Chuyện lúa tôm sinh thái

Mỗi vụ lúa tôm xen canh, doanh thu có thể đạt được gấp khoảng 3 lần chi phí đầu tư. Tuy vậy lợi nhuận kinh tế chưa phải là tất cả giá trị mà mô hình này mang lại.

Cánh đồng tôm lúa nhà ông Vẹn. Ảnh: ĐT

Từ nhiều năm nay, người dân ở những khu vực ven biển ở Bến Tre đã quen với chuyện luân canh tôm lúa. Mùa nước mặn xâm nhập, thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, người dân thả nuôi tôm thẻ, tôm sú - những giống tôm chịu mặn. Khi mùa mưa đến, mặn được rửa trôi, nước ngọt đầy đủ, một mùa vụ mới được bắt đầu với tôm càng xanh xen canh lúa trên mảnh ruộng của người dân.

Mảnh ruộng 1 héc ta của ông Nguyễn Văn Vẹn vừa được cấy lúa chừng chưa đầy tháng, 30% diện tích xung quanh được vét lên, chiều sâu chừng 08,-1 mét, để làm ao nuôi tôm. Con tôm ôm cây lúa và giá trị sinh ra từ đây.

Mỗi vụ như vậy, ông Vẹn, thả xuống vuông của mình 100.000 con tôm càng xanh, 100.000 tôm sú và cũng chừng ấy tôm thẻ. Chi phí con giống khoảng 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, tiền điện bơm nước, thức ăn cho tôm khoảng 40 triệu đồng. Sau 6 tháng, kết thúc vụ tôm - lúa xen canh, người nông dân ở ấp 8, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú này thu về 180 triệu đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận đạt 110 triệu đồng. Con số này đủ để ông Vẹn gắn bó với con tôm cây lúa 20 năm qua.

Ông Vẹn là một trong rất nhiều nông dân ở Thạnh Phú theo mô hình tôm lúa. Mỗi người có một cách canh tác riêng, không ai giống ai. Thế nhưng, giữa họ có một điểm chung, đó là không bao giờ phun xịt thuốc trên mảnh ruộng của mình.

Điều này dễ hiểu. Thử phân tích trên 1 héc ta, mỗi vụ, mảnh ruộng mang về cho người nông dân chừng 4 tấn lúa, mỗi kí lúa giá 7.000 đồng, tương ứng giá trị lúa mang lại 28 triệu đồng, chiếm chưa đến 1/6 tổng doanh thu 180 triệu đồng. Chẳng ai đánh đổi sử dụng thuốc bảo vệ cây lúa để rồi gây hại cho con tôm.

Cái thế bắt buộc như vậy hóa ra lại hay. Người nông dân tránh phải dùng hóa chất gây hại sức khỏe và ảnh hưởng đến môi trường. Người tiêu dùng cũng an tâm với chất lượng hạt gạo. Khi nhiều nông dân cùng thực hiện như vậy, họ cộng hưởng cùng nhau, hình thành nên một vùng tôm lúa sinh thái thân thiện với môi trường và có khả năng phát triển bền vững. Đây chính là giá trị quan trọng, bên cạnh lợi ích kinh tế mà mô hình này mang lại.

Nhìn qua lăng kính kinh tế, có người sẽ đặt câu rằng sao không dẹp lúa qua một bên, dành hết diện tích để nuôi hẳn tôm nhằm tối ưu doanh thu, bởi dù gì giá trị con tôm cũng gấp 5 lần cây lúa?

Thật ra, cây lúa không lấn đất nuôi tôm, cũng như cánh đồng cỏ không ảnh hưởng đến sự di chuyển của đàn bò. Bản thân ông Vẹn cũng từng nuôi như vậy nhưng theo ông, mô hình đó không bền vững, vụ được vụ không, tôm dễ sinh bệnh hơn. Lý do tại sao, người nông dân như ông mường tượng ra câu trả lời đại ý cây lúa cần cho con tôm. Rễ lúa sẽ phân hủy phân tôm để lấy chất dinh dưỡng, qua đó cải tạo chất lượng nước trong vuông. Một phần lúa thu hoạch sẽ được nghiền nhuyễn, trộn với cá, đem hấp làm thức ăn cho tôm.

Rõ ràng không dễ để đo lường giá trị cải tạo môi trường sống cho tôm mà rễ lúa mang lại.

Không chỉ có vậy, cây lúa còn đem lại những giá trị khác. Ruộng lúa - một thảm xanh, như bộ tản nhiệt, giúp ổn định nhiệt độ nước, ông Châu Thuận Trị, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, giải thích.

Ngoài ra, con tôm sẽ tận dụng sản phẩm từ cây lúa để làm thức ăn. Theo mô hình mà ông Trị nghiên cứu, khi nuôi tôm bằng thức ăn công nghiệp thì 1,7 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg tôm; nếu xen canh thêm cây lúa, thì chỉ cần dùng 1,5 kg thức ăn mà thôi.

Để tăng hiệu quả cánh đồng tôm lúa, ông Trị và các đồng nghiệp ở Trung tâm Khuyến nông Bến Tre áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, thay vì thả tự nhiên, không có sự kiểm soát về giới tính. Khi nuôi tự nhiên, con đực và con cái sẽ kết cặp. Quá trình này, làm con đực không phát triển, còn con cái thì ôm trứng tìm cách di cư sinh sản. Do vậy, kích cỡ tôm thu hoạch khá nhỏ, khoảng 40-50 con/kg. Việc nuôi tôm toàn đực giúp giải bài toán này, kích cỡ thu hoạch lớn, đạt 10-15 con/kg. Tôm càng to, giá bán càng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Trị lý giải.

Tuy không có con số thống kê cụ thể nhưng vị đại diện Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng 300 héc ta nuôi tôm càng xanh toàn đực, phổ biến ở các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Diện tích tôm – lúa trên toàn tỉnh khá lớn nên sẽ có tiềm năng mở rộng mô hình tôm toàn đực trong thời gian đến.

Trong số diện tích trên, chưa có mảnh ruộng của ông Vẹn. Người nông dân này có nghe nói đến công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực nhưng với ông, hiệu quả cách nuôi cũ vẫn làm ông đủ hài lòng và chưa có ý định thay đổi.

Không có một công thức chung cho những người nông dân. Ngay tại Mỹ An, bên cạnh những người chọn nuôi tôm quảng canh trên ruộng lúa như ông Vẹn, vẫn có những người khác đi theo mô hình nuôi tôm thâm canh công nghiệp, lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn.

Mỗi người có một lựa chọn cho riêng mình. Tuy vậy, với vai trò của một cán bộ khuyến nông, nhìn thấy hiệu quả kinh tế và giá trị bền vững từ mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa sinh thái, ông Trị kỳ vọng hướng đi mới này sẽ sớm lan rộng để mang lại những giá trị mới cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151236/chuyen-lua-tom-sinh-thai.html/