi Họng- Răng Hàm Mặt. Các bác sĩ thường kiêm luôn cả 3 chuyên khoa này. Nay có anh bác sĩ mắt “xịn” của Hà Nội chi viện, họ có thời gian để làm đúng chuyên khoa của mình. Chúng tôi làm việc như một bác sĩ biên chế của bệnh viện. Thỉnh thoảng lại được giám đốc Giang mời họp, các khoa mời hội chẩn. Tôi vẫn nhớ mỗi lần gặp anh Giang đều được uống chè ngon, anh lại ân cần thăm hỏi gia đình, điều kiện ăn ở của anh em 1816, câu “Có nhọc không Cương ?” của anh nghe vừa thân tình,vừa ngồ ngộ. Có những tuần mệt quá cũng ở lại bệnh viện. Sau giấc ngủ vùi tôi đem quần áo đi giặt, làm vệ sinh nhà cửa. Ngồi một góc sân đọc chuyện, ngắm nhìn xung quanh. Đồng bào dân tộc đi viện vẫn hay tự đun nấu mặc dù bệnh viện đã cho xuất ăn 25.000đ. Họ đem theo nhiều người nhà, và đôi khi có cả những chú chó lẽo đẽo theo chủ nữa. Quần áo phơi la liệt khắp sân viện, nhiều màu sắc hoa văn. Họ đã phải đến bệnh viện tức là bệnh quá nặng rồi. Thẻ khám chữa bệnh miễn phí, suất ăn miễn phí…có lẽ chỉ phần nào làm nguôi ngoai những cơn bạo bệnh. Việc phòng bệnh hầu như ít người tính đến, kể cả ở trung ương. Anh em đoàn 1816 rồi cũng đến ngày chia tay Lai Châu, trở về tiếp tục công việc thường ngày. Có mấy suy nghĩ khi bày tỏ ai cũng hào hứng, thấm thía chia sẻ: Mục tiêu của chương trình 1816 mang ý nghĩa rất lớn, yêu cầu cao về công tác chỉ đạo và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn thế nhưng việc chuyển giao còn chưa tốt do thiếu cán bộ địa phương, thiếu phương tiện. Lúc đó cán bộ tuyến trên lại phải “làm hộ” địa phương và chờ ngày về.Rất nhiều bác sĩ thuyên chuyển đi nơi khác, lên làm quản lý, trong khi vẫn thiếu bác sĩ điều trị. Địa phương không có cơ chế đãi ngộ tốt để “giữ” cán bộ thì chưa biết bao giờ Lai Châu mới đủ cán bộ phục vụ nhân dân. Và có lẽ một mình Lai Châu cũng chưa đủ sức làm nếu cơ chế không đồng bộ. BS. Hoàng Cương (Viện Mắt trung ương)

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=57&newsid=203529