Chuyện ở đảo hoang có một 'bà Robinson' giữ cờ Tổ quốc

Cách đây khoảng 35 năm, có một người phụ nữ đã từ bỏ phố thị để đến đảo hoang. Ngày ngày, bà làm bạn với sóng nước và đàn rùa, trông coi lá cờ Tổ quốc phấp phới trên nóc đảo. Người dân gọi bà là “bà Robinson”.

Sự tích bà Rô ở đảo hoang

Từ TP Quy Nhơn (Bình Định) dong xe máy qua khỏi cầu Nhơn Hội, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam là sẽ đến bán đảo Phương Mai. Vượt qua những cồn cát và leo lên con đèo xuyên dãy núi Triều Châu, những làng chài của xã Nhơn Hải sẽ dần hiện ra trước mắt. Từ đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy đảo Hòn Khô hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ. Muốn qua đảo, chúng tôi phải nhờ con cháu “bà Robinson” hay còn gọi là bà Rô dùng thuyền đưa qua.

Bà Rô tên thật là Trần Thị Nữ (SN 1931, thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải). Mặc dù bà đã mất 4 năm nay, nhưng những câu chuyện về bà thì vẫn còn sống mãi, giống như đảo Hòn Khô mặc cho trải qua bao nhiêu năm sóng gầm nắng đổ vẫn vững vàng giữa biển.

Bà Rô chụp ảnh kỷ niệm cùng một nữ du khách người Nga (ảnh gia đình bà Rô cung cấp).

Người nhà bà Rô kể lại rằng, cách đây khoảng 35 năm, bà Rô một lần chèo thuyền ra khu vực gần đảo Hòn Khô để hái rong, vì cảm thấy mệt nên ghé lên bãi cát trên đảo ngồi nghỉ. Thấy cảnh đẹp đến mê hồn, bà dò dẫm đi một lượt vòng quanh đảo, càng đi càng thấy tâm hồn mình thật thư thái, bình yên, quên đi hết mọi lo toan sự đời.

Sau lần đó, cứ mỗi lần có việc gì băn khoăn lo nghĩ là bà lại chèo thuyền ra đảo, chỉ để đắm vào không gian hoang sơ của ghềnh đá, cát trắng trời xanh. Chuyện bà Rô thích đến đảo Hòn Khô thì dễ hiểu, bởi đây là hòn đảo mang vẻ đẹp nguyên sơ, là nơi nghỉ chân của nhiều ngư dân sau mỗi chuyến chài lưới đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, nghiện đến đảo Hòn Khô, đặc biệt là với một người phụ nữ thì quả là chuyện lạ lùng. Và càng lạ lùng hơn, khi đến một ngày nọ, bà Rô có ý định dọn hẳn ra đảo sống, mặc dù đây là hòn đảo hoang và trong khi ở đất liền, bà có nhà cửa đàng hoàng.

Bất ngờ nhất trước quyết định của bà Rô có lẽ chính là con cháu của bà. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Xin (60 tuổi, con gái bà Rô) nhớ lại: “Mẹ tôi có nhà, có tới 8 đứa con, có cháu nội, cháu ngoại, cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng hôm đó, mẹ tôi gọi con cháu đến đầy đủ, rồi bảo bà muốn ra đảo Hòn Khô sống một mình cho yên tĩnh, để không bị ai quấy rầy. Nói là làm, bà mang theo vài bộ quần áo, vào ràng bánh tráng, vài can nước rồi một mình tự chèo thuyền ra đảo. Chúng tôi không khuyên được nên đành phải chiều ý. Thỉnh thoảng cần gì bà lại chèo thuyền vào đất liền mua hoặc con cháu mang ra”.

Bà Xin kể chuyện về mẹ mình.

Một mình trên đảo hoang, bà Rô dùng tấm bạt cũ, tấm nan thúng rách, che tạm túp lều dưới cây mù u ở bãi cát để có chỗ nương trú mỗi lúc mưa gió. Địa hình ở đảo phía trên toàn là đá, phía dưới vài bãi cát hẹp, bà chẳng thể trồng trọt gì được, chỉ ăn bánh trái, lương khô, rong biển và uống nước. Thỉnh thoảng bắt được vài con cá, ốc ghẹ coi như được cải thiện bữa ăn. Thế mà riết rồi cũng thành quen, bà vẫn sống khỏe giữa hòn đảo mà đến ngay cả nhiều loại cây cỏ cũng chẳng thể mọc nổi, trước sự bất ngờ của tất cả mọi người.

Ban đầu bà Rô ở dưới bãi cát, về sau túp lều nhiều lần bị sóng lớn đánh sập, bà lại chuyển lên trên cao hơn một chút, chỗ hẻm núi, nơi có những tảng đá gồ ghề xếp chồng lên nhau. Sau này, con cháu thấy bà khổ cực nên quyết định xây cho bà căn nhà nhỏ tựa lưng vào vách núi. Có nhà, bà làm khoảnh sân rồi trồng mấy cây bàng tạo bóng mát, phía trước nhà bà cắm một lá cờ Tổ quốc. Giữa đảo hoang, bà là công dân duy nhất sinh sống nhưng cũng đồng thời được xem như là “chúa đảo”.

“Mẹ tôi chỉ ở một mình, con cháu hay người thân thi thoảng ra thăm bà đồng ý, còn ở lại thì bà không cho. Hồi đó ngay chỗ bãi cát ven bờ có cây mù u to lắm, cành lá sum sê tỏa bóng, bà mắc võng rồi ban ngày nằm đung đưa, tối đến thì nằm ngủ dưới bãi cát, trăng thanh gió mát. Người ta thấy bà kỳ cục quá, người thì gọi bà là “chúa đảo”, người thì gọi là “bà Robinson”, rồi họ gọi ngắn gọn là bà Rô”, bà Xin kể lại.

Căn nhà nhỏ của bà Rô ở hẻm núi trên đảo Hòn Khô.

Làm “bà đỡ” cho rùa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một đêm, bà Rô đang ngủ thì giật mình tỉnh giấc thấy những “tảng đá lớn” đen sì di chuyển từ biển lên bờ, thỉnh thoảng phát ra âm thanh lạ. Những đêm sau đó, dưới ánh trăng, bà mới biết đó là những con rùa biển lên bờ đào lỗ đẻ trứng. Ban đầu bà chưa biết, thấy rùa đẻ trứng thì mừng, đợi rùa đi liền bới trứng để luộc ăn. Cho đến một tối hôm nọ, bà đi tìm trứng rùa thì thấy những con rùa bé nhỏ mới nở chạy lạch bạch xuống biển, nhìn đáng yêu và thích thú vô cùng.

Hình ảnh những chú rùa con trở về với biển khiến bà Rô suy nghĩ và nhận ra rằng, việc làm của mình đã vô tình tước đi cơ hội trở về với biển của những chú rùa, gây ảnh hưởng đến việc sinh sôi của loài vật này. Thêm nữa, mùa rùa đẻ trứng năm đó, một số người từ đất liền ra đảo để đào trứng rùa đem về đất liền bán, thành ra rùa chỉ có đẻ nhưng không có nở, bà thấy thế mà càng xót xa. Thế là bà quyết định không lấy trứng rùa nữa, rồi ai đến đảo đào trứng rùa bà đều ngăn cản.

Bà Rô tại đảo Hòn Khô (ảnh gia đình bà Rô cung cấp).

Những ngày đó đảo vắng dấu chân người, chỉ một mình bà Rô nên rùa thường lên đẻ một cách tự nhiên. Đêm đêm, bà mê mẩn ngồi xem rùa mẹ lên bờ đẻ trứng, đàn rùa con mới nở ngoi đầu lên từ bãi cát chạy ùa xuống biển. Bà cảm nhận được một niềm vui, một sự bầu bạn từ chính loài vật hiền lành đáng yêu này. Bà sống và bảo vệ bầy rùa như mẹ bảo vệ con.

Hằng ngày, bà Rô thường đi tìm cát rồi làm ổ cho rùa đẻ, có rác bà dọn rác, có cái gì thuộc về vật dụng của con người ngoài biển tấp vào, bà đều giấu đi. Cứ như thế, rùa lên đẻ ở khu vực bà ở ngày càng nhiều, hàng vạn chú rùa con khai sinh nơi đảo Hòn Khô xem bà như mẹ đỡ, rồi rong ruổi hành trình hàng ngàn cây số để lớn lên, tới kỳ sinh nở lại về đảo Hòn Khô với bà.

Việc làm của bà Rô về sau được con cháu noi theo, tham gia bảo vệ rùa. Năm 2010, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về địa phương tuyên tuyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rùa, người cháu ngoại của bà là Lê Thái Bình trở thành tình nguyện viên bảo vệ rùa biển. Bà con ở xã Nhơn Hải thấy thế cũng làm theo, họ không bắt trứng rùa, không bẻ san hô. Họ nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ những gì quý giá được thiên nhiên ban tặng.

Cờ Tổ quốc mãi tung bay

Nhớ lại lúc con thuyền của gia đình bà Rô đưa chúng tôi đến đảo Hòn Khô, mọi người ai nấy đều ngỡ ngàng thích thú với vẻ đẹp khá nguyên sơ nơi đây. Lúc thuyền hướng vào một hõm núi, nơi có bãi cát trắng dài chừng trăm mét giữa hai ghềnh đá, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh lá cờ Tổ quốc cắm phía trước ngôi nhà nhỏ trên sườn núi. Không ai khác, người đầu tiên cắm lá cờ Tổ quốc ở nơi ấy chính là bà Rô. Tính đến nay, cờ đỏ sao vàng trước nhà bà đã tung bay hơn 35 năm.

Bà Xin kể rằng, khi ra đảo được một thời gian, một hôm bà Rô nhờ những người đi biển nhắn lời đến con cháu hãy mua cho bà một lá cờ với một cây tre dài để bà dựng trước nhà. Bà Xin và mọi người trong nhà hiểu được ý nguyện của mẹ nên liền làm theo, từ đó lá cờ bắt đầu tung bay trên hòn đảo. Nhờ biểu tượng thiêng liêng của dân tộc ấy, bà Rô gợi lên cho mọi người lòng kiêu hãnh về tình yêu quê hương đất nước.

Lá cờ tổ quốc tung bay trên đảo hòn khô.

Rùa biển thường lên bãi cát trước nhà bà rô đẻ trứng.

Bà Lê Thị Xin chẳng nhớ nổi từng ấy năm qua, gia đình bà đã phải thay bao nhiêu lá cờ. Bởi trên đảo quanh năm nắng to gió lớn, cờ chỉ treo một thời gian là đã bạc màu, chỉ cần một trận mưa gió là có thể bị rách toạc. Mỗi lần như vậy, bà Rô lại chờ lúc nắng ráo để tháo xuống may lại rồi treo trở lên. Đến khi cờ chẳng còn vá được nữa, bà nhờ con cháu mua lá cờ mới để treo lên. Thậm chí, mỗi mùa gió bão, bà Rô luôn chuẩn bị một lá cờ mới trong nhà để sẵn sàng thay thế bất cứ lúc nào.

“Mẹ tôi bảo rằng, để có lá cờ này, bao con người phải đổ máu hy sinh, bao cuộc đời phải chịu cảnh góa bụa, cô đơn... nên phải quý trọng, gìn giữ”, bà Xin tâm sự.

Bà Rô đã mất, nhưng ngôi nhà nhỏ khép nép ẩn sâu trong vách núi vẫn còn đó, xung quanh có mấy cây bàng xanh tốt, gốc lớn nay đã to chừng một người ôm. Cách đây vài năm, khi đảo Hòn Khô được khai thác du lịch, khoảng sân bằng xi măng trước nhà có thêm vài bộ bàn ghế gỗ để phục vụ nước non cho khách. Mùa này thường biển động sóng lớn, hòn đảo được trả lại không gian vắng vẻ và nét hoang sơ. Mấy cây bàng đang mùa thay lá, trong cảnh xác xơ đã thấy đâu đó những mầm xanh lặng lẽ cựa mình.

Trời ngả bóng chiều, gió vẫn lồng lộng, chúng tôi rời đảo Hòn Khô, trả lại cho nơi đây vẻ đẹp của chốn hoang sơ không còn bóng người. Thuyền dần xa đảo, mọi người ngoái đầu nhìn lại, ai đó thốt tiếng trầm trồ, đất nước mình dài rộng và tươi đẹp quá. Và, khi những ánh mắt chưa thôi lưu luyến, ở phía đó, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, hình ảnh thiêng liêng và bất tử từ bao giờ đã có trong mỗi trái tim người con đất Việt.

Theo Phan Nhuận Phin/ANTG

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/chuyen-o-dao-hoang-co-mot-ba-robinson-giu-co-to-quoc-163478/