Chuyến thăm của Tổng thống Obama dưới góc nhìn của các nhà ngoại giao Việt Nam

Trong con mắt của nhiều chuyên gia ngoại giao Việt Nam, bài phát biểu của TT Obama và chuyến thăm của ông chính là một kiệt tác đã được thăng hoa.

Theo đại sứ Ngô Quang Xuân, đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, dĩ nhiên, tất cả các bài phát biểu của TT Hoa Kỳ đều có sự góp sức của nhiều cố vấn. Nhưng có một điều mà không một “sự cố vấn” nào có thể thay thế hay lấn át được, đó là sự chân thành từ chính con người và tâm hồn ông Obama. Đây cũng chính là cốt lõi của kiệt tác mà chúng ta đang nói đến. Sự thân thiện và giản dị đáng để trân trọng hơn cả.

Hình ảnh TT Obama trong vòng vây hâm mộ của người Việt Nam.

Nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc và WTO cũng khẳng định, chuyến thăm của TT Barack Obama diễn ra trong tình hình ngoại giao hai nước có những bước phát triển ngoạn mục.

“Như ngoại trưởng John Kerry từng nói, không có mối quan hệ nào trên thế giới lại đặc biệt như mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đặc biệt bởi do lịch sử và chính trường của hai nước.

Chuyến thăm của TT Obama và hình ảnh người dân Việt Nam chào đón ông với tất cả sự nồng hậu là minh chứng cho mối quan hệ đẹp đẽ. Mọi vướng vất trong quá khứ đã hoàn toàn được xóa bỏ. Bữa tối giản dị, phong thái thân thiện đã không chỉ giúp hóa giải mà còn làm mối quan hệ bang giao càng trở nên thăng hoa.

TT Obama đã đến với người dân Việt bằng sự thân thiện, giản dị và đổi lại ông cũng nhận được rất nhiều tỉnh cảm nồng hậu của họ. Xét đến cùng, sự chân thành chính là đỉnh cao của mọi cảm xúc trong một con người, một chính khách”, đại sứ Ngô Quang Xuân nói.

Liên tưởng đến chuyến thăm Việt Nam của TT George Bush năm 2006 mà ông có dịp tiếp đón, đại sứ Ngô Quang Xuân cho biết: “Khi TT Bush đến Hà Nội và chứng kiến sự nồng nhiệt của người dân, ông đã bỏ qua mọi rào cản ngặt nghèo của hệ thống an ninh. Đi trên đường, thấy người dân nồng nhiệt vẫy tay chào, ông đã hạ tấm kính chống đạn trên xe để vẫy tay đáp lại sự chào đón đó cùng nụ cười thân thiện.

Đại sứ Ngô Quang Xuân và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan tại trụ sở LHQ tháng 11/1999.

Lần này, TT Obama lại chọn cách ngồi ăn ở một quán bún chả. Hình ảnh đó vượt ra khỏi khuôn mẫu của một chính khách vốn quen với sự đạo mạo của comple, cà vạt, của sự bao bọc, trang bị bởi hệ thống an ninh, quân sự tối tân, hiện đại.

Chắc chắn xung quanh những bài phát biểu, trang phục, phong cách của TT Mỹ sẽ có nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia cố vấn nhưng trên hết, toát lên ở ông vẫn là một thần thái riêng mà không một sự cố vấn nào có thể lấn át được, đó là sự giản dị từ trong con người, từ chính tâm hồn”, đại sứ Ngô Quang Xuân bình luận.

Ông nói thêm: “Mở đầu bài phát biểu, TT Obama trích dẫn câu thơ trong bài "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt, bài thơ được xem như là “bản tuyên ngôn đầu tiên” của nước ta, là sự khẳng định về chủ quyền dân tộc.

Chính chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập viết ngày 2/9/1945 cũng đã trích dẫn lời Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Nhân quyền, quyền độc lập, tự chủ chính là vấn đề mà nước Mỹ và Việt Nam đều nhấn mạnh và khẳng định trong bản tuyên ngôn của mình.

Liên tưởng đến câu hát trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao và Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với các ca từ: “Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người…”, là một cách nhấn mạnh tình đoàn kết, mối bang giao, hữu nghị giữa hai nước và trên thế giới.

Chuyến thăm của TT Obama diễn ra trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng. Hơn bao giờ hết, tình cảm và sự đoàn kết càng được củng cố và thắt chặt. Đó chính là thông điệp của người đứng đầu nước Mỹ.

Là người trực tiếp tham gia và chứng kiến chuyến thăm của ba đời TT Mỹ, đại sứ Ngô Quang Xuân cho rằng, các chuyến thăm của các chính khách Mỹ đều có sự riêng biệt, sáng tạo. Tuy nhiên có một điểm chung, đó là họ luôn bày tỏ sự quyết đoán trên chính trường nhưng lại luôn mềm mại và chân thành trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sự thân thiện với người dân Việt.

Chỉ là những cử chỉ rất nhỏ thôi như cách TT G.Bush kéo cửa kính vẫy chào người dân bất chấp những rào cản an ninh, cái cúi mình rất thấp để bắt tay một em bé của TT Bill Clinton hay bữa tối giản dị có giá 6 đô của TT Obama cũng đủ khiến người Việt ấm lòng. Đôi khi những điều lớn lao, tốt đẹp nhất lại đến từ những hành động giản dị, nhỏ bé, khiêm nhường như thế”.

Khoảnh khắc TT Bush trò chuyện với các em thiếu nhi trong chuyến Việt Nam năm 2006.

Ở một góc nhìn khác, đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2001-2007 phân tích: “Việc ông Obama nói đến thơ Lý Thường Kiệt tức là nói đến chí khí của người Việt, chí khí bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc. Chí khí bảo vệ dân tộc cũng chính là ý chí tự cường dân tộc”.

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2001-2007.

Nói về bài phát biểu của Người đứng đầu nước Mỹ hiện nay, ngài đại sứ cho biết: “Việc TT Obama nhắc lại cuộc chiến tranh giữa hai nước cho thấy ông không hề phủ nhận hay trốn tránh mà là cái nhìn thẳng thắn, công khai với quá khứ. Cũng như TT Bill Clinton khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đứng bên cạnh ông là các ngoại trưởng John McCain và John Kerry. Hai cựu chiến binh ấy, cũng như nhiều cựu chiến binh khác, chính là những con người có vai trò rất quan trọng trong quá trình hòa giải với những “cựu thù” của mình.

Ông Obama là người sinh ra sau cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng những gì ông nói cho thấy ông hiểu nỗi đau của chiến tranh, hiểu những hy sinh của hai phía. Và điều này mới quan trọng hơn, ông dám nhìn thẳng vào sự khốc liệt từng có để tìm ra những bài học về hòa bình, cho hiện tại và tương lai. Đó tầm nhìn nhân văn và là đạo đức của một con người, cao hơn nữa là một chính khách.

Điều tuyệt vời hơn nữa trong bài phát biểu là TT Obama đã vận dụng kiến thức về các điển tích lịch sử. Lẫy Kiều, một tác phẩm mà bản thân nó là một câu chuyện buồn, để vận dụng thành những câu thơ mở ra những câu chuyện vui là cả một nghệ thuật ngoại giao mà chỉ sự tài tình, khéo léo thôi thì chưa đủ. Ở đó phải chất chứa một sự thân tình thực sự”.

Nhắc lại chuyến thăm Việt Nam của TT Bush năm 2006, đại sứ Nguyễn Tâm Chiến tiết lộ: “Mỗi khi lên máy bay, ông ấy đều cởi bỏ bộ comple để thay bằng quần bò, áo phông, đầu đội mũ Texas, miệng nhai kẹo cao su. Chứng kiến hình ảnh đó ai cũng cảm thấy sự gần gũi, rất con người ở một vị nguyên thủ. Việc TT Obama đi ăn bún chả, mua cốm, uống trà đá là một nhu cầu tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của nước bạn, rất đỗi giản dị và rất đỗi con người”.

“Xin được mượn một câu nói bất hủ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Văn hóa là tất cả”. Cách tiếp cận khôn ngoan nhất đối với một dân tộc chính là bắt đầu từ văn hóa của dân tộc đó”, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ bày tỏ.

Đào Bích

/**/

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/chuyen-tham-cua-tt-obama-duoi-goc-nhin-cua-cac-nha-ngoai-giao-viet-nam-d94225.html