Chuyển nhượng mùa Đông: "Con buôn" NHA, Trung Quốc lên ngôi

Premier League không có được bom tấn nào, mất nhiều ngôi sao trẻ về tay Ligue 1 trong thế cạnh tranh trên thị trường, bóng đá Trung Quốc bắt đầu “câu” được nhiều sao hạng B ở châu Âu đã tạo nên một thị trường chuyển nhượng mùa đông đảo cực.

Thị trường chuyển nhượng mùa đông đã khép lại mà không có quá nhiều thương vụ đình đám được “kích nổ”. Kỳ lạ hơn là những thương vụ lớn hiếm hoi lại không còn thuộc về giải bóng đá giỏi kiếm tiền nhất thế giới Premier League.

Oscar đã khai hỏa cho thị trường chuyển nhượng mùa đông

Châu Âu đảo cực?

Thậm chí, giải đấu này đang “đảo cực”, trở thành nơi bán đi khá nhiều ngôi sao hạng 2 đến với một “cực” mới, Super League của Trung Quốc. Oscar, Mikel, Ighalo là những ngôi sao không quá nổi bật ở Premier League nhưng vẫn thừa đủ trình độ để chơi bóng đỉnh cao tại Anh và châu Âu. Để mời gọi họ về với giải đấu của nước mình, người Trung Quốc đã phải đưa ra một mức lương thật hấp dẫn cộng một mức giá đủ sức thuyết phục.

Premier League cũng mất đi cả sức hút của mình trên thị trường chuyển nhượng trong việc cạnh tranh với đội bóng số 1 nước Pháp là PSG. Draxler đã từ chối Arsenal còn Guedes cũng chẳng ngại ngần bỏ qua rất nhiều lời đề nghị của cả MU, Chelsea và Arsenal để chọn đội bóng thủ đô Paris.

Ngoài ra, có một trường hợp Payet làm mình làm mẩy đòi bỏ West Ham cũng chỉ để trở về Pháp phục vụ Marseille thay vì tìm kiếm một bến đỗ ở đẳng cấp cao hơn.

Nhiều cầu thủ tài năng bị thất sủng khác cũng lũ lượt rời khỏi Premier League để cứu vãn sự nghiệp của mình. Deulofeu của Everton tới AC Milan theo dạng cho mượn còn Bojan Krkic cũng rời Stoke để khoác áo Mainz 05 đến hết mùa. Depay cũng tháo chạy khỏi MU, nơi đã không thể cho anh cơ hội, để đến với nước Pháp.

Draxler từ chối Arsenal để đến với PSG

Trung Quốc cho thấy "vòi bạch tuộc" của mình đang ngày càng lan rộng ra khắp châu Âu và các nền bóng đá khác. Sau bom tấn Tevez và Oscar, họ tiếp tục có được Axel Witsel từ Zenit (Nga), Pato từ Villarreal (TBN), Ighalo từ Watford (Anh) hay Obi Mikel của Chelsea (Anh) ngay trong tháng 1. Bên cạnh đó là rất nhiều lời chèo kéo béo bở nhưng không thành tới một loạt những ngôi sao hạng A của các giải đấu hàng đầu châu Âu như Messi, Ronaldo, Costa, Yaya Toure, Sanchez, Benzema…

Trong tương lai không xa mọi chuyện có thể sẽ còn rất khó lường với những khoản tiền kếch xù từ Trung Quốc. Thật may là trước mắt, Messi, Ronaldo hay những ngôi sao hàng đầu được yêu mến của bóng đá châu Âu vẫn đang trung thành cống hiến cho bóng đá đỉnh cao thay vì chạy theo tiếng gọi của đồng tiền.

Sự thực về "chợ đông"

Tưởng như thị trường đã đảo chiều với những quyền lực mới trên, thế nhưng thực ra lượng lưu thông mua bán của Premier League vẫn là số 1 với con số tổng thể cả chi phí và doanh thu rơi vào khoảng 272 triệu euro.

Các ông lớn của nước Anh hầu như đều đã có một mùa hè khá bận rộn trên thị trường chuyển nhượng và chưa thực sự có được nhiều thành công từ những tân binh. Bởi vậy họ khá im hơi lặng tiếng dù tin đồn liên tục xuất hiện trong suốt 1 tháng mở cửa “chợ đông”.

Thông qua những thương vụ chuyển nhượng nội bộ, Premier League vẫn đang là giải đấu chi nhiều nhất, vượt qua Ligue 1 ở vị trí thứ 2. La Liga có một mùa chuyển nhượng hầu như yên ắng với con số giao dịch chỉ bẳng 1/8 của Premier League. Seria A và Bundesliga cũng chỉ có khối lượng mua sắm bằng 1 nửa giải đấu cao nhất của nước Anh.

Sự im ắng của hàng loạt các ông lớn ở châu Âu ở "chợ đông" thực ra đều cùng đến từ một lí do. Từ Juventus, Barcelona, Man City, MU, hay Bayern Munich đều đã có một mùa hè khá bận rộn và không muốn xáo trộn đội hình. Chỉ có PSG, gã khổng lồ đang mất đi vị thế của mình ở giải quốc nội là muốn nhanh chóng xác lập lại trật từ bằng cách vung tiền.

Miền đất hứa Trung Quốc

Trong năm 2016, các đội bóng Trung Quốc đã chi tổng cộng 451 triệu USD cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ năm 2016, tăng gấp đôi so với chính họ năm 2015 và nhiều hơn 344,4% so với phần còn lại của các đội bóng châu Á.

Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua tại châu Âu, thương vụ Oscar đầu quân cho Thượng Hải SIPG cũng là vụ mua bán đắt giá nhất với 60 triệu bảng (khoảng 75 triệu đô).

Hiện thị trường chuyển nhượng mùa đông ở Trung Quốc vẫn còn mở cửa tới ngày 15/3 nên nhiều khả năng sẽ còn "bom tấn" phát nổ.

Thế Anh

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/the-thao/chuyen-nhuong-dong-con-buon-nha-trung-quoc-len-ngoi-c9a494096.html