'Chuyện ở phường Văn Miếu chỉ là con sâu làm rầu nồi canh'

Sau vụ 'Hành trình làm giấy chứng tử tại phường Văn Miếu', độc giả cho rằng đây chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh', bởi ở nhiều nơi cán bộ cư xử lịch sự, tận tình giúp đỡ người dân.

Gần đây, vụ việc chị Vũ Thanh Hoa lên tiếng vì gặp khó khăn khi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.

Bên cạnh những câu chuyện của bản thân gặp khó khăn khi làm việc với xã, phường, được chia sẻ, nhiều bạn đọc cho rằng đây chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", còn rất nhiều cán bộ ở các địa phương cư xử lịch sự, tận tình giúp người dân.

Công bộc của dân

Trước ý kiến cho rằng nhiều cán bộ xã, phường thường xuyên gây khó khăn cho dân, làm việc thiếu tình người, bạn đọc Phạm Phương Khanh phản pháo: "Không phải nơi nào cũng như vậy, nhiều nơi các cán bộ, thậm chí lãnh đạo rất tận tình giúp đỡ người dân khi họ gặp khó khăn".

Để chứng minh cho nhận định của mình, độc giả này kể lại câu chuyện được cán bộ thông cảm, giúp đỡ nhiệt tình khi đi công chứng giấy tờ ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9, TP.HCM).

"Có lần tôi đi đến UBND phường đúng thời điểm chủ tịch đang họp. Trong phòng tiếp dân, một số người khác cũng đang chờ để xin dấu, giấy tờ... Lúc đó, một người phụ nữ bức xúc lớn tiếng vì mọi thủ tục giải quyết quá lâu, trong khi chị nóng ruột vì để con nhỏ ở nhà một mình. Anh cán bộ tư pháp ngồi đó từ tốn hỏi nhà chị này ở đâu. Mặc cho vẻ mặt của người phụ nữ khó chịu, quát tháo, anh vẫn nhẹ nhàng dặn chị về nhà trông con, khi xong giấy tờ, anh sẽ mang tới tận nhà giúp", Phạm Phương Khanh kể.

Đồng quan điểm, thành viên Thái Viễn cho biết bản thân thấy rất hài lòng với cách làm việc, cư xử của cán bộ phường 9 (quận Gò Vấp, TP.HCM). Anh nhớ lại lần đi đăng ký khai sinh cho con theo địa chỉ tạm trú năm 2016. Do không biết quy trình làm thủ tục, anh khá bối rối và e ngại. Tuy nhiên, anh đã nhận được sự giúp đỡ và nhiệt tình hướng dẫn của một nữ cán bộ phụ trách hộ tịch.

"Sau khi làm xong hồ sơ, chị ấy gọi điện lên lấy và kèm theo thư chúc mừng của UBND phường. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, tôi đã rất vui và phấn khởi khi được nhận được sự thân thiện, nhiệt tình như vậy", độc giả này viết.

Nhiều bạn đọc cho rằng câu chuyện ở phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", còn rất nhiều cán bộ khác tận tình, giúp đỡ người dân. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều bạn đọc cho rằng câu chuyện ở phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", còn rất nhiều cán bộ khác tận tình, giúp đỡ người dân. Ảnh chụp màn hình.

Không chỉ xin dấu công chứng, đăng ký khai sinh, việc xin giấy chứng tử cũng rất đơn giản tại một số địa phương. Thậm chí, nhiều cán bộ còn đi làm giúp cho người dân trong khi gia đình có người mất.

Độc giả Trần Hoa cho biết bản thân rất biết ơn cán bộ phường An Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Bạn đọc này kể: "Khi mẹ chồng tôi mất, bác tổ trưởng tổ dân phố đã ra phường làm thủ tục giúp gia đình. Chưa đầy một giờ sau, bác đã đem giấy chứng tử về để chúng tôi hoàn tất thủ tục làm lễ viếng tại nhà tang lễ cho mẹ".

Phải hết lòng vì dân

Bên cạnh đó, một số độc giả khác cũng cho hay cán bộ nhiều nơi quan tâm, thăm hỏi, động viên người dân khi gia đình gặp khó khăn. Bạn đọc bày tỏ sự cảm kích đối với những người cán bộ hết lòng vì dân như vậy.

Thành viên Duy An thể hiện lòng biết ơn đối với các cán bộ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, vì đã triển khai cấp giấy khai sinh, chứng tử tại nhà. Theo anh, ở địa phương này, nếu cấp giấy khai sinh sẽ có thư chúc mừng, còn giấy chứng tử sẽ có thư chia buồn với gia đình.

"Lúc gia đình có người mất, cán bộ chỉ cần không gây khó dễ trong việc xin giấy chứng tử cũng là cách thể hiện sự quan tâm, thăm hỏi đến người dân rồi. Còn việc gửi thư chia buồn, có lời động viên, viếng thăm sẽ khiến gia đình có người bị mất thấy an ủi hơn", độc giả này nêu quan điểm.

Không dừng lại ở đó, anh cho biết người dân Đà Nẵng khi làm giấy kết hôn thì nhận được thư chúc mừng của UBND, chứng minh nhân dân hết hạn được cán bộ đến tận nhà làm lại... Hơn nữa, thủ tục làm nhanh chóng, dễ dàng và gửi giấy tờ về tận nhà.

Theo ý kiến của một số độc giả, ngay tại thủ đô Hà Nội, cán bộ nhiều phường rất tận tâm, nhiệt tình giúp đỡ người dân.

"Tiêu biểu là phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), khi công dân qua đời, chính quyền gửi thư chia buồn. Khi em bé chào đời, gia đình đi làm giấy khai sinh chính quyền gửi thư chúc mừng. Các bạn trẻ đăng ký kết hôn được chính quyền tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại hội trường vào các ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần", tài khoản Huy Trung cho hay.

Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, công chức sẽ bị kỷ luật nếu vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ.Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Sáu hình thức kỷ luật gồm: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc.

Vụ cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu: Do lương tâm của cán bộ phường Bà Vũ Thanh Hoa cho rằng nhà tang lễ không có lỗi gì. Vụ việc do lương tâm làm việc của cán bộ phường.

Anh Thư

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-o-phuong-van-mieu-chi-la-con-sau-lam-rau-noi-canh-post766509.html