Chuyện ngược đời cho mượn ruộng canh tác ở Hà Nam

Ở nhiều vùng miền Bắc hiện đang có một nghịch lý: Người đi mượn đất chẳng những được thả phanh lựa chọn, sử dụng miễn phí, mà còn có quyền ra “yêu sách”, đòi chủ ruộng phải trả thêm tiền thì mới chịu làm!

Nông dân xã Tiên Hiệp chấp nhận trả tiền cho người thuê ruộng để giữ đất

Chẳng phải tự nhiên chủ ruộng sẵn lòng chấp nhận sự ngược đời ấy, mà họ có mục đích, là giữ ruộng.

Thực tiễn mà PV NNVN ghi nhận được ở xã Tiên Hiệp (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là một ví dụ về sự oái oăm này.

Mượn ruộng kiểu “sang chảnh”

Trước đây, Tiên Hiệp còn thuộc huyện Duy Tiên (Hà Nam). Tuy nhiên năm 2013, xã này được sáp nhập về TP Phủ Lý. Từ khi có dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tiên Hiệp bị chia đôi xã thành hai nửa đông – tây. Nửa phía tây đường cao tốc (gồm Thôn Ngòi, Thôn Thứ, Phú Hoàn) bây giờ ruộng đã được cơ bản thu hồi để nhường chỗ cho các dự án mở rộng TP Phủ Lý. Duy chỉ còn lại hai thôn phía đông đường cao tốc là nhiều ruộng, đặc biệt là thôn Đình Ngọ.

Kể từ ngày sáp nhập về TP Phủ Lý, cùng với nhiều khu công nghiệp (KCN) mọc lên vây ráp xung quanh, làng Đình Ngọ có hơn 300 khẩu, hơn 100 mẫu ruộng bây giờ tình cảnh càng ngán ngẩm, ruộng đất gần như chẳng kiếm đâu ra người làm.

Nhưng cũng còn một số hộ dân thuộc thôn Phú Hoàn bên kia đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã bị thu hồi hết ruộng vương vấn với cây lúa, sang Đình Ngọ mượn đất. Thế nhưng không như trước đây người đi mượn ruộng phải trả thóc cho người có ruộng, dân đi mượn ruộng ở Tiên Hiệp bây giờ rất “sang chảnh”.

Ở thôn Đình Ngọ, những gia đình chỉ có người già và trẻ con như bà Nguyễn Thị Tập bây giờ không đếm xuể. Bà Tập có 4 người con thì hai đứa đã vào Tây Ninh lập nghiệp từ hơn 20 năm nay.

Ở Đình Ngọ cũng như nhiều vùng quê khác, rất nhiều người trẻ đã rời làng mấy chục năm, có khi hộ khẩu chẳng còn ở quê nữa nhưng ruộng thì vẫn còn đó. Kể từ khi chồng mất cách đây chục năm, bà Tập bây giờ đã ngót 80 tuổi nhưng đang một mình gánh 8 sào ruộng.

Người con trai lấy vợ trong làng đã ở riêng bây giờ cũng một mình gánh hơn một mẫu ruộng nên bà Tập chẳng còn biết làm thế nào khác ngoài việc cho người khác mượn ruộng, nếu không muốn bị bỏ hoang. Thế nhưng để gạ được người khác mượn ruộng làm giúp ở Đình Ngọ bây giờ rất khó.

Bà Tập ngao ngán: Ngoài 2 sào ruộng bà phải nhờ người làm để lấy thóc ăn, 6 sào còn lại cho mượn không cũng chẳng ai làm. Về sau, người ta đòi bà phải trả cả “tiền sản”, nghĩa là những khoản như thủy lợi nội đồng, công diệt chuột… cho HTX thì mới chịu nhận ruộng.

Dù tiền sản mỗi vụ không nhiều, chỉ chừng 200 nghìn đồng/vụ, nhưng vụ nào bà cũng phải tự giác cun cút mang lên nộp cho HTX thì vụ sau người ta mới chịu làm ruộng hộ. “Bỏ ruộng thì không được, nhưng nài nỉ người ta làm hộ cũng rất khó. Năm ngoái, mấy khu ruộng xấu họ còn đòi phải nộp cả tiền công cày, tiền phân bón nữa thì mới chịu làm”, bà Tập cho biết.

"Có ngẩn ngơ mới trả ruộng"

Lúa vụ mùa ở Tiên Hiệp năm nay dính bệnh nặng, đánh thuốc 3 lần cũng không khỏi nên ước tính mỗi sào chẳng nổi 1 tạ thóc. Với ngày công gặt lúa tới 200 nghìn đồng/sào, nông dân lắc đầu bảo có tài thánh cũng chẳng lãi nửa xu.

Bà Nguyễn Thị Tập, một nông dân điển hình ở làng Đình Ngọ

Ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp lo ngay ngáy cho biết, cứ đà này, vụ sau công tác tuyên truyền để dân không bỏ ruộng sẽ phải càng quyết liệt, bởi mấy năm nay, cứ tới vụ cấy là “cả hệ thống chính trị” xã này phải vào cuộc vận động, giám sát, kiên quyết không để dân để hoang. Ruộng phải nộp hộ cả tiền sản người ta cũng ngại nhận, ấy thế nhưng ông Phú cũng cho biết, xã chưa thấy ai trả lại ruộng cho chính quyền hay bỏ ruộng hoang.

Ông Nguyễn Văn Trung (thôn Đình Ngọ) năm nay đã 60 tuổi, hoàn cảnh chẳng khác gì bà Tập hàng xóm nhà ông bởi cả 4 đứa con đều đã rời làng đi làm ăn xa nên cả nhà có 9 sào ruộng, ông phải nài nỉ người ta làm hộ 3 sào. Tôi thắc mắc: Làm ruộng không có lãi, lại phải trả cả tiền sản cho người ta mượn.

Vậy sao không bỏ hoang hay trả ruộng quách cho rảnh nợ? Nghe thế, ông Trung ngạc nhiên bảo, ở đâu chứ đất này mà trả ruộng thì có mà ngớ ngẩn! “Chẳng nói đâu xa, mới đây, dự án xây dựng trung tâm thể thao tỉnh Hà Nam mọc lên ở xã Tiên Hiệp, mỗi sào ruộng người ta đền bù tới 70 triệu đồng, ruộng bây giờ là vàng đấy, dại gì mà trả cho ủy ban”, ông Trung phân tích.

Quả thực, ruộng ở Tiên Hiệp giờ là “tấc đất, tấc vàng”. Nếu như hồi giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, mỗi sào ruộng cắt qua đây chỉ được đền bù 7 triệu đồng thì tới dự án trạm dừng nghỉ đường cao tốc ở đây, giá đền bù nâng lên 46 triệu đồng/sào, tới dự án nhà thi đấu thể thao thì đã 70 triệu đồng/sào. Cái sự sốt giá đền bù đất dường như càng làm cho quyết tâm giữ đất của nông dân nơi đây không thể lay chuyển.

Mới đây, dân làng Đình Ngọ phong thanh cái tin tới đây sẽ có cả một dự án làng đại học Nam Cao gì đó sẽ mọc lên, nuốt trọn cả mấy cánh đồng của thôn? Chẳng biết cái làng đại học ấy là thật hay giả, và bao giờ sẽ thành hiện thực, nhưng càng làm cho quyết tâm giữ đất của nông dân ở đây như không thể lay chuyển.

“Thú thực, tôi chỉ mong cho người ta về lấy ruộng làm KCN cho nhanh nhanh. Nói ngay như ở mấy xã trước đây bị lấy đất làm KCN Đồng Văn, có nhà ẵm cả tỉ tiền đền bù ruộng. Tiền ấy đem gửi ngân hàng thôi sống tới chết cũng chẳng tiêu hết, rồi lại xây nhà trọ cho công nhân ở, bán hàng..., thành ra dân ở Duy Tiên bây giờ lại rất sướng, chứ chẳng khổ như ôm khư khư mấy sào ruộng như ở đây”, ông Nguyễn Văn Trung ao ước.

Đem câu hỏi vì sao không trả ruộng cho ủy ban hay bỏ hoang ruộng cho khỏe thân, bà Nguyễn Thị Tập bảo ngoài việc đề phòng nay mai có dự án đền bù ra, xét về lý thì đất là đất nhà nước giao cho mình, không sử dụng đâu được, bỏ thì xã họ thu ngay.

Mà muốn bỏ hoang cũng chẳng xong, bởi tới vụ cấy, ủy ban đoàn thể họ lập cả các đoàn kiểm tra, nhà nào không cấy không được, có khi còn bị kêu lên xã hỏi vì sao bỏ ruộng nữa. Cái lệ làng, cái tiếng nhà nào bỏ ruộng là lười nhác vẫn còn nặng lắm, thành ra thà trả sản cho người ta mấy trăm nghìn để họ làm giúp còn hơn để hoang.

“Nhà tôi còn có đứa con trai út bị ngẩn ngơ bẩm sinh, vợ nó lại mất bỏ lại hai đứa con. Nay mai con nó lớn lên biết có làm ăn được gì không, nên phải giữ lấy mấy sào ruộng, chứ trả ruộng rồi lấy gì nó làm để kiếm cái ăn?”, bà Tập phân bua.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chuyen-nguoc-doi-cho-muon-ruong-canh-tac-o-ha-nam-post176184.html