Chuyện làng văn nghệ: Nhớ hai người hàng xóm đã xa

Đầu năm 1978, tôi được điều ra Hà Nội học lớp sáng tác âm nhạc do Bộ Tư lệnh Thông tin tổ chức. Rời phương Nam nắng gió, ra với thủ đô lạnh giá mưa phùn, nhưng lại được ở gần người yêu. Lúc này Hiền (hiện là vợ tôi) đang học ôn thi đại học ở trường Văn hóa Gia Lâm. Bố Hiền rất thoáng.

Ông bảo: “Cậu ra đây đi học, nếu được lớp cho phép thì về nhà mà ở với mọi người cho vui”. Mọi người là bố Hiền và vợ chồng chị Hải - chị ruột - Hiền, Hiền là con gái út. Tôi hơi ngại. Hiền bảo: “Thế là bố quý anh lắm đấy. Được bố vợ tương lai mời về nhà thì cứ về”. Thế là tôi về ở tại gác 3 - buồng bên trong nhà 60 Hàng Bông có chừng 10 hộ. Hàng xóm nhà Hiền là vợ chồng anh chị Hoài Giang - Vân Anh và cháu trai Anh Vũ mới chừng 6 tuổi. Hôm tôi về ở, anh Hoài Giang từ buồng bên kia ra cửa bắt tay tôi: “Chào anh bộ đội hàng xóm mới nhé. Khi nào rảnh thì sang mình trò chuyện”. Chị Vân Anh cũng ra cửa cười mủm mỉm: “Cô Hiền khéo chọn bạn trăm năm đấy”. Không khí đón tiếp khiến tôi hết e ngại. Tôi ở trên sân thượng dựng sơ sài, che giấy dầu. Ở Hà Nội khi ấy, được như thế là tươm chán. Qua Hiền, tôi biết anh Hoài Giang là biên kịch của Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam. Còn chị Vân Anh vốn là giáo viên văn, hiện đã về làm báo Thiếu niên Tiền phong. Trong thời gian học, sau khi học đủ lý thuyết, chúng tôi được nghỉ để làm bài tập - tức là sáng tác ca khúc. Tôi ôm đàn guitar về căn gác bập bùng.

Nhà báo Phạm Mạnh.

Một hôm anh Hoài Giang mời tôi sang chơi. Căn buồng của anh trông ra đường Hàng Bông. Biết tôi đang làm cả thơ, nhạc, anh bảo: “Chắc đấy là cái nghiệp của từng người. Mình cũng thế. Hồi mới tập kết ra làm ở Trung ương Đoàn, mình cũng đã viết ca khúc thiếu nhi, sau đó khi chuyển sang Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam thì lại vừa biên kịch, vừa viết văn. Mình chỉ viết cho trẻ thơ thôi”. Tôi hỏi anh ca khúc thiếu nhi của anh có tên là gì, có phổ biến không? Khi anh bảo đó là bài “Có hai con chim”, thì tôi hát giai điệu lên ngay: “Có hai con chim xinh xinh/ Nó đang trên cành cao cao/ Cất tiếng hát vút cao là vút cao/ Tung tăng chào mừng đoàn thiếu niên khăn quàng”. Anh nghe tôi hát thì thích quá, nói: “Không ngờ ca khúc của mình được thiếu nhi thời ấy yêu mến”. Ca khúc ấy tôi đã thuộc từ thời bé con ở Hải Phòng. Tôi đâu ngờ cuộc đời sau khi đưa mình đi qua một thanh xuân lửa đạn thì lại trở về làm hàng xóm tác giả một ca khúc rất thanh bình mà mình ưa chuộng. Tôi cũng được biết cuốn sách của anh là cuốn “Dấu chân trên đồng” viết về nhà nông học Lương Đình Của. Vậy là trong lúc đang chập chững vào nghề, tôi đã có ngay một bậc đàn anh là hàng xóm để học hỏi. Năm sau, lại có thêm một đàn anh hàng xóm nữa cũng về ở chung cư 60 Hàng Bông. Đó là nhà phê bình văn học Ngô Thảo ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có vẻ như “Đất lành, chim đậu”! Qua anh Hoài Giang, tôi được biết chung cư 60 Hàng Bông vốn là nhà của bà giáo Hùng. Toàn bộ tầng một và phía sau là gara ôtô và nhà ở của những người giúp việc. Nhà bà chỉ ở tầng hai và tầng ba gần bốn buồng. Khi giải phóng Thủ đô, bà giáo Hùng di cư, để lại chung cư này cho nhà nước quản lý rồi cho thuê. Anh Hoài Giang là người về ở đây khá sớm. Lúc đó, anh còn độc thân. Đã có khá nhiều văn nghệ sĩ thời mới giải phóng trong đó có cả Phùng Quán, Mạc Lân… đã từng đến chén chú chén anh đọc văn, ngâm thơ ở căn buồng của bác. Nhà Hiền về căn buồng bên trong gác ba từ năm 1974. Bố Hiền đã sang tên căn buồng từ một nhà thơ viết cho thiếu nhi Trần Hồng Thắng. Sau giải phóng miền Nam, anh Trần Hồng Thắng về ở Cần Thơ thì phải.

Hoài Giang - nhà biên kịch Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam.

Khi tôi về “chui gầm chạn” nhưng cao hơn 5 mét cho đến tận giờ, tôi và vợ chồng anh Hoài Giang càng thêm thân thiết. Chị Vân Anh thì đặt tôi làm thơ, viết truyện thiếu nhi cho tờ báo của mình. Anh Hoài Giang đặt tôi viết kịch bản phim hoạt hình. Nhờ vậy, tôi có hẳn một tập thơ được tập hợp lại từ những bài thơ in báo “Thiếu niên Tiền phong” với cái tên “Từ nhà ra phố”. Nếu in cả những bài hát thiếu nhi của tôi nữa cũng có thể ra được một tập, còn truyện thiếu nhi thì là “Ta là”. Nhờ Hoài Giang, tôi đã có kịch bản phim hoạt hình đầu tiên được đưa vào sản xuất. Đó là phim “Có một sớm gà trống không gáy” mà phần âm nhạc do nhạc sĩ Hồng Đăng viết. Tôi quen anh Hồng Đăng từ vụ cộng tác này. Sau đó là “Anh em nhà sáo”. Đến khi vợ chồng anh Hoài Giang và cháu Vũ rời căn buồng đi ở nhà mới ven đê phía Bác Cổ, tôi đã trở thành một tác giả viết kịch bản phim hoạt hình có “đai đẳng”. Năm 1994, thấy tôi được giải Nhì (không có giải nhất) kịch bản “Làm thế nào để thơm như hoa”, anh rất mừng. Anh chị coi vợ chồng tôi như các em ruột thịt. Ngày bao cấp ấy, nhờ có những đồng nhuận bút “còm” từ báo và từ xưởng phim, tôi và Hiền cũng đỡ cực một phần. Các bạn bè cũng thường đến chia vui khi có nhuận bút. Tôi nói với anh Hoài Giang có lẽ cái “địa chỉ vui chơi” đã di dời từ nhà anh chị sang nhà tôi theo thời gian. Anh cười vui vẻ. Thương chúng tôi, anh chị nói, chỉ cần đưa 2 chỉ vàng thôi, chúng tôi sẽ là chủ nhân của căn buồng luôn. Nhưng khổ, đến 2 chỉ vàng vợ chồng tôi cũng đâu có. Giữa lúc ấy, cặp vợ chồng nhà phê bình văn học Lê Quang Trang và nhà thơ Trần Thị Thắng lại có nhu cầu muốn chuyển từ phía Lò Đúc về phố cổ. Đấy cũng là bạn bè chiến trường cả. Ai ở được đều vui. Ai dè, căn buồng gần đường hơi ồn, anh Trang ở được một năm thì mắc chứng đau đầu, đành phải chuyển đi. Hàng xóm mới đến là gia đình nhà báo Phạm Mạnh ở Thông tấn xã Việt Nam - có họ hàng với chị Trần Thị Thắng. Vậy là tôi có hàng xóm mới. Có lẽ lá tử vi của tôi là lá số được bạn bè, anh em. Mạnh cũng đã biết tôi làm báo từ trước khi về làm hàng xóm và tôi lại làm âm nhạc nên Mạnh càng khoái. Chàng nhà báo đẹp trai với bộ ria con kiến lại rất mê nhạc giao hưởng. Bởi thế, vừa về bên nhau, tôi và Mạnh đã khớp chặt ngay. Rất nhiều cuộc chỉ có hai anh em khi bên nhà tôi, khi bên nhà Mạnh, vừa uống rượu vừa nằm nghe nhạc giao hưởng. Kiếm được cái CD mới nào là lại tụ tập, lại nghe trong hơi men nồng nàn. Nhiều nhận định của Mạnh về các giao hưởng của Beethoven, Dvorak, Tchaikovsky… rất tinh tế.

Chúng tôi cứ thế vui cười với nhau qua ngày qua tháng. Khi Mạnh làm tờ “Tin tức buổi chiều”, tôi thường xuyên góp mặt. Đến khi Mạnh sang làm Tổng biên tập báo “Bạn đường” thì tôi trở thành cộng tác viên ruột. Chúng tôi coi công việc của nhau là công việc của chính mình. Đấy cũng là những năm đẹp đẽ. Có một kỷ niệm thật sâu đậm giữa tôi và Mạnh là kỷ niệm ứng xử với nhạc sĩ Phạm Duy. Tết năm Canh Thìn 2000, lần đầu tiên sau 50 năm xa Hà Nội, Phạm Duy mới trở về. Sau nhiều ngày ở Hà Nội, Phạm Duy muốn bay vào Sài Gòn. Nhưng kẹt là chuyến bay của ông lại gặp đúng ngày mưa mù cho nên phải hoãn bay, mà Phạm Duy lại rất sốt ruột muốn vào ngay. Tôi hỏi Phạm Duy đi tàu lửa liên vận vào Sài Gòn có được không? Phạm Duy bảo thế thì hay quá. Đi để mình nhớ 55 năm trước Nam tiến và viết “Xuất quân”. Tôi về bàn với Mạnh. Mạnh nhất trí. Hai anh em đến khách sạn Lò Sũ đón Phạm Duy ra thẳng ga lấy vé, sau đó đưa Phạm Duy về ăn phở Đình Ngang. Đến tối, hai anh em lại tiễn ông ra ga cho đến khi tàu chuyển bánh.

Mạnh rất chăm chỉ trong công việc và làm ăn nên có tiền để mua chung cư Trung Hòa - Nhân Chính. Giữa năm 2004, Mạnh cùng gia đình chuyển về Trung Hòa - Nhân Chính. Lúc ấy, Hiền nhà tôi vừa qua xuất huyết não hơn một tháng, đang còn rất yếu. Rất nhiều người hỏi thuê căn buồng của Mạnh nhưng Mạnh chỉ cho tôi thuê với giá ưu đãi suốt 3 năm ròng. Mọi việc chắc sẽ là thế nếu bạo bệnh ung thư không cướp Mạnh đi vào sớm thu 2006. Cuối 2007, gia đình Mạnh về lại 60 Hàng Bông, cho thuê chung cư Trung Hòa - Nhân Chính để có chi phí hàng tháng. Còn anh Hoài Giang sau nhiều lần bị tai biến cũng đã qua đời. Vậy là trong gần 40 năm, tôi đã mất hai người hàng xóm, hai người tri kỷ.

Nhớ anh Hoài Giang, tôi ngồi ký âm lại bài “Có hai con chim” của anh đem in trong tuyển tập ca khúc thiếu nhi. Nhớ Mạnh, tôi luôn coi các con cháu gia đình Mạnh như con cháu trong nhà. Thật tiếc cho cả hai người. Khi anh Hoài Giang còn sống, cháu Anh Vũ vẫn chưa lấy vợ. Đến khi lẽ ra được là ông nội thì anh lại không còn nữa. Phạm Mạnh cũng vậy. Bây giờ nội ngoại đề huề thì hai anh chỉ còn là hương khói trên bàn thờ huyền ảo.

NGUYỄN THỤY KHA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chuyen-lang-van-nghe-nho-hai-nguoi-hang-xom-da-xa-599532.bld