Chuyến thăm Hy Lạp đầy toan tính của tàu Nga

Sau vụ lùm xùm tiếp dầu của tàu Kuznetsov, chiến hạm Nga lại cập cảng Hy Lạp trên hành trình đến Syria chống khủng bố khiến phương Tây bất ngờ.

Chuyến thăm đầy toan tính

Trang Al-Alam News dẫn nguồn tin quân sự Hy Lạp cho biết, hôm 30/10, khu trục hạm Smetlivy của Hải quân Nga đã bất ngờ cập cảng Piraeus của Hy Lạp trên hành trình tới Syria tham gia chiến dịch chống khủng bố của Nga.

Chiến hạm Smetlivy khởi hành rời cảng Sevastopol hôm 28/10, cập cảng Piraeus, gần Athens của Hy Lạp ngày 30/10. Theo nguồn tin này, chiến hạm Nga sẽ ở lại Hy Lạp trong vòng hai ngày.

Trong thời gian thực hiện chuyến thăm, Hải quân Nga sẽ tham gia một loạt các hoạt động trao đổi văn hóa và khoa học như là một phần của "năm văn hóa Nga-Hy Lạp".

Đến ngày mùng 2/11, tàu khu trục Smetlivy sẽ tới Syria tham gia cùng với lực lượng tác chiến của Nga trong hoạt động chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này, nguồn tin quân sự Hy Lạp cho biết.

Sẽ không có gì đang nói về chuyến thăm Hy Lạp (thành viên NATO) của chiến hạm Smetlivy nếu nó không diễn ra ngay sau khi diễn ra vụ lùm xùm liên quan đến việc đội tàu sân bay Nga muốn tiếp nhiên liệu tại căn cứ của Tây Ban Nha, vụ việc đã làm cả châu Âu và NATO nổi giận.

Khu trục hạm Smetlivy.

Đặc biệt, khối quân sự NATO cảnh báo rằng, những tàu chiến này có thể được Moskva sử dụng để tấn công bừa bãi vào thành phố Aleppo, thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Dù Nga và Hy Lạp chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về chuyến thăm của tàu Smetlivy nhưng trừng đó cũng đủ khiến phương Tây nhận ra rằng, Moskva đang cố ý chọc giận châu Âu sau những bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có hoạt động quân sự của NATO tại Đông Âu, chiến dịch quân sự Syria.

Theo nhận định của giới chuyên gia, từ trước đến nay, Hy Lạp luôn là nước phản đối mở rộng các lệnh trừng phạt của châu Âu chống Nga. Vào thời điểm này, châu Âu đang xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Để tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Liên minh châu Âu cần có sự nhất trí của tất cả các thành viên

Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras Tsipras đã nhiều lần khẳng định, vòng luẩn quẩn của sự quân phiệt hóa, sự đối đầu kiểu thời kỳ chiến tranh lạnh hay các biện pháp trừng phạt đều không có hiệu quả.

Theo giới phân tích, dường như điện Kremlin đang muốn dùng Athens làm lá chắn để chống đỡ lại các nguy cơ cấm vận từ châu Âu. Với phản ứng hiện nay của Hy Lạp, một thỏa thuận thống nhất giữa các nước là điều gần như không thể.

Một tính toán khác của Nga trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng, đó là Moscow có thể sử dụng hải cảng Alexandroupolis của Hy Lạp để lưu thông hàng hóa mà không cần sử dụng hai eo biển Bosporus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng 2 năm nay, Athens đã gợi ý cho Nga đỗ ở các hải cảng lớn tại nước này, cho phép lưu thông hàng hóa mà không cần qua eo biển Bosporus và Dardanelles.

Theo đó, chính quyền tỉnh Simferopol thuộc bán đảo Crimea, được Nga sáp nhập năm 2014, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với đại diện phòng Thương mại công nghiệp khu vực Evros thuộc Hy Lạp, trong đó có đề cập đến khả năng Nga sẽ sử dụng hải cảng Alexandroupolis nằm bên bờ Địa Trung Hải.

"Chúng ta có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, thành phố chúng tôi có một trong những hải cảng lớn nhất, là nút lưu thông hàng hóa quan trọng mà không cần qua eo biển Bosporus và Dardanelles.

Đây cũng là nơi lắp đặt 3 đường ống dẫn dầu và một nhà máy khí hỏa lỏng có khả năng tiếp tế nhiên liệu cho tàu thuyền", ông Evangelos Lambakis, Thị trưởng thành phố Alexandroupolis tuyên bố.

Sức mạnh chiến hạm Smetlivy

Theo thông tin được công khai, khu trục hạm Smetlivy được hạ thủy vào ngày 15/7/1966 tại nhà máy đóng tàu Nikolaiev, bắt đầu hoạt động ngày 26/8/1967 và chính thức vào biên chế ngày 25/9/1969.

Chiến hạm Smetlivy sở hữu hệ thống hỏa lực khá ấn tượng với 1 pháo hạm nòng đôi AK-726 cỡ 76 mm, 2 ray phóng đôi của tên lửa phòng không SA-N-1 Volna (phiên bản hải quân của SA-3 Goa) với tổng cộng 32 tên lửa, 5 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, 2 bệ phóng rocket săn ngầm RBU-6000. Sau khi hiện đại hóa vào năm 1995, tàu được bổ sung 2 cụm 4 ống phóng KT-184 của tên lửa hành trình chống hạm SS-N-25 Uran.

Vào tháng 8/2008, Smetlivy được điều động tham gia cuộc chiến tranh Nga - Gruzia trong thành phần lực lượng đặc nhiệm của Hạm đội Biển Đen với nhiệm vụ phong tỏa đường biển. Sang năm 2009, con tàu được đưa lên sửa chữa lớn một lần nữa, quay lại phục vụ vào năm 2011 và tham gia cuộc tập trận hải quân Nga - Italia tại biển Địa Trung Hải.

Năm 2013, Smetlivy được gửi tới ngoài khơi bờ biển Syria để ngăn cản một cuộc tấn công của Hải quân NATO nhằm lật đổ chính quyền tổng thống al-Assad. Smetlivy quay lại Syria vào tháng 9/2015, khi Nga quyết định tiến hành chiến dịch quân sự chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tính đến thời điểm hiện tại, Smetlivy là khu trục hạm thuộc lớp Kashin cuối cùng còn phục vụ trong biên chế Hải quân Nga. Với gần 50 năm tuổi đời, đây cũng là một trong những khu trục hạm cao tuổi nhất trên thế giới vẫn đang hoạt động.

Clip chiến hạm Smetlivy khởi hành đến Syria hồi năm 2015

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chuyen-tham-hy-lap-day-toan-tinh-cua-tau-nga-3321992/