Chuyện làm giàu của những người nước ngoài trên đất Việt

Đến từ nhiều quốc gia khác nhau, lựa chọn các hình thức kinh doanh khác nhau, nhưng điểm chung của họ là đã lập nghiệp thành công trên đất Việt.

Hai chàng trai Tây đặt tên Việt Nam vào bản đồ socola thế giới

Năm 2011, Sam Maruta 41 tuổi và Vincent Mourou 43 tuổi đang làm việc trong ngành ngân hàng và quảng cáo đã quyết định bỏ việc để thành lập Marou Faiseurs de Chocolat - một công ty chuyên về socola single-origin (loại socola được sản xuất 100% từ hạt cacao thu hoạch trên một nông trại hoặc một vùng đất nhất định) đặt tại ngoại ô TP.HCM.

Lúc đó, tham vọng của Sam Maruta và Vincent Mourou là tạo nên loại socola bean-to-bar đầu tiên tại Việt Nam. Bean-to-bar là loại socola được cùng một nhà sản xuất thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt cacao đến khi xuất xưởng thanh socola.

Sam Maruta (phải) và Vincent Mourou (trái)

Sau 4 năm thành lập công ty, họ đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên bằng những thanh socola chất lượng không thua kém các tên tuổi của Châu Âu, đặt tên Việt Nam vào bản đồ socola thế giới.

Trong năm đầu tiên hoạt động là 2012, doanh thu của Marou đạt 120.000 USD. Marou đặt tên 5 loại thanh socola của hãng từ 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre. Năm 2013, socola Tiền Giang 70% của Marou đã giành huy chương Bạc ở hạng mục "loại socola đen bean-to-bar ngon nhất" của Viện Hàn lâm socola (Academy of Chocolate) tại Anh, còn socola Bến Tre 78% cũng của họ thì được huy chương Đồng.

Đối với những doanh nhân nước ngoài như Maruta và Mourou, Việt Nam là nơi mang lại cho họ sự tự do làm những điều mình thích.

Maruta cho biết: "Nếu muốn kinh doanh những thứ như socola ở Pháp, trở ngại lớn nhất là bạn sẽ gặp phải hàng tá câu hỏi chất vấn trong mắt mọi người: Anh là ai? Anh được cấp phép chưa? Anh đã học cách làm socola chưa? Gia đình anh có truyền thống làm socola không? Nhưng tại Việt Nam, bạn sẽ không gặp phải những câu hỏi kiểu này và sẽ được làm những gì bạn muốn. Đó là cảm giác của sự tự do".

“Làng thần kỳ” Nhật Bản tại Đà Lạt

Vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, ngôi làng Kawakami Mura, thuộc huyện Minamisaku, tỉnh Nagano nằm ở phía Tây thủ đô Tokyo còn là vùng đất đai cằn cỗi, nghèo nhất Nhật Bản. Thế nhưng, giờ đây, Kawakami Mura đã thay da đổi thịt và trở thành ngôi làng giàu có nhất xứ sở hoa anh đào. Tất cả chỉ nhờ trồng rau xà lách. Vì lẽ đó mà Kawakami Mura được người dân Nhật đặt cho tên gọi “Làng thần kỳ”.

Năm 2012, ông Hironosi Tsuchiya, Giám đốc Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam sau nhiều lần lui tới Đà Lạt-Lâm Đồng, nhận thấy đây là vùng đất trù phú, thích hợp để triển khai mô hình trồng rau sạch theo công nghệ Nhật Bản.

Làng thần kỳ Nhật Bản tại Đà Lạt

Khi về nước, ông Hironosi Tsuchiya tìm tới “làng thần kỳ”, giới thiệu về Đà Lạt, vận động nông dân tới đây trồng rau. Hai nông dân trẻ, chủ của Công ty Lacue tại Kawakami Mura là anh Masahito và anh Takaya Hanaoka đã quyết định tới Đà Lạt để tìm hiểu.

Sau khi khảo sát, hai nông dân Nhật nhanh chóng hợp tác với một doanh nghiệp địa phương lập liên doanh An Phú Lacue để trồng rau xà lách tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm rau sạch của An Phú Lacue đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, xuất khẩu sang Nhật và một số quốc gia khác.

Bỏ Đức sang Việt Nam bán xúc xích

Trước khi đến Việt Nam, Klaus Rutt từng làm việc hơn 25 năm cho một công ty chuyên xử lý rác thải của Đức là G.A.S Tai Mannheim. Chị Nguyệt, vợ anh cũng có cổ phần tại 4 nhà hàng tại quốc gia này.

Năm 2008, trong một lần về Việt Nam, Klaus Rutt tình cờ ăn thử xúc xích Đức bán trên vỉa hè Hà Nội nhưng thấy không đúng với hương vị của quê hương mình. Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề xúc xích nên Klaus Rutt quyết tâm mang xúc xích Đức "chính hiệu" đến thị trường Việt Nam.

Klaus Rutt và xúc xích Leon King

Đầu năm 2012, bất chấp mọi sự phản đối gay gắt từ phía gia đình, Klaus Rutt đã quyết định từ bỏ mọi thứ ở nước Đức để đến Việt Nam hiện thực hóa ước mơ của mình. Anh mang toàn bộ máy móc cùng nguyên phụ liệu từ quê hương đến TP.HCM để mở xưởng sản xuất xúc xích Đức theo phương pháp và bí quyết gia truyền. Klaus Rutt dùng tên con trai mình, Leon - làm tên thương hiệu. Leon King – Vua xúc xích có mặt tại Việt Nam từ ngày đó.

Sau một thời gian ngắn, cửa hàng xúc xích của anh chàng người Đức đã thu hút sự quan tâm từ nhiều người tiêu dùng Việt cũng như khách nước ngoài.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chuyen-lam-giau-cua-nhung-nguoi-nuoc-ngoai-tren-dat-viet-20160603041622728p5c128.news