Chuyện tác nghiệp của 'Táo giao thông' Hải Phòng

Ở Báo Hải Phòng, nhà báo Mai Thụy Lâm có biệt danh khá đặc biệt “Táo Giao thông” hoặc “thợ tuần đường”. Bởi theo anh lý giải, cứ những gì liên quan đến giao thông là: “tôi phải nắm và trả lời được”. Trong cuộc trò chuyện với báo NB& CL, nhà báo Mai Thụy Lâm- người đã giành giải thưởng của Hội Nhà báo Hải Phòng năm 2015 về tuyến bài thế lực ngầm xe khách- đã hé mở cho chúng tôi không ít những điều thú vị về hậu trường tác nghiệp của một “Táo giao thông”.

Giao thông- mảng công việc thú vị và “hot”

+ Mảng giao thông vài năm gần đây khá sôi động trên báo chí. Một PV bám trụ lâu như anh chắc hẳn luôn tất bật vì có quá nhiều những vấn đề để theo đuổi?

– Tôi được cơ quan phân công phụ trách tuyên truyền về giao thông từ năm 2011. Trước đó, tôi cũng làm nhiều về lĩnh vực giao thông, bởi thâm niên hơn 10 năm đi biển cùng với các đội tàu. Đối với tôi, đó là một mảng công việc khá thú vị, vừa là mở đường cho các lĩnh vực kinh tế, vừa gắn bó mật thiết với nhân dân. Thời gian này, thông tin về giao thông trở nên đặc biệt “hot” và người dân đọc báo hay tìm đến những thông tin về giao thông.

+ Một tờ báo địa phương như báo Hải Phòng, có khi nào phải né tránh những vấn đề trực diện?

– Hải Phòng là một trong số ít các địa phương có đủ 5 loại hình giao thông bao gồm: đường không, đường sắt, đường bộ, đường hàng hải và đường thủy nội địa. Là một PV theo dõi mảng, tôi phải tuyên truyền tất cả những gì liên quan đến giao thông, thậm chí phải nắm thật chắc lịch của từng… tuyến xe khách.! Đó là trách nhiệm, nhưng cũng rất mệt mỏi, bởi, lúc nào cũng trong tình trạng “đề phòng” vì sợ bị… lọt thông tin, chứ không phải né tránh.

Sau thời gian đầu, tôi phải lựa chọn và khoanh khu vực tuyên truyền, đi sâu vào tuyên truyền về giao thông đường bộ và cảng biển. Cảng biển gắn với kinh tế biển thì rõ rồi, nhưng giao thông đường bộ nó muôn hình vạn trạng mà Hải Phòng thì gần như có đủ mọi thứ về giao thông đường bộ. Tôi lao đi kiếm ngay các loại tài liệu liên quan đến giao thông đường bộ, năm 2012, khi Bộ GTVT có Quy chuẩn quốc gia về Báo hiệu đường bộ, tôi gần như được tiếp cận ngay.

Nhà báo Mai Thụy Lâm.

+ Anh có nghĩ bài báo tuyên truyền đúng đôi khi lại không thu hút bạn đọc bằng những bài về chuyện tiêu cực?

Viết cho người dân hiểu, thậm chí đóng vai trò tư vấn, nhà báo như tôi không được phép sai, bởi hệ lụy sẽ rất lớn. Vì vậy, những bài báo ban đầu về giao thông đường bộ của tôi đúng một cách khô khan. Đổi lại, khá nhiều người được cập nhật kiến thức giao thông từ Báo Hải Phòng. Đó là niềm an ủi đối với PV như chúng tôi. Hải Phòng rất sôi động về giao thông, cộng thêm thời điểm giao thông rất hot qua các sự kiện của Bộ trưởng Đinh La Thăng, giới báo chí giao thông chúng tôi được tiếp cận thông tin khá đa dạng, và tạo nên sự hấp dẫn của mảng.
Cũng từ nghiên cứu các quy định, quy chuẩn và Luật Giao thông đường bộ 2008, tôi phát hiện ra khoảng trống mênh mông trong công tác đào tạo lái xe. Ví dụ, nó được phân định rất rõ bởi 2 điều kiện: học để thi và học để đi. Đây là vấn đề tương đối gai góc đối với PV, bởi cùng đội PV giao thông, không phải nhà báo nào cũng biết Luật. Và, tình trạng người dân tuy đã học rất tốt về thực hành hoặc lý thuyết trong trường, đi đường vẫn bị phạt như thường. Bởi lẽ, các câu hỏi dùng để thi lý thuyết ô tô, xe máy quá xa vời so với thực tế. Tôi phải tuyên truyền cho người dân bằng cách đi đến từng đoạn đường, chụp từng loại vạch về áp vào quy chuẩn gọi đó là vạch gì để hướng dẫn người dân đi lại an toàn. Và chưa kể, cũng từ Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ, tôi thấy việc áp dụng ở địa phương cũng khá tùy tiện, gây khó khăn cho công tác quản lý giao thông.

Đồng nghiệp gọi tôi là “thợ tuần đường”

+ Bên cạnh luật, lệ, hướng dẫn… thì hậu trường làm việc của anh có vẻ cũng gây chú ý?

– Nghề nghiệp không cho phép tôi ngồi quá nhiều ở cơ quan mà thời gian chủ yếu của tôi ở trên đường. ở cơ quan, tôi có biệt danh là “Táo Giao thông” hoặc “thợ tuần đường”. Cứ những gì liên quan đến giao thông là tôi phải nắm và trả lời được. Chẳng hạn, đường kia làm bao nhiêu tiền, đến bao giờ xong; xe khách Hải Phòng có bao nhiêu chiếc, đi bao nhiêu tuyến, taxi thế nào, xe container ra sao, luồng tàu chỗ nào sâu, chỗ nào nông, chuẩn bị có bao nhiêu tàu hạ thủy… Tóm lại, là PV giao thông tôi nghĩ phải là một người nắm chắc các vấn đề về giao thông và giao thông của thành phố.

+ Quay trở lại thế mạnh cũng như “hạn chế” hay e ngại của PV địa phương, anh ý thức về điều đó như thế nào?

– Thế mạnh của tôi là tiếp cận thông tin từ thành phố, người nắm tin từ ngành Giao thông Hải Phòng nhanh nhất. Bởi được hỗ trợ về thông tin, và đặc thù của báo địa phương là phản ánh đa dạng về một ngành nghề. Chúng tôi dành thời lượng lớn cho giao thông, không chỉ là vấn đề nóng. Từ những điều nhỏ nhất: tuyến đường cấm từ bao giờ, dịch vụ xe taxi, xe khách thế nào, sửa chữa xe ở đâu… Điều đó làm nên sự hấp dẫn của tờ báo.

Cái khó nhất của PV báo địa phương là sự vất vả và thu nhập. Nhiều khi PV phải đánh đu mạng sống hàng ngày khi mà luôn đi xe máy bên cạnh xe container. Có những tuyến đường tôi không dám đi xe máy, bởi xe container hoạt động rầm rập suốt ngày như đường 356 hay đường Đình Vũ. Thỉnh thoảng, lại có người đi không trở về vì va chạm với xe container. Quá nhiều vụ tai nạn ngay trước mắt tôi, nghĩ mà rùng mình…

+ Thế những điểm “né tránh” thì sao?

– Mảng giao thông tuy gắn với xã hội, nhưng không phải là giải quyết các vấn đề xã hội nên chúng tôi hầu như không bị hạn chế. Có đi mới biết, lãnh đạo thành phố luôn khuyến khích chúng tôi tìm tòi, phát hiện những bất cập của hệ thống giao thông thành phố. Tôi được lãnh đạo TP nhờ nhắn tin thông báo những bất cập hoặc các vụ tai nạn giao thông. Sau nhiều lần, Ban ATGT thành phố luôn thắc mắc vì sao các vụ TNGT mà lãnh đạo thành phố luôn biết trước và chỉ đạo giải quyết. Trong số đó, có nhiều vụ tôi trực tiếp nhắn tin cho lãnh đạo thành phố.

Có lúc cũng chờn”…

+ Liệu anh có áp lực khi đi sâu vào những vấn đề tiêu cực?

– Hải Phòng là thành phố Cảng, có tới gần 15.000 xe đầu kéo để tiếp nhận khoảng 80 triệu tấn hàng hóa qua cảng. Vì vậy, tình trạng xe chở quá tải là những câu chuyện dài tập đối với giao thông Hải Phòng và đối với cơ quan chức năng. Kiểm soát quá tải, phải thức thâu đêm cùng với lực lượng chức năng mới có thể phát hiện ra nhiều vấn đề, thậm chí các mánh khóe của chủ xe chở quá tải. Rất mệt mỏi khi hàng đêm bám đường làm phóng sự, nhưng tôi cũng nhận không ít đe dọa. Có lúc cũng chờn, bởi lắm khi tôi lọ mọ phi xe máy đêm mấy chục km lên trạm cân, hoặc có lần dính mưa, ốm liền 1 tháng… Cũng có lúc sướng, có lúc khổ, nhưng cái được nhất của tôi là có sự ủng hộ của BBT, của lãnh đạo phòng… các tuyến bài về xe quá tải tôi viết luôn được ưu ái.

+ Nhóm “Team trợ giúp otofun Hải Phòng” do anh lập ra có vẻ nhằm giúp đỡ những tai nạn, những bất trắc hơn là những giải pháp, thắc mắc về các vấn đề của giao thông?

– Tôi tham gia vào group otofun, otofun Hải Phòng, Luật Giao thông đường bộ và ATGT… với mục đích để học hỏi, cũng như tư vấn (đôi khi là chém gió). Có thông tin tôi đưa lên mạng cũng làm nổi đình nổi đám. Chắc mọi người có nhiều cảm xúc và vẫn nhớ về vụ về một cậu học sinh chẳng may làm vỡ gương xe, để mảnh giấy xin đền… ở Hải Phòng. Người chủ xe là bạn tôi, và tôi đưa câu chuyện này lên diễn đàn otofun để tôn vinh cái đẹp, sự thật thà… Và thật không ngờ, hiệu ứng truyền thông của sự việc này quá lớn. Tôi cũng là đối tượng bị phỏng vấn của các tờ báo, nhưng tôi xin phép chỉ đứng sau…

Đi nhiều, thấy tai nạn nhiều và thấy cả xe ô tô hư hỏng dọc đường, tôi thành lập một team trợ giúp của hội otofun Hải Phòng mà tôi là thành viên. Chỉ sau 1 tuần, team trợ giúp đó đã có 300 người tham gia, và những người đầu tiên trong Ban điều hành của Team toàn… giám đốc. Họ sẵn sàng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” vì cái chung. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi liên kết với Ban ATGT thành phố, hội chữ thập đỏ thành phố tập huấn sơ cứu tai nạn cho các thành viên của team. Nhờ có kỹ năng và sự nhiệt tình, chúng tôi đã tham gia cứu hàng chục xe bị chết máy, xịt lốp, cứu được 2 vụ người bị tai nạn đưa đến bệnh viện kịp thời.

Hằng Nga (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chuyen-tac-nghiep-cua-tao-giao-thong-hai-phong/