Chuyến thăm hàng chục tỷ đô

(VietNamNet) - Trong tình trạng hỗn loạn, hợp tác Nga - Trung nổi lên như là một giải pháp hữu hiệu và kịp thời.

- Chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày của Thủ tướng Nga Vladimir Putin nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông quốc tế song lần này không phải về vấn đề chính trị giữa 2 cường quốc có tới 4000km đường biên giới chung mà chỉ đơn thuần về kinh tế. 25 tỷ USD đổi lấy việc cung cấp dầu trong 20 năm, xây dựng 2 nhà máy hạt nhân ở Tianwan, hệ thống ống dẫn khí gas của Gazprom vươn xa khỏi Châu Âu... là những thông tin đủ để khiến bất cứ ai cũng phải ngoái nhìn. Khoan đi sâu vào chi tiết của những bản hợp đồng trị giá khổng lồ này giữa Nga và Trung Quốc, hãy thử tìm hiểu xem vị thế của các nước này ra sao trong quá trình ký kết hàng loạt những thỏa thuận bom tấn như trên. Nga, nhà cung cấp năng lượng sa cơ Về phía Nga, tốc độ hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng kinh tế thế giới cộng với việc thị phần về năng lượng bị thu hẹp ở Châu Âu khiến quốc gia này có nhiều điều phải lo lắng. Nếu chúng ta còn nhớ, mới tháng 7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết với một loạt các quốc gia EU như Áo, Bulgary, Hungary... dự án đường ống dẫn dầu Nabucco trị giá lên đến 7,9 tỷ USD. Tuy EU và Mỹ liên tục phủ nhận song với việc tiếp nhận nguồn dầu từ Trung Đông qua vùng biển Caspie tới các nước vùng Balkan, Nabuco rõ ràng là một dự án sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của các nước Châu Âu tới nguồn năng lượng từ Nga. Để đáp trả với Nabucco, Nga đã lập tức cho triển khai ngay các dự án năng lượng đối trọng với EU như dự án "Dòng chảy phương Nam", "Dòng chảy xanh", được ký kết sau chuyến thăm 1 ngày của Tổng thống Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà nhu cầu về năng lượng của thế giới vẫn mới ở mức trung bình và cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng ngày càng gay gắt thì những dự án đó dường như là chưa đủ. Quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này sẽ phải tiếp tục tìm mọi cách để mở rộng thị trường năng lượng của mình. Địa điểm lựa chọn của họ lần này sẽ không phải là một Châu Âu dè chừng vốn đã quá chật hẹp mà là một Châu Á rộng lớn và tham vọng. Trung Quốc chính là lời giải đáp cho bài toán khó mà Nga đang tìm cách giải. Trung Quốc, vị khách hàng chịu chơi Đối với Trung Quốc, việc giữ được tốc độ phát triển đáng nể trong khủng hoảng đã nâng nền kinh tế của quốc gia này lên một tầm cao mới. Bất chấp những lo ngại về khả năng phát triển bền vững của kinh tế Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn chứng tỏ được tiềm lực kinh tế vững mạnh và đang từng bước vươn lên cạnh tranh gay gắt vị trí cường quốc kinh tế số 1 với Mỹ. Để làm được điều đó, Trung Quốc cần tiếp tục giữ vững và nâng cao được khả năng sản xuất công nghiệp đáng nể của mình; và một trong những chìa khóa cho thành công này không đâu khác nằm ở khả năng sở hữu nguồn năng lượng dồi dào và ổn định Xét trên góc độ kinh tế, hợp tác về năng lượng giữa Nga và Trung Quốc diễn ra một cách hết sức tự nhiên, một sự gặp nhau đơn thuần giữa cung và cầu, giữa quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới và quốc gia tiêu thụ dầu thứ 3 thế giới, giữa quốc gia đang vật lộn giữa khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ nước ngoài và một quốc gia đang "thừa" hàng trăm tỷ USD trong ngân quỹ. Yếu tố chính trị cũng gần như bị loại bỏ ra khỏi các thỏa thuận này khi giá cả mới là yếu tố then chốt quyết định đến tiến trình thực thi các thỏa thuận : hợp lý - ký kết, không hợp lý - không tiến hành. Rõ ràng với quá nhiều điểm gặp nhau như thế, sẽ không gì ngạc nhiên khi 2 quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này ký kết những hợp động trị giá đến hàng tỷ USD liên quan đến hợp tác năng lượng. Có chăng người ta chỉ tự hỏi tại sao đến tận bây giờ những thỏa thuận như vậy mới được kí kết trên qui mô lớn? Cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ thế giới rõ ràng đã khiến cho cán cân quyền lực kinh tế thế giới có những thay đổi cơ bản. Đây không còn là lúc mà Moscow có thể nhìn quốc gia đồng minh đồng thời cũng là kẻ thù của mình từ thời Chiến tranh lạnh như một quốc gia chậm tiến, lạc hậu nữa khi mà bản thân nước Nga đang phải đối diện với vô vàn khó khăn đến từ sức ì của nền kinh tế và tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Trong tình trạng hỗn loạn đó, hợp tác năng lượng Nga - Trung nổi lên là một giải pháp hữu hiệu và kịp thời để giải quyết mọi khó khăn và đáp ứng được tham vọng của cả 2 bên. Và nếu quả thực khủng hoảng tài chính chính là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của hợp tác năng lượng trị giá hàng chục tỷ USD này thì cuộc khủng hoảng này đã đem lại nhiều cơ hội hợp tác hơn là chúng ta tưởng. Sơn Tùng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/200910/Chuyen-tham-hang-chuc-ty-do-873942/