Chuyện mới ở Angkor

Cũng hơn năm nay, tôi mới trở lại Angkor với đoàn khách của Hội Điện ảnh Việt Nam. Lâu nay, khách Việt từng tham quan Angkor chuyển qua đi Sihanouk (trước đây gọi là Sihanoukville) và Thansur Bokor. ít hơn thì đi Preak Vihear, Anlong Veng và Dòng sông ngàn Linga.

Đền Banteay Srei thuộc khu vực Angkor, Campuchia.Ảnh: Hùng Tú

Giữa tháng 3, xứ sở Angkor nóng như đổ lửa. Nhờ mấy cơn mưa trái mùa nên cây cỏ có phần tươi xanh giữa những cánh đồng khô hạn. Những chiếc bẫy dế bắt đầu có mặt như đang giương buồm trắng, thong dong đợi gió. Từ ngày 1-2-2017, vé tham quan Angkor tăng từ 20 lên 37 đô la Mỹ/ngày/người. Các chính sách vé vẫn như cũ, khách mua ba ngày được tặng một ngày, mua bảy ngày được tặng bốn ngày. Việc này nhằm khuyến khích khách lưu trú lâu hơn và tiêu tiền vào các dịch vụ nhiều hơn. Giá vé tham quan quần thể Hoàng Cung và chùa Bạc (người Việt gọi là chùa Vàng, Campuchia gọi là chùa Ngọc Bích) cũng tăng từ 6,25 đô la Mỹ lên 10 đô la Mỹ; vé Bảo tàng Quốc gia tăng từ 3 đô la Mỹ lên 6 đô la Mỹ... Đây là đợt tăng vé sau hơn 20 năm ổn định.

Dù giá tăng khá cao nhưng lượng khách không hề giảm. Nhiều người vẫn trở lại năm bảy lần. Nên nhớ, quần thể Angkor rộng hơn 400 ki lô mét vuông, với hàng trăm đền đài có niên đại từ 900 năm tuổi trở lên. Vé tham quan Angkor được bán chung chứ không tách từng điểm, dù có điểm như Banteay Srey cách Angkor Wat 29 ki lô mét. Vé có ảnh của du khách, chụp bằng webcam, để kiểm soát chặt chẽ. Cách bán sỉ này vừa giúp tinh gọn bộ máy, dễ quản lý và buộc du khách phải cố tham quan cho đáng đồng tiền bỏ ra. Từ mấy năm nay, khu bán vé được xây dựng mới rất khang trang, bề thế, sắp xếp khoa học, để khách giảm thiểu thời gian chờ đợi và có các dịch vụ tương ứng. Ngày cao điểm, phòng vé có thể tiếp nhận 30.000 lượt khách.

Tôi có phần ngạc nhiên vì màu áo đồng phục nhân viên. Màu xanh da trời nhạt được thay bằng tím nhẹ. Càng bất ngờ khi biết việc quản lý kinh doanh quần thể Angkor của tập đoàn tư nhân Sokha được thay thế bởi Bộ Du lịch. Cách đây hơn 20 năm, quần thể Angkor được quản lý bởi nhà nước. Việc quản lý yếu kém, vừa thất thu vừa không hiệu quả về mọi mặt nên tập đoàn Sokha được chỉ định thầu quản lý. Phải thừa nhận nỗ lực lột xác về quản lý và hiệu quả, từ nguồn thu cho tới môi trường, nhà vệ sinh... của Sokha. Giá thầu trước đây có vẻ hợp lý nhưng quá hời so với thực tế doanh thu hiện nay. Đặc biệt, từ năm 1999, có sự tham gia cạnh tranh của các đảng đối lập, chủ thể quản lý và nguồn thu từ Angkor luôn là vấn đề nghị sự về kinh tế.

Năm 2016, ước tính khoảng bốn triệu khách quốc tế đến Siem Reap. Chỉ riêng vé tham quan đã trên 100 triệu đô la Mỹ. Năm 2017, dự kiến tăng gấp đôi. Tập đoàn Sokha của Oknha Sokung thuộc Ban Kinh tài của đảng Nhân dân Campuchia. Người Campuchia muốn nguồn thu từ Angkor phải thuộc về nhà nước. Trước áp lực của dư luận xã hội, sau thời gian thương thảo, tập đoàn Sokha giao quyền quản lý Angkor cho Bộ Du lịch, kết hợp với Ủy ban Apsara của nhà nước. Chuyện có vẻ ngược đời với các nền kinh tế thị trường nhưng lại rất hợp lý, hợp tình ở Campuchia. Cùng với việc thay đổi chủ thể quản lý, Campuchia tăng giá vé tham quan, tăng lương cho nhân viên và trích lại mỗi ngày vé tham quan Angkor 2 đô la Mỹ (khoảng 6% doanh thu) cho bệnh viện Nhi Kantha Bopha. Trước mắt, đó là sự thay đổi tích cực, đáp ứng mong muốn của người dân Campuchia.

Từ khi có khu bán vé mới bề thế, đường số 60 bên cạnh trở thành điểm hẹn. Ban đầu dành cho dân bản địa. Dần dần có cả du khách thích trải nghiệm thực tiễn văn hóa dân gian. Chợ đêm Siem Reap rộng gần trăm héc ta với hàng ngàn cửa hàng, quầy sạp phục vụ du khách nước ngoài. Từ hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ và giả cổ, hàng tiêu dùng, thực phẩm cho đến bar, đủ loại massage, làm đẹp và nhiều dịch vụ khác. Nhưng người dân bản địa cũng có nhu cầu chợ đêm riêng theo kiểu Khmer. Đó là chợ đêm di động trên những chiếc xe đẩy đa năng. Người dân có thể đứng, ngồi xổm hay ngồi bệt trên những chiếc chiếu hoa trải hai bên vệ đường. Nhờ vậy, nhiều người Việt hiểu hơn thành ngữ “Trải chiếu hoa” mà lâu nay chỉ nghe nói.

Chợ không có quầy, sạp; chỉ họp từ chiều tối đến lúc nào hết khách, là tầm 23 giờ. Chợ không thu phí người bán. Cả đoạn đường chừng 500 mét tấp nập với hàng trăm người bán, hàng ngàn người mua. Có khi cả gia đình rủ nhau ra đây hóng gió, ngắm trăng vì chợ nằm ở ngoại vi thành phố, khoáng đãng và không xô bồ. Ban ngày, đường quang, chợ biến mất như chưa hề có. Chỉ bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 17 giờ. Chợ bán đủ thứ, giá cả và cung cách phục vụ cũng bình dân hơn và người bán không cần biết ngoại ngữ. Nhiều nhất là đồ ăn và hàng tiêu dùng phổ cập. Nhiều du khách tò mò, cũng sà xuống chiếu hoa, thử làm người Khmer dân dã với những món ăn đường phố chính hiệu, chưa bị biến tấu.

Ngẫm nghĩ, càng nể cách làm du lịch giản đơn của người bạn láng giềng. Không có những công trình đầu tư tầm cỡ, cũng chẳng cần mấy kỷ lục hình thức. Người Khmer tận dụng thế mạnh về văn hóa và bám sát nhu cầu thực tế của du khách lẫn người dân. Muốn phát triển du lịch, trước hết hãy phục vụ tốt cho những nhu cầu thiết yếu của người dân tại chỗ. Không cần nhiều tiền, vì có cần cũng không có. Cần hơn là lòng nhiệt thành, là tư duy làm du lịch một cách thiết thực và hiệu quả.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159189/chuyen-moi-o-angkor.html/