Chuyện sau phòng khám thai tư nhân

Những phố "nổi tiếng" vì có tới cả chục cơ sở sản phụ khoa như thế này. Ảnh: HẢI THANH

Bước đường tìm con... trai

Cách đây hơn hai năm, Mai Hoa (26 tuổi ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), nhân viên của một ngân hàng lớn ở Hà Nội lấy chồng nhưng ngay từ khi cưới, chị hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm tài liệu, tìm mọi biện pháp "kế hoạch" vì tránh sinh con gái vào năm Canh Dần (2010).

Không chỉ e ngại sinh con gái đứng chữ Canh "Canh cô, mậu quả" sẽ cao số, vất vả, lận đận đường tình duyên mà vợ chồng chị Hoa còn mang "trọng trách" của con trưởng dòng họ mong ngóng có con trai nối dõi tông đường. Mãi tới đầu năm nay, chị Hoa mới bắt đầu kế hoạch sinh đẻ của mình. Nghe các bạn bè rỉ tai, chị có mặt ở phòng khám sản khoa trên ngõ Huyện, rồi đầu dốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, không yên tâm, chị tìm đến phòng khám thai trên phố Vạn Bảo với mong muốn được bác sĩ "tính toán" đẻ con theo ý muốn.

Nhiều gia đình xây dựng các "chiến lược" để sinh bằng được con trai, bằng mọi biện pháp truyền thống và hiện đại, để bảo đảm "thành công" ngay từ lần đầu tiên. Nếu đứa đầu lòng là con gái thì một kế hoạch chi tiết bao gồm chế độ dinh dưỡng, thuốc men, theo dõi thời kỳ rụng trứng... được áp dụng cho lần mang thai thứ hai. Ngồi sát tôi tại phòng khám này, chị Lê Dịu ở huyện Đan Phượng cầm cuốn sổ y bạ dày cộm các loại giấy siêu âm, giấy khám ngong ngóng đến lượt vào khám, vì hôm nay là ngày hẹn khám để "canh trứng". Việc "canh trứng" đối với chị thật sự là một "hành trình" kiên trì và nhiều tháng hồi hộp vì theo lời kể, chị đã có đến ba cô con gái, nên không muốn lần mang thai này giống như những lần trước.

Một nghiên cứu của TS Khuất Thu Hồng, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện vào tháng 8-2010 tại bốn tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ngãi và Cần Thơ cho thấy, hầu hết các gia đình đều mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, chăm sóc cha mẹ và thừa kế sản nghiệp gia đình. Cũng đã có những cuộc thanh tra các ấn phẩm sách báo, tài liệu và các hình thức quảng bá phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi đang diễn ra ở cả ba miền đất nước. Việc phát hiện và phạt vài ba triệu đồng với một số hiệu sách hay bóc gỡ vài web vi phạm có lẽ chỉ như muối bỏ biển.

"Tiểu xảo" của phòng siêu âm

Hà Nội hiện có những con phố có tới cả chục cơ sở tư nhân khám thai, siêu âm sản khoa như ở khu vực đường Giải Phóng, Đê La Thành, khu vực cổng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khu vực chung quanh Viện 103... Chưa kể nhiều phòng khám thai tư nhân nằm rải rác trong thành phố.

Chúng tôi tới phòng khám đa khoa năm tầng khá hiện đại ở cuối phố Thái Thịnh, nhớ lời người bạn "mách" "khi siêu âm mầu 4D, hỏi bác sĩ kheo khéo nhé, bác sĩ không nói thẳng cho mình, mình tự hiểu con trai hay gái !". Đập vào mắt là tấm bảng treo chữ to tướng "ở đây không phát hiện giới tính thai nhi", mới hiểu cái "kheo khéo" ấy. Chờ tới bảy, tám giờ tối, em gái tôi mới tới lượt siêu âm, bên ngoài vẫn còn nhiều người sốt ruột xếp hàng. Sau khi siêu âm, bác sĩ hỏi con đầu của em gái tôi là con trai hay con gái, em tôi nói dối là con gái. Bác sĩ lắc đầu bảo: "Lại giống mẹ nhé". Với giá trọn gói gần 300.000 đồng, em gái tôi ra về kèm theo đĩa CD ghi hình ảnh, kết quả siêu âm mà mừng thầm vì nếu đúng như bác sĩ nói, em tôi sẽ... "có nếp, có tẻ".

Thắc mắc chuyện "thông báo" giới tính, một bác sĩ sản khoa lâu năm của Bệnh viện Phụ sản Trung ương bảo, để thu hút được nhiều khách hàng tới siêu âm, các cơ sở khám thai, siêu âm tư nhân không chỉ hiện đại về trang thiết bị, dịch vụ phục vụ mà các bác sĩ siêu âm còn có "cách riêng" tiết lộ giới tính thai nhi. Bởi vậy mà, theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, vừa qua, Sở đã tổ chức kiểm tra các phòng khám siêu âm liên quan đến việc bảo đảm điều kiện y tế, giấy phép hành nghề... tuy nhiên chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm trong việc siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi. Các cơ sở y tế tư nhân thường tránh né các câu hỏi trực tiếp bà bầu nhưng lại dùng "tiểu xảo" là các ám hiệu, các tiếng "lóng"... để nói về giới tính thai nhi.

Nhộn nhạo... "chợ" nạo phá thai

Đoạn đường Giải Phóng đối diện Bệnh viện Bạch Mai ngày hay đêm đều tấp nập với các hoạt động của các phòng khám nhưng dường như "điểm nhấn" dễ đập vào mắt người đi đường là những biển quảng cáo lòe loẹt gây phản cảm về việc nạo phá thai. Đi một đoạn đường vài trăm mét mà có tới hơn chục phòng khám phụ khoa. Mới đầu giờ chiều, con phố cũng bớt xe cộ qua lại hơn các giờ cao điểm, chúng tôi dừng xe trước cửa phòng khám "nổi bật" nhất với hai tấm biển lớn: Hút thai và Tư vấn phá thai bằng thuốc. Nhìn thấy tầng một phòng khám sơ sài chỉ có đúng một chiếc bàn kê gần cửa, em gái tôi định trở ra thì một nhân viên nữ đon đả hỏi han. Cô này mời mọc: "Cứ tư vấn đã chị, nếu ít thì mất 30 nghìn, nhiều thì 50 nghìn đồng thôi, tha hồ mà hỏi". Rồi cô "ra giá": 160.000 đồng siêu âm ngay. Nếu thai dưới bốn tuần thì hút khoảng 400 nghìn đồng, thai từ bốn đến tám tuần thì nạo đắt hơn. Nhìn quanh cơ sở vật chất phòng khám chật chội. Thấy tôi ngần ngừ, chưa biết chọn dịch vụ nào cho em gái mình, cô xua tay: "Giá cả dịch vụ không phải lo nghĩ gì cả, tầng một là đón khách, lên tầng hai mới là chỗ bác sĩ làm việc". Tôi gật đầu đồng ý siêu âm và cùng cô em gái theo lối đi hẹp đến căn phòng ẩm thấp, chỉ chừng 20m2 đủ kê một chiếc giường với tấm ga ố vàng và chiếc máy siêu âm cũ kỹ. Tiếng dụng cụ bằng sắt rửa va lạch cạch vào nhau ở phòng nạo thai gần đó. Chưa hết choáng váng với một thứ mùi lẫn lộn, mùi hăng hắc của thuốc, mùi tanh nồng của hóa chất..., một người con trai dìu cô gái trẻ mặt tái xanh vẻ mặt nhăn nhó bước ra từ phòng thủ thuật.

Phố Phùng Hưng, đoạn khu vực gần Viện 103 (quận Hà Đông) được gọi một cách "chua chát" là "chợ"... nạo phá thai. Càng về đêm, chợ càng trở nên tấp nập bởi những lời mời chào câu khách "nạo thai nhanh, rẻ, an toàn". Lần này, trong câu chuyện tư vấn ở một phòng khám, cô nhân viên mặc blu trắng chỉ vào tập sổ ghi chép, xởi lởi: "Đây này, mỗi ngày hàng chục bệnh nhân, nhiều ca còn có thai lớn hơn vẫn "ngon". Người nhà chị đến bác sĩ làm cho, mà toàn bác sĩ có tiếng cả". Cô lấy một tập danh thiếp dúi vào tay tôi và không quên nhắc "Đừng lo lắng vì không đau đớn gì cả". Trên đường về nhà, tôi bị ám ảnh bởi câu nói hồn nhiên đến giật mình của cô nhân viên phòng khám ấy. Để đối phó với các cơ quan chức năng, nhiều bác sĩ tại các phòng khám thỏa thuận với sản phụ ghi "hạ" tuổi thai vào sổ khám bệnh để tránh rắc rối và lách luật.

Những người phụ nữ hay cô gái trẻ bước ra từ phòng thủ thuật mà tôi gặp ở các cơ sở khám thai đều có những câu chuyện, lý do khác nhau để bỏ đi giọt máu của mình. Tuy nhiên, TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cảnh báo, nạo phá thai có thể dẫn đến vô sinh thứ phát do viêm nhiễm hoặc tắc ống dẫn trứng..., nhẹ hơn là các bệnh viêm nhiễm tử cung, âm đạo... đặc biệt ở những cơ sở y tế không bảo đảm vệ sinh. Sự "nở rộ" của các cơ sở tư nhân siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, nạo phá thai... dường như đã "tiếp tay" cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/khoa-h-c-giao-d-c/chuy-n-sau-phong-kham-thai-t-nhan-1.316444