Chuyện người cựu binh già một phần tư thế kỷ gác giấc ngủ cho đồng đội

Gần một phần tư thế kỷ ông vẫn ngồi chăm sóc “giấc ngủ” cho đồng đội, chỉ là nghĩa tình của người lính với nhau. Có những đêm, ông ngồi bên mộ và trò chuyện với “người xưa” như khi họ vẫn còn sống.

Sống trong thời bình, nhiều cựu binh đã chọn cho mình một cách sống, âm thầm nhưng ý nghĩa... Trong đó có trường hợp ông Nguyễn Văn Liễu (khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá, Thị xã An Nhơn) suốt 23 năm qua đã tình nguyện săn sóc hương hồn cho mộ chung 154 liệt sĩ Tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao vàng như những người thân ruột rà.

Mỗi khi chiều về, trong làn khói nhang tỏa dịu, người đàn ông tóc bạc da mồi ấy lại cặm cụi lau từng mộ chí, nhặt từng lá cây... Bao năm “bầu bạn” cùng các liệt sĩ, ông thuộc nằm lòng từng cái tên, gốc xứ của họ. Cảm mến vì việc ý nghĩa ông đang làm, tôi tìm đến tận nơi và được nghe ông kể về những người lính, về chính ông trong bao xúc động nghẹn ngào.

Ngày ngày, ông văn chăm mộ và nói chuyện với những người nằm xuống.

Năm 1965, ông tham gia du kích địa phương, đến năm 1968 bị địch bắt. Gần 2 năm giam cầm và tra tấn ông đủ mọi hình thức, địch thả về. Người thanh niên ấy tiếp tục hòa vào dòng chảy của cuộc đấu tranh cho đến khi đất nước thống nhất. Sau ngày giải phóng, ông làm Phó công an thị trấn Đập Đá rồi sau đó chuyển vào UBND huyện công tác, đến năm 1990 nghỉ hưu.

Năm 1993, khi ngôi mộ tập thể 154 liệt sĩ hoàn thành giai đoạn đầu, ông Liễu đã tự nguyện xin được chăm sóc. Khi hỏi đến lý do, ông bùi ngùi: “Chỉ là góp chút lòng tri ân, việc này đã bõ bèn gì so với những hy sinh của họ”. Ngày 22 tháng Chạp là ngày giỗ chung của 154 liệt sĩ. Cũng ngày này năm Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 6 có cuộc chạm trán quyết liệt với 2 trung đoàn bộ binh chủ lực của địch, 1 trung đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, 3 tiểu đoàn bảo an. Với sự chênh lệch lớn về lực lượng, Tiểu đoàn 6 đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Quân địch dồn xác các anh và chôn trong một hố chôn tập thể. Đất mẹ ôm trọn hình hài…

Bao năm qua, ông Liễu chứng kiến không biết bao nhiêu giọt nước mắt hạnh phúc của người nhà các liệt sĩ khi họ bôn ba đất Bắc trời Nam mới tìm được người thân. Họ thật sự xúc động khi biết được hương hồn của các liệt sĩ được ông Liễu chăm sóc. Bao người muốn đền đáp, ông Liễu đều khua tay chối từ.

23 năm chăm sóc “giấc ngủ” cho đồng đội, không ca thán, không đòi hỏi vật chất, chỉ là nghĩa tình của người lính với nhau. Có những đêm, ông ngồi bên mộ và trò chuyện với “người xưa” như kẻ mộng du. Mỗi lần có việc đi đâu xa, ông lại đến mộ chung này thủ thỉ: “Báo cáo với anh em, mai tui có công việc quan trọng phải đi hai ngày. Tui đi rồi tui sẽ dìa với anh em chứ không đi luôn đâu”.

Với ông Liễu, có lẽ những người đồng đội mình vẫn đang sống, sống trong trái tim ông, trong trái tim của những người con yêu nước. Còn ông Liễu, vẫn hằng ngày thầm lặng, làm kẻ gác mộ chí nghĩa, chí tình…

Phi Vân

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nhip-song/chuyen-nguoi-cuu-binh-gia-mot-phan-tu-the-ky-gac-giac-ngu-cho-dong-doi-127975/