Chuyến thăm của Tổng thống Pháp, hiệp định dẫn độ sẽ được ký kết

Trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp ở VN từ ngày 5 - 7/9 sẽ có 20 văn bản được ký kết song phương. Trong đó có hiệp định tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực hình sự và hiệp định về dẫn độ.

Tổng thống François Hollande là vị Tổng thống thứ ba của Pháp sang thăm Việt Nam sau các chuyến thăm của Tổng thống François Mitterrand năm 1993 và Tổng thống Jacques Chirac năm 1997, 2004. Chuyến thăm này sẽ là dịp để nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đề cập tới mọi chủ đề khu vực và song phương và thăm dò những triển vọng hợp tác mới.

Tổng thống Francois Hollande.

Tháp tùng Tổng thống Hollande lần này có 3 đại diện của Chính phủ Pháp gồm: Bộ trưởng tài chính và tài khoản công Michel Sapin; Quốc vụ khanh phát triển và pháp ngữ André Vallini; Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại, Thủ công, Tiêu dùng và kinh tế xã hội và đoàn kết.

Theo lịch trình chuyến thăm, trước tiên Tổng thống đến Hà Nội, nơi sẽ diễn ra lễ đón chính thức Tổng thống của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào sáng ngày 6/9. Sau đó, ông sẽ có các cuộc hội đàm với các Ủy viên Bộ Chính trị gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng thống Hollande sẽ có bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề tương lai chung giữa hai nước Việt - Pháp. Trong sự kiện đặc biệt này, chuyến thăm sẽ là dịp để Tổng thống François Hollande trình bày những định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thế kỷ 21.

Tại TP.HCM, Tổng thống Pháp sẽ có các cuộc gặp với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong.

Sau đó, ông cũng sẽ tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp, với sự hiện diện của nhiều quan chức về chính trị và kinh tế của hai nước. Diễn đàn sẽ là dịp để các cơ quan Việt - Pháp trao đổi về những giải pháp và quan hệ đối tác cần được thiết lập cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam. Ngoài ra, Tổng thống Hollande cũng sẽ thăm cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) Pháp và Viện Tim TP.HCM - một biểu tượng cho hợp tác y tế giữa hai nước và nhiều hoạt động bên lề khác.

Theo ông Jean Noel Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam, trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Pháp, dự kiến sẽ có khoảng 20 văn bản song phương được ký kết như Hiệp định tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực hình sự và hiệp định về dẫn độ; Thỏa thuận hành chính về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật…

Trong lĩnh vực khoa học và đại học, hai bên dự kiến sẽ ký các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực vũ trụ giữa Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Pháp (CNES) và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra còn có tuyên bố hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp giữa hai Chính phủ hai nước.

Bên cạnh đó là các thỏa thuận hợp tác khoa học trong lĩnh vực Toán học giữa Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) và Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) do GS Ngô Bảo Châu thành lập; Thỏa thuận của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình và Cần Thơ...

Với chủ đề bảo vệ môi trường, Pháp đã rất sớm ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Tổng cộng, trong giai đoạn 2006-2015, đã có 525 triệu Euro được cung cấp cho Việt Nam thông qua 17 dự án và các chương trình phát triển tham gia vào chống biến đổi khí hậu và ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Các dự án liên quan đế các vấn đề khí hậu, hiện chiếm hơn 50% tổng các khoản cam kết của AFD tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Các lĩnh vực phát triển về đô thị, năng lượng, nông nghiệp và quản lý nước được đặc biệt chú ý. Kế hoạch hành động của AFD cho giai đoạn 2016-2020 cũng sẽ nhấn mạnh tới những vấn đề môi trường. Cam kết này sẽ được cụ thể hóa bằng việc ký kết nhiều thỏa thuận trong năm 2016, đặc biệt nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp.

Đặc biệt, một hợp đồng cung cấp dịch vụ sẽ được ký kết giữa Hiệp hội kiểm tra chất lượng không khí của Ile de France Airparif và UBND TP.Hà Nội với mục tiêu thiết lập một hệ thống giám sát chất lượng không khí tại Hà Nội và đề xuất với UBND thành phố các giải pháp về chính sách công nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Long Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tong-thong-phap-tham-viet-nam-nhan-manh-moi-quan-he-giua-hai-nuoc-a256122.html