Chuyến thăm ấn tượng

Có thể nói, cùng với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B.Obama, chuyến thăm chính thức đất nước hình chữ S của Tổng thống Pháp Francois Hollande (từ ngày 5-7/9/2016) là chuyến thăm thu hút sự quan tâm chú ý nhất của công chúng và truyền thông.

Thành công lớn cả về mặt ngoại giao và lợi ích kinh tế

Ngay từ khi Tổng thống Francois Hollande chưa đặt chân xuống sân bay Nội Bài, báo chí Pháp đồng loạt đưa tin chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp và khẳng định trọng tâm chuyến thăm là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước Pháp và Việt Nam. Ngày 6/9- sau ngày làm việc đầu tiên của người đứng đầu điện Elysee trên đất Việt, báo chí Pháp đã đánh giá đây là chuyến thăm thành công lớn cả về mặt ngoại giao và lợi ích kinh tế.

Theo tờ Le Monde, Tổng thống Hollande cùng với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ ký hai hợp đồng quan trọng và thỏa thuận ghi nhớ giữa nhà sản xuất máy bay Airbus và nhiều hãng hàng không của Việt Nam. Theo ông Fabrice Brégier, Tổng Giám đốc tập đoàn Airbus, tổng giá trị các hợp đồng và thỏa thuận lên đến 6,5 tỷ USD. Bài báo cũng cho biết nhiều bản ghi nhớ đã được ký kết nhân dịp này, trong đó có Bản ghi nhớ giữa tập đoàn Vinci Concessions và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa Trung tâm Quốc gia nghiên cứu không gian của Pháp (CNES) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ của Việt Nam. Le Monde trích dẫn phát biểu của Tổng thống Pháp khi gặp gỡ các chủ doanh nghiệp Pháp và Việt Nam rằng: “Chúng tôi mong muốn hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư của Pháp và các thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đầu tư tại Việt Nam”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande dạo thăm phố cổ Hà Nội.

Tờ Le Figaro có bài viết “Chuyến thăm của Tổng thống Pháp nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế”, trong đó nhấn mạnh, bất chấp một quá khứ “xáo động”, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa và giáo dục đại học giữa hai nước rất chặt chẽ. Tờ Le Point đưa đậm nét về các thỏa thuận mua máy bay Airbus, khẳng định Việt Nam muốn phát triển với tốc độ cao đội ngũ máy bay của mình, với việc ba hãng hàng không lớn của Việt Nam là hãng quốc gia Vietnam Airlines và hai hãng giá rẻ Jetstar Pacific và Vietjetair mua tổng cộng 40 máy bay A350, A320 và A321. Bài báo nhấn mạnh Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là thị trường đem lại lợi nhuận lớn cho các hãng hàng không giá rẻ, vì ngày càng nhiều đối tượng khách hàng thu nhập trung bình lần đầu tiên đi máy bay. “Tại sao Tổng thống Francois Hollande thăm Việt Nam”, bài báo trên tờ Huffington Post phân tích rất kỹ mối quan hệ hợp tác Pháp – Việt, nhấn mạnh: chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hollande diễn ra trong bối cảnh hai nước có lịch sử lâu đời, từng xung đột và đau đớn, nhưng nay cùng nhau tiến bước, đổi mới và hợp tác. Bài báo khẳng định nước Pháp muốn giữ những mối liên hệ tuyệt vời với một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Dạo phố cổ Hà Nội “thấy như đang ở Paris”

Đặc biệt thu hút sự chú ý của báo giới là những hoạt động “bên lề” của Tổng thống Francois Hollande. Đơn cử như việc chiều 6/9, Tổng thống Pháp dạo thăm phố cổ Hà Nội, thăm di tích đình Kim Ngân số 42 – 44 Hàng Bạc. Dạo thăm phố cổ Hà Nội từ phố Mã Mây sang phố Hàng Bạc cùng 9 cựu sinh viên học ở Pháp, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, Tổng thống Francois Hollande đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân phố cổ Hà Nội và đông đảo khách du lịch. Đến đâu, ông cũng vui vẻ vẫy tay chào người dân đứng dọc các phố, bày tỏ sự thân thiện đến mọi người. “Hà Nội hiện nay có nhiều địa điểm văn hóa chung rất thú vị của hai nước. Phố phường Hà Nội cũng có nhiều nét giống Pháp và tôi có cảm tưởng như đang ngồi trong một quán cà phê trên đường phố Paris”, Tổng thống Pháp nói và bày tỏ hy vọng “các bạn giữ gìn nét bản sắc này”.

Đình Kim Ngân là điểm dừng cuối cùng của Tổng thống Francois Hollande trong chuyến dạo chơi phố cổ Hà Nội chiều 6/9. Đình tọa lạc tại số 42 phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng từ thời Hậu Lê, cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên. Đây được coi là một trong những ngôi đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ. Tổng thống Francois Hollande được nghe giới thiệu sơ lược về lịch sử ngôi đình cũng như những sinh hoạt văn hóa của người Việt tại đây.

Thu hút sự chú ý của công chúng và truyền thông còn là chuyến thăm và phát biểu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 6/9 của Tổng thống thống François Hollande với chủ đề: “Tương lai chung của Pháp và Việt Nam”. Tổng thống Francois Hollande hy vọng chuyến thăm của ông mở ra triển vọng hợp tác giáo dục giữa hai nước, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ duy trì hợp tác với các trường đại học của Pháp. “Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ kết nối quá khứ và tương lai, tạo đà phát triển cho hai bên”, ông nói.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chuyen-tham-an-tuong/