Chuyện nhói lòng giữa biển lũ

Ở rốn lũ huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), sau nhiều ngày vật lộn với lũ dữ, nguồn dự trữ trong dân đã cạn. Một số người phải liều mình đánh lưới giải đói hay phụ nữ nhặt ve chai bên vạt lục bình để kiếm chút tiền mua gạo cho con… khiến người chứng kiến phải rớt nước mắt.

Người dân các xã bị cô lập ở huyện Tuy Phước (Bình Định) phải đi lại bằng xuồng. Ảnh: NHIỆT BĂNG

“Mẹ ơi, con không thể về”

Nhiều xã ở huyện này như Phước Chiến, Phước Hòa, Phước Thuận… vẫn bị cô lập. Tại thị trấn Tuy Phước, lượt lượt người dân chen nhau lên xuồng qua lại các xã bị nước lũ bao vây mua gạo, mì tôm về “chống đói”. Lẫn trong cảnh tấp nập đưa đò, lẻ loi một phụ nữ chừng 45 tuổi đang ngồi thẫn thờ bên mặt tràn nước lũ.

Chỉ cần vượt qua đây, chị sẽ về được nhà mình ở thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng. Nhưng nguyện cầu đó của chị cứ vợi xa. Tôi hỏi, người ta chuyển người và xe bằng xuồng, sao chị không đi? Chị bảo yếu tim, sợ nước, không dám ngồi trên xuồng.

Chị chỉ ngồi ruột gan nóng hơ, bất lực nhìn biển nước. Tôi hỏi tên, chị không trả lời vì “sợ gia đình trách móc”. Đã hơn 10 ngày qua, sau khi rời nhà đi làm keo nơi xa kiếm sống, chị chưa biết gia đình của mình giờ trong tình cảnh như thế nào.

Chị tức tốc bỏ việc chạy về sau khi nhận được tin báo của anh em trong gia đình: “Em về nhà gấp, lũ xuống, tụi anh kê giường lên cho mẹ nằm an toàn, nhưng nước vừa xuống, mẹ xuống giường thì bị trượt ngã, gãy chân. Giờ tụi anh không thể đưa được đến bệnh viện vì nước lũ còn bao vây tứ hướng. Tụi anh hỏi mấy cô ở tiệm thuốc tây, họ bảo phải đi chụp phim”.

Nước lũ “không cho” về, chị vẫn ủ rủ ngồi đó, được lúc lại đứng lên đi tới đi lui như người không hồn. “Chở đi viện khám cũng không được, đi cũng không được, nằm chỗ. Mẹ ơi, sao khổ thế này” - chị rơm rớm nước mắt, rồi đứng bật dậy lủi thủi đi vào nhà chú ở thị trấn Tuy Phước ngủ lại, chờ sáng mai về.

Tại điểm đưa đò qua đập Bà Rùa (nối thị trấn Tuy Phước về các xã Phước Thuận, Phước Chiến…), anh Nguyễn Hồng Thân (trú chợ Gò, thị trấn Tuy Phước) đang nóng ruột chờ xuồng về xã Phước Nghĩa. “Tôi qua thăm người em chút chứ lo quá. Hôm lũ xuống đến giờ, chỉ nghe em báo nhà bị ngập lút rồi không nghe tăm hơi gì nữa. Vợ con nó nữa chứ không phải mình nó. Mọi người qua lại đông quá mà xuồng có hạn nên phải chờ” - anh Thân lo lắng và cho hay: “Khả năng do mất điện, điện thoại em mình hết pin”.

Một số địa phương đã chủ quan với lũ

Chiều cùng ngày, tại xã Phước Quang, sau trận lũ dữ, nơi này cũng tan tành như bãi sa mạc. Người dân bắt đầu trở về sau khi lực lượng cứu hộ đưa ra trụ sở UBND xã tránh lũ. Bà Đào Thị Hồng Vân (57 tuổi, trú thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) nhìn ra mênh mông biển nước, thất thần nói: “Hơn 1ha ruộng chuẩn bị xuống giống mà giờ ruộng đang “uống” nước, giống ủ cũng bị “ngâm” nước lũ, thối đen hết. Gà vịt cũng trôi theo dòng lũ, chẳng còn gì, bó tay”. Chị Vân bảo nước xuống quá nhanh, cường độ như… thác đổ. Trắng tay sau lũ, đứng nhìn lũ hoài cũng chán, ông Dương Văn Trang (thôn Tri Thiện, xã Phước Quang) ra đồng xem thử có gì đó hữu ích đang trôi nổi để nhặt nhạnh lại mang về nhà làm vốn.

Lúa ướt hết, gạo cũng ướt sạch, chị Quả Thị Lộc (45 tuổi, thôn Phước Nghĩa, huyện Tuy An) nói xin cơm ăn của bà con xóm giềng hoài cũng ngại, nên chị đi nhặt ve chai dạt vào bờ trên biển lũ. “Nắng mưa gì tôi cũng đi hết. Mà lũ mấy ngày nay ăn mì tôm chịu hết nổi rồi. Hai con đang chờ tôi mang gạo về. Tôi nhặt đã, không nói chuyện được đâu” - chị Quả nói, rồi tiếp tục cầm cây tre khều lọ, bình.

Báo cáo của huyện Tuy Phước cho biết, từ ngày 5.12 đến nay tại huyện này đã có 6 người chết, trong đó có 2 học sinh. Đánh giá về thực trạng này, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện cho rằng một số địa phương đã chủ quan trong công tác chỉ đạo sơ tán dân ở những vùng dân cư bị ngập sâu, chia cắt, đồng thời một số người dân do chưa lường được tình huống xảy ra nhiều đợt mưa lũ liên tiếp, kéo dài nên nguồn dự trữ trong dân đã cạn, không chủ động phương tiện để sơ tán như sõng, ghe... và không tự có kế hoạch di chuyển, sơ tán đến nơi cao an toàn. Vì vậy, khi nước lũ dâng cao, đã điện thoại kêu cứu. “Một số địa phương cũng chưa triển khai lực lượng kiểm soát, trực các đoạn ngập nước, các tràn ngập sâu, chảy xiết để hướng dẫn người dân qua lại... nên đã để xảy ra thiệt hại về người, nhất là thời điểm nước rút. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đề nghị các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm” - ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết.

NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/chuyen-nhoi-long-giua-bien-lu-622317.bld