Chuyện những cô gái vượt đường rừng trở về quê hương

Bao năm sống ở làng quê yên bình, nhiều cô gái đã tìm đến những thành phố với mong muốn tìm được một công việc mưu sinh để thoát nghèo. Thế nhưng, họ lại trở thành miếng mồi ngon cho bọn buôn bán người qua nước ngoài.

Bộ đội biên phòng giải cứu phụ nữ bị bán sang nước ngoài (ảnh báo Lao Động).

Vượt đường rừng để trở về quê hương

Trung tá Phan Văn Tặng, Phòng Cảnh sát hình sự TPHCM cho biết, tính từ năm 2016 đến nay, TP đã xác minh 14 vụ việc liên quan đến mua bán phụ nữ ra nước ngoài. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra ở nước ngoài nên cơ quan công an chưa xử lý được đối tượng nào. Đối tượng thường lừa nạn nhân đưa qua Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Nga… để làm mại dâm hoặc ép lấy chồng.

Cũng theo Trung tá Phan Văn Tặng, đối tượng buôn người thường tìm những phụ nữ là những cô gái ở các tỉnh đến TP làm việc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa “trải đời” nhiều. Đó là những cô gái hiền lành từ quê lên TP phụ bán càphê, làm công nhân, giúp việc nhà, thiếu sự quản lý của gia đình. Đối tượng dùng thủ đoạn giúp đỡ tìm việc ở nước ngoài với thu nhập cao hoặc lời dụ dỗ ngon ngọt lấy chồng giàu có, nhà chồng ở TP, có Cty riêng… nhằm làm cho những cô gái bị hấp dẫn và đồng ý đi theo.

Tháng 3.2015, Phòng Cảnh sát hình sự TPHCM đã xác minh vụ việc là một người phụ nữ từ Sóc Trăng lên TPHCM làm ăn bị lừa bán sang Trung Quốc và bị cưỡng bức dã man. Theo lời kể của Trung tá Phan Văn Tặng, cô gái bị một đối tượng tên Hường sống ở Cà Mau lừa bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Hường nói với cô gái là cho sang Hàn Quốc lao động hoặc lấy chồng Hàn Quốc nhiều tiền. Cô gái đã dễ dàng đồng ý đi theo bà Hường. Bà Hường đưa nạn nhân đi từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) có sẵn đồng bọn lái xe ô tô 7 chỗ đón chở đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để đưa sang Trung Quốc.

Tại cửa khẩu, nạn nhân lại bị giao cho nhóm đồng bọn khác của một người mua tên Ngoan, với giá giao dịch là 2.500 nhân dân tệ. Bà Ngoan mua vé xe khách đưa nạn nhân đi 1 ngày 1 đêm đến nhà người quen và trấn an người phụ nữ tội nghiệp rằng đến đây để lấy chồng Trung Quốc. Bà Ngoan đã lần lượt giao nạn nhân cho 6 người đàn ông Trung Quốc xâm hại để lấy tiền. Sau đó có 2 người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi đến xem mặt nhưng nạn nhân không chịu thì bị đánh đập dã man.

Do biết gia đình người phụ nữ đã gửi đơn tố giác đến phòng Cảnh sát hình sự, bà Ngoan đã thả cho nạn nhân về Việt Nam. Người phụ nữ chịu nhiều tủi nhục đã phải tự bắt hàng chục chuyến xe khách bên Trung Quốc men theo đường núi để vượt biên về Hà Nội. Từ Hà Nội, nạn nhân đi 2 ngày đêm mới về được quê nhà ở Sóc Trăng.

Gần đây, tháng 11.2016, Phòng Cảnh sát hình sự TPHCM cũng tiếp nhận một trường hợp buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc. Người phụ nữ kể lại, cô bị một đối tượng lừa tìm việc lương cao. Ban đầu, bọn buôn người lừa cô ra Hà Nội làm việc. Khi ra tới Hà Nội, cô lại tiếp tục bị lừa rằng phải muốn làm việc lương cao thì phải sang Trung Quốc và đối tượng thuê người đưa nạn nhân sang bên kia biên giới Trung Quốc. Sau đó, đối tượng này đã mua vé tàu hỏa đưa cô gái đi 1 ngày 1 đêm đến thôn nhỏ của Trung Quốc ở vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, ít người sống. Đối tượng đưa cô gái vào một ngôi nhà và bán cô cho một người đàn ông Trung Quốc 57 tuổi để làm vợ. Cô gái vỡ lẽ, không đồng ý thì bị ông ta đánh đập, ép làm vợ. Cô bị nhốt trong phòng khóa cửa ngoài. 4 ngày sau đó, không còn cách nào khác, cô gái phải đồng ý làm vợ ông ta hơn 2 tháng để không bị đánh nữa.

Vào đầu tháng 12.2016, lợi dụng lúc người “chồng” ngủ say, cô gái trốn ra khỏi căn nhà, được 1 người phụ nữ ở gần nhà giúp đỡ dùng xe máy chở ra bến xe và mua vé xe ô tô cho cô đi 2 ngày 2 đêm đến gần biên giới Việt Nam. Tại biên giới, cô may mắn được một người phụ nữ giúp dẫn đường rừng khoảng 2km, đưa qua biên giới Việt Nam. 3 ngày sau, cô về được TPHCM và trình báo cảnh sát.

Theo Trung tá Phan Văn Tặng, Phòng Cảnh sát hình sự còn xác minh nhiều vụ việc mua bán người qua Malaysia, Trung Quốc và các nước khác tương tự như hai cô gái trên.

Nỗi nhức nhối

Ông Lê Quan Quý, Chi cục Phó Cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho biết cũng trong thời gian này đã tiếp nhận 5 cô gái trở về từ Liên Bang Nga. Cả 5 cô gái đều là nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ ra nước ngoài và là người dân nhập cư, 4 cô ở Cà Mau và 1 cô ở Ninh Thuận từng đến TPHCM làm ăn nhưng rồi bị dụ dỗ, trở thành nạn nhân. Khi được trở về, họ có tâm lý vô cùng sợ hãi, nhất là sợ trả thù và sợ sự kỳ thị của cộng đồng dân cư.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, nạn mua bán phụ nữ là một vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay và cần có nhiều giải pháp kết hợp. Việc đầu tiên là phải đầu tư đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt đầu tư cho những vùng nghèo. Việc này, nhằm giảm thiểu quá trình di cư trong và ngoài nước, lấy chồng nước ngoài để cải thiện thu nhập.

Bên cạnh đào tạo nghề là việc tuyên truyền. Theo bà Nữ, cần xây dựng chương trình truyền thông quy mô rộng để nâng cao hiểu biết về các vấn đề liên quan đến buôn bán người: đa dạng hóa các hình thức truyền thông, lồng ghép nội dung buôn bán phụ nữ trẻ em vào các loại hình văn hóa quần chúng tại địa phương; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa đài truyền thanh, truyền hình; phát tờ rơi, cuốn tài liệu cho các gia đình. Trẻ em không đi học, kể cả trẻ em đã qua độ tuổi đến trường cần được đưa vào các hoạt động phòng chống buôn bán người.

Mặt khác, để chấm dứt nạn buôn bán người thì không thể khắc phục các vấn đề liên quan đến luật pháp. Theo đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra quy định kiểm soát quá trình tìm hiểu, kết hôn giữa người nước ngoài với người Việt Nam. Cùng với đó là đề ra các cơ chế chung giữa các nước để giải quyết vấn đề buôn bán người, bao gồm việc tiến hành các chương trình hồi hương an toàn và được hỗ trợ và truy tố những kẻ tham gia vào việc buôn người. Đối với nhóm đối tượng này cần phải có những chế tài trừng phạt nghiêm khắc thông qua những quy định trong pháp luật của Nhà nước.

Cuối cùng, theo luật sư Ngọc Nữ, cần có sự hợp tác giữa các mạng lưới trong công tác phòng chống buôn bán người. Nhà nước cần tăng cường hợp tác xuyên Quốc gia trong phòng chống buôn bán người, đặc biệt là tại các điểm biên giới giáp ranh giữa Việt Nam.

Vũ Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/chuyen-nhung-co-gai-vuot-duong-rung-tro-ve-que-huong-676893.bld