Chuyện lạ ở Bình Dương: Tòa sơ thẩm 'ngó lơ' lời nhân chứng

Chủ giết mổ heo bị xử phạt về việc heo vừa mua về có chất cấm song việc lập biên bản rất lạ kỳ và có những dấu hiệu khuất tất, bất thường trong quy trình làm việc.

Sau nhiều lần trao đổi với các chuyên gia luật, cũng như làm việc lại với nhân chứng, nội dung đưa ra càng cho thấy sự bất thường của những nhân viên Trạm thú y Bàu Bàng – Bến Cát (Bình Dương) cũng như của phiên tòa sơ thẩm mới đây…

Nhân chứng nói gì?

Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa vụ án ra xét xử đối với vụ án kiện quyết định hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương (viết tắt là Chi cục Thú y) xử phạt ông Đỗ Văn Thuyên mà chúng tôi đã nêu ở bài báo trước. Những sai phạm, khuất tất của sự việc khiến ông Thuyên phải đệ đơn kiện người ra quyết định xử phạt mình đến TAND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, tại phiên tòa này đã không đưa lời nhân chứng vào trong bản án nên ông Thuyên đã làm đơn kháng cáo gửi Tòa án Hành chính cấp cao tại TP.HCM.

Ông Đỗ Văn Thuyên đang trình bày quan điểm và cho biết đã kháng cáo vì cho rằng bản án sơ thẩm chưa khách quan.

Bản án sơ thẩm cũng nêu nhận định của phía Chi cục Thú y cho rằng ngày 15/7/2016, hai cán bộ của Trạm Thú y Bến Cát – Bàu Bàng tiến hành xác minh có sự chứng kiến của ông Phan Tiến Dũng (chủ lò mổ nơi ông Thuyên đưa heo đến giết mổ). Ngày 8/8/2016, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương có văn bản đính chính hai biên bản trong hồ sơ kiểm tra chất cấm đối với lô heo của ông Đỗ Văn Thuyên.

Nói về việc này, ông Phan Tuấn Dũng cho biết: “Hôm đó, hai cán bộ thú y đến nhờ tôi ký lại giùm biên bản ghi lại ngày, giờ để họ hợp thức hóa hồ sơ nhưng tôi không ký. Vậy, họ đến đó để xác minh cái gì mà nói là xác minh chứ? Việc trình bày của họ tại bản án như vậy là không hề đúng. Cũng như hôm phiên tòa xét xử sơ thẩm, tôi đã nói không chứng kiến việc lấy mẫu cũng như không có mặt ông Thuyên ở đó nhưng trong bản án lại không đề cập đến. Việc làm không khách quan của họ đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như tạo thêm sự khuất tất vốn dĩ đã có từ trước".

Ông Đỗ Văn Thuyên cũng bức xúc nói: “Tại sao khi bị phát hiện, tố cáo những vấn đề sai phạm của họ và hôm làm việc với Tòa án và được “mớm” thì phía Chi cục Thú y mới đưa ra đính chính và được quyền đính chính. Trong khi họ làm sai cho tôi và ép tôi ký vào biên bản mà họ đã lập trước đó thì phía Tòa không xem xét vấn đề này. Thêm một vấn đề nữa là lời nhân chứng lại không được đề cập trong bản án. Phải chăng nếu đưa lời nhân chứng vào thì sẽ gây bất lợi cho phía thú y nên cấp Tòa sơ thẩm đã bỏ qua tình tiết này để tuyên án được thuận lợi”.

Biên bản khuất tất có kết quả dương tính (lúc 20 giờ ngày 10/5/2016) chỉ thể hiện đàn heo chỉ có 13 con.

Cũng như chúng tôi đã phản ánh trước đó, khi trao đổi với ông Trần Hà Hải – Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương thì ông này khẳng định nhân viên của mình đã làm đúng quy trình. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu cung cấp biên bản tiêu hủy thì ông Hải hứa sẽ kiểm tra lại hồ sơ rồi cung cấp nhưng không thấy. Thế nhưng, sau khi bài báo được đăng tải, ông Hải đã gọi điện nói rằng bài báo đó là sai sự thật nên phóng viên cần rút kinh nghiệm.

Qua sự việc, ông Hải nêu quan điểm như vậy, phóng viên tiếp tục khẳng định về những bất thường trong các biên bản mà nhân viên dưới quyền của ông này đã làm. Cụ thể là ngày lập biên bản trước khi có heo được kiểm dịch chất cấm cùng với sai số lượng heo trong biên bản như để khẳng định việc cấp dưới của ông Hải đã làm không đúng.

Đồng thời, phóng viên cũng nói rõ những khuất tất đối với các biên bản đó cũng như khẳng định bài báo hoàn toàn đúng chứ không hề sai như lời ông Hải nói. Phóng viên cũng nói sẽ tiến hành làm việc với phía Tòa án cũng như sẽ gặp ông Hải để trao đổi tiếp những thông tin mà phía Chi cục Thú y để ghi nhận tình hình.

Còn về diễn biến sự việc, sau khi đã làm việc, trao đổi, nhiều chuyên gia luật đều chung quan điểm về hành vi lập biên bản sai ngày và số lượng heo được ghi trong biên bản. Các chuyên gia luật còn khẳng định không được tiêu hủy số heo của ông Thuyên khi những con heo đó chưa được giết mổ. Cũng như việc tiêu hủy đàn heo đó là bất thường khi chưa có quyết định xử phạt và có biện pháp khắc phục hậu quả. Chưa kể đến biên bản tiêu hủy những con heo này khi được yêu cầu đưa ra thì không thấy đâu…

Không được phép tiêu hủy!

Đó là lời khẳng định của Luật sư Nguyễn Duy Bình – Đoàn Luật sư TP.HCM, một trong những chuyên gia luật khi trao đổi với phóng viên. Tiếp tục vấn đề, Luật sư Nguyễn Duy Bình nêu thêm quan điểm: “Căn cứ vào nội dung vụ việc, tôi nhận thấy:

Thứ nhất, theo thông tin trước khi ông Thuyên mua heo của ông Khiêm thì ông Khiêm đã có giấy chứng nhận kiểm dịch từ cán bộ thú y hoặc của cơ quan chức năng nên lỗi hoàn toàn không thuộc về ông Thuyên vì ông Thuyên không phải là chủ nuôi heo và sử dụng chất cấm. Nếu kết quả giám định của “Trung tâm II” là chính xác thì cần xem xét trách nhiệm của cán bộ thú y, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoặc phía ông Khiêm….”.

Bên cạnh đó, theo quy định, trường hợp này áp dụng quy định tại điểm h, khoản 2, điều 13, nghị định 119/CP/2013 để xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm a, khoản 4 điều 13 là sai đối tượng, sai quy định. Cho dù 15 con heo đã thuộc quyền sở hữu của ông Thuyên nhưng người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là ông Khiêm (nếu có) nên phải áp dụng điểm a hoặc điểm b, khoản 1, điều 36 Nghị định 119 để xử phạt chủ nuôi heo nếu sau khi kiểm tra, xác minh nhận thấy ông Thuyên chỉ mới vừa mua về, chưa cho ăn chất cấm nói trên.

Mặt khác, trường hợp này heo chưa bị giết mổ nên không được áp dụng khoản 4 điều 13 để tiêu hủy mà phải áp dụng điểm a, khoản 3 điều 36 để buộc tiếp tục chủ cơ sở hoặc chủ sở hữu nuôi dưỡng đàn heo cho đến khi chất cấm không còn tồn dư mới được giết mổ. Chính vì vậy trường hợp này chủ sở hữu hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường tổn thất khi đàn heo bị tiêu hủy trái quy định…

Điều quan trọng hơn hết là theo quy định việc tiêu hủy đàn heo phải được thực hiện sau khi ban hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và phải thực hiện đầy đủ thủ tục tiêu hủy đúng theo quy định. Căn cứ vào nội dung vụ việc, cho dù ông Thuyên có ký vào biên bản đồng ý tiêu hủy vào ngày 14/05/2016 thì cơ quan chức năng cũng không được phép tiêu hủy khi chưa có quyết định xử phạt và khắc phục hậu quả…

Căn cứ vào lời khai của ông Thuyên, tại thời điểm kiểm tra, lấy mẫu nước tiểu của số heo trên, ông Thuyên đang có mặt tại nhà ông Khiêm cùng ông Khiêm và cán bộ thú y tên Hiếu sau đó mới về cơ sở giết mổ để ký biên bản nên việc ông Thuyên cho rằng mình không có mặt chứng kiến thủ tục trên là có cơ sở và Tòa án cần phải xác minh, kiểm tra, đối chất để làm rõ tình tiết này chứ không phải dựa vào mỗi chữ ký trong biên bản để nhận định hoặc cho rằng ông Thuyên không có chứng cứ chứng minh…

Và việc biên bản lấy mẫu thể hiện ngày 10/05/2016 là một biểu hiện khá bất thường, Tòa án chưa thể tin vào văn bản đính chính về ngày tháng của Chi cục trưởng để nhận định do nhầm lẫn về ngày tháng mà Tòa án phải yêu cầu Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II cung cấp hồ sơ kiểm nghiệm để chứng minh thủ tục giao nhận vật kiểm nghiệm, kết quả kiểm nghiệm. Quy trình này để khẳng định sự việc có đúng với diễn biến vụ việc kiểm tra, lấy mẫu và có đúng là kết quả của vụ việc này hay không.

Mặt khác, người khởi kiện và Tòa án cần phải yêu cầu phía Chi cục Thú y cung cấp mẫu nước tiểu lưu giữ theo quy định tại thông tư 01/2016/BNN của Bộ Nông Nghiệp hướng dẫn: “Mỗi mẫu nước tiểu, mẫu máu lấy để kiểm tra được chia làm 2 phần. Mỗi phần được niêm phong, có chữ ký xác nhận của đại diện cơ quan lấy mẫu và cơ sở được lấy mẫu. Mẫu phải được chứa đựng trong các dụng cụ đựng mẫu phù hợp, ghi đầy đủ thông tin liên quan theo quy định. Trong đó 1 phần gửi đi kiểm nghiệm, 1 phần lưu tại cơ quan lấy mẫu. Mẫu nước tiểu, mẫu máu luôn luôn được bảo quản lạnh ở nhiệt độ nhỏ hơn hoặc bằng 04 0 C”.

Như vậy, có thể tổ chức giám định mẫu vật này nhằm đối chiếu kết quả thu được từ mẫu nước tiểu mà cơ quan thú y đã giao cho Trung tâm II. Thứ nữa, về mặt thủ tục, đây là một thủ tục rất quan trọng nhằm tránh gian lận trong việc kiểm nghiệm, giám định. Chính vì vậy, nếu khi lấy mẫu nước tiểu, phía Chi cục Thú y không chia mẫu ra làm 2 phần hoặc không lưu giữ thì đây cũng là một vi phạm nghiêm trọng dẫn đến quyết định xử phạt VPHC không có giá trị pháp lý.

NGUYỄN PHƯƠNG / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chuyen-la-o-binh-duong-toa-so-tham-ngo-lo-loi-nhan-chung-p43317.html