Chuyện 'khoán chui' ở Vĩnh Phúc thời Bí thư Kim Ngọc

Tỉnh Vĩnh Phúc đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, người 'cha đẻ' của 'khoán hộ', 'khoán chui'. Đã gần 50 năm trôi qua, song cách 'khoán chui' mà ông ủng hộ, bảo vệ vẫn còn nguyên giá trị.

Mặc dù bị T.Ư cấm, nhưng vì lợi ích của người dân, vì sự nghiệp nông nghiệp, vì nông thôn và sự phát triển của đất nước, ông Kim Ngọc đã đã âm thầm chỉ đạo các địa phương thực hiện “khoán chui”. Báo NTNN tìm đã gặp ông Nguyễn Ngọc Hưng – nguyên Chủ nhiệm HTX Vân Phú, xã Tân Lập, huyện Lập Thạch –nay là Sông Lô) lúc bấy giờ và được ông kể lại chuyện được Bí thư Kim Ngọc “bật đèn xanh” cho làm “khoán chui”, với nhiều chi tiết thú vị…

Ông Nguyễn Ngọc Hưng hiện đang an nhàn tuổi già. Ảnh: Việt Tùng

“Cha đẻ” của khoán hộ

Dường như khi nói đến khoán hộ, hay “khoán 10” là người ta nhớ ngay đến đến nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc– Kim Ngọc. Câu chuyện về ông làm “khoán chui” đã “tốn” không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà nghiên cứu, các nhà văn và báo chí và nó cũng đã được dựng thành tiểu thuyết, phim truyền hình, tác phẩm sân khấu…

Chúng tôi về Vĩnh Phúc khi chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (10.10.1917 – 10.10.2017) và 50 năm khoán hộ, “khoán chui” ra đời (1968). Dù đã 77 tuổi và chuyện “khoán chui” đã gần 50 năm trôi qua, nhưng khi nhắc đến, ông Hưng vẫn nhớ như in.

Ông Hưng kể, ông sinh năm 1940, do hoàn cảnh bố mẹ già yếu, bố ông sợ nhỡ ông mất đi, mẹ ông không lo được cho con, nên đã hỏi vợ cho con khi ông mới 11 tuổi, còn vợ ông mới 13 tuổi. Ông Hưng cưới vợ được 2 năm thì bố mất. 5 năm sau vợ ông hạ sinh đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh, ông đặt tên là Nguyễn Trọng Đạo (hiện là Thiếu tướng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân). Khi đó, mặc dù cưới vợ, nhưng ông Hưng vẫn đi học, nhưng năm 1958 ông phải bỏ giữa chừng, vì con nhỏ nheo nhóc, lúc đó ông vừa học hết lớp 7.

Sau khi nghỉ học, ông tham gia vào công tác sản xuất ở địa phương, nhờ có trình độ, nên ông được mời ra dạy chữ cho các lớp “Bình dân học vụ” ở xã, rồi lên làm ở văn phòng UBND xã. Năm 1960 ông được chi bộ Đảng cân nhắc kết nạp Đảng. Năm 1961 ông chính thức được kết nạp.

Thấy ông có trình độ, lại chịu khó, nên xã đã cử ông đi học lớp trung cấp thú y. Sau khi học xong, ông được bầu làm Trưởng ban Thú y xã. Năm 1964, 2 HTX Đồng Xinh và Vân Nhưng hợp nhất thành HTX Vân Phú, ông được bầu làm đội trưởng đội chăn nuôi, kế hoạch và giao cho ông triển khai đề án cải tạo quản lý HTX điểm.

“Trước đây xã viên đi làm theo kiểu “tối ngày đầy công”, “rong công phóng điểm”, nên hiệu quả công việc, giá trị thu lại rất thấp. Nên HTX đã tiến hành khoán khối lượng công việc, chất lượng, thời gian…” – ông Hưng nhớ lại.

Trước đó, từ năm 1963 – 1965, ông Kim Ngọc và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cho ban hành một nghị quyết mang tên “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong các hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết này đề ra phương thức quản lý sản xuất của HTX với nhiều cách khoán như: Khoán cho hộ làm 1 khâu hoặc nhiều khâu; khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ; khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm; khoán trắng ruộng đất cho hộ. Hình thức khoán gọn đơn giản, dễ tính toán nên được nông dân hưởng ứng rầm rộ và đã thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh Vĩnh Phú bấy giờ. Thực chất của cách khoán này là trao ruộng đất trở về cho từng hộ nông dân. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết mang số 68 ngày 10.9.1966 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Dân có cơm ăn no nhờ khoán chui. Nhờ có chủ trương này, mà các cánh đồng 5-7 tấn/ha liên tiếp hình thành, năng suất và sản lượng tăng gấp đôi gấp ba, nạn đói giáp hạt kinh niên từng bước được loại bỏ trên địa bàn tỉnh, cảnh ấm no hạnh phúc đã hiển hiện trên quê hương. Và vấn đề này đã được nhà thơ Chế Lan Viên viết thành thơ: “Cây xanh ngắt đất bạc màu Vĩnh Phúc/Ôi cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc/Hạnh phúc nào chẳng hạnh phúc đầu tiên”.

Ông Hưng cho biết, năm 1966 ông được bầu làm Bí thư Chi bộ xã, kiêm Chủ nhiện HTX Vân Phú. Cuối năm 1967 ông được Tỉnh ủy giao làm gấp 1 ngôi nhà để tỉnh họp bàn về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành Vĩnh Phú và năm 1968 đại hội đã thông qua và quyết định nhập 2 tỉnh thành Vĩnh Phú.

“Khi đó Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã về xã và hỏi về việc thành lập HTX, thì giá trị công điểm có tăng không? Tôi trả lời là có tăng, nhưng chỉ vài kg thóc/sào thôi. Nghe tôi báo cáo vậy, ông Kim Ngọc lại hỏi, vậy có cách nào để tăng năng suất không? Tôi chưa biết trả lời thế nào, thì Bí thư tỉnh gợi ý: Có thể giao cho 1 số hộ sản xuất 1 vài cây trồng như ngô, khoai, sắn, người dân tự trồng tự hưởng... Với cách làm này, năng suất lúa người dân đã đạt 180kg/sào, hơn 5 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với trước kia” – ông Hưng cho biết.

Sau khi được Bí thư Kim Ngọc chỉ đạo, “bật đèn xanh”, HTX của ông Hưng đã mở rộng ra khoán hộ thêm ra các mảng như chăn nuôi lợn, trâu, bò, làm lò vôi, nghề mộc, xây… “Việc chăn nuôi ngày càng phát triển, việc sản xuất vôi rất hiệu quả, nông dân có vôi bón cho lúa, nên lúa rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất rất cao. Nhờ đó đời sống của người dân ngày được nâng cao, nên ai nấy đều rất phấn khởi, hăng hái sản xuất” – ông Hưng cho biết thêm.

Cấm “tư tưởng tiến bộ”, nông dân vẫn làm “chui”

Theo hồi ức của ông Nguyễn Ngọc Hưng, cách “khoán hộ” của ông Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã bị các tư duy giáo điều lúc bấy giờ “lấn át”. Ngày 6.11.1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú (sau khi sáp nhập), chủ trương “khoán hộ” đã bị phê phán hết sức nặng nề. Hội nghị kết luận rất nhiều nội dung nặng nề: “Việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tư tưởng tư lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong HTX; kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy HTX vào con đường thoái hóa và tan rã”…

Ngay sau đó, ngày 12.12.1968, T.Ư đã ra Thông tư số 224-TT/TW “về chấn chỉnh công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương” cũng nhận định việc khoán hộ ở Vĩnh Phú là buông lỏng quản lý, khoán trắng ruộng đất, khoán cả công cụ sản xuất cho hộ dẫn đến tư hữu hóa, trái với đường lối HTX của Đảng, phá vỡ nguyên tắc quản lý XHCN, phục hồi kinh tế cá thể tư bản chủ nghĩa…

Ông Hưng kể, năm 1968 ba HTX là Vân Phú, Toàn Thắng và Cẩm Bình hợp nhất thành HTX Tân Lập, thì ông Nguyễn Xuân Thinh (đã mất) được bầu làm Chủ nhiệm HTX. Theo ông Hưng, khi đó mặc dù T.Ư đã cấm làm khoán hộ, nhưng nhận thấy làm khoán hộ cứu được dân nên cứ để các hộ vẫn âm thầm “làm chui”.

Ông Hưng nhớ lại: “Khi đó hầu hết các thôn không công bố việc làm khoán hộ, nhưng tất cả đã tự bàn bạc, giao ruộng, trâu, bò cho người dân tự sản xuất và cho hiệu quả kinh tế rất cao”.

Theo ông Hưng, mặc dù T.Ư cấm việc làm khoán hộ và một số thành viên của Tỉnh ủy Vĩnh Phú lúc bấy giờ không đồng tình với cách làm này, nhưng được sự “hậu thuẫn ngầm” của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, nên việc triển khai khoán hộ vẫn tiếp tục được triển khai dù gặp trở ngại…

Mãi năm 1988, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng mới ban hành Nghị quyết 10 chính thức coi “Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” và cho thực hiện khoán hộ trong toàn bộ nền nông nghiệp. Nghị quyết ghi: “Công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân trong quá trình đi lên CNXH, thừa nhận tư cách pháp nhân, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật, bảo hộ quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của các hộ cá thể tư nhân… Lấy hộ làm đơn vị sản xuất tự chủ. Người nông dân được trao quyền tự chủ sản xuất, sử dụng ruộng đất lâu dài, tự do tiêu thụ sản phẩm...”.

Năm 1990, chỉ sau 2 năm sáp dụng Nghị quyết 10, nền nông nghiệp nước ta đã có sự thay đổi kỳ diệu. Lần đầu tiên nước ta đã không phải nhập khẩu lương thực để cứu đói. Và năm 1991, nước ta đã chủ động xuất khẩu được gạo và đến nay là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Về cơ bản, hầu hết trên tấ cả các cánh đồng hiện nay, đều áp dụng cách khoán mà 50 năm trước Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã từng áp dụng…”.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng

Việt Tùng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/chuyen-khoan-chui-o-vinh-phuc-thoi-bi-thu-kim-ngoc-805043.html