Chuyện thằng khùng

Thực ra tên hắn không phải là Khùng, mà tên cúng cơm của hắn là Phùng. Nhưng rồi do cái tính điên điên, khùng khùng của hắn nên bà con lối xóm gọi chệch đi là Khùng. Vì vậy mọi người quen mồm gọi như vậy, rồi từ đó cái tên Phùng vô tình đi vào quên lãng.

Ngày còn nhỏ Khùng cũng được cha mẹ cho ăn học, nhưng do tính khùng nên Khùng hay quậy phá đến mức nhà trường phải đuổi học. Không học được ở quê, bố mẹ Khùng phải gửi Khùng đến nhà bà con họ hàng cách tỉnh để học. Nhưng Khùng đâu có chịu học, Khùng lại phá phách, cầm đầu một số học sinh hư hỏng, lêu lổng làm cho các thầy cô nhiều phen điêu đứng. Thời gian thấm thoát thoi đưa, Khùng cũng đã đến tuổi trưởng thành, bố mẹ Khùng nghĩ chỉ còn có một cách đó là cưới cho gã một cô vợ, may ra thay đổi được tính nết. Lấy vợ rồi Khùng vẫn tính nào tật nấy, không giao du với ai, không đến nhà ai và cũng không muốn ai làm phiền mình. Khùng xây tường làm hàng rào, gạch đá đổ bừa bãi, chiếm cả lối đi của bà con lối xóm, có người tham gia góp ý thì Khùng trả lời thẳng thừng: - Có mắt thì tìm lấy chỗ mà đi… Thấy Khùng như vậy nên cũng không ai muốn chây vào vì sợ “đầu không phải thì phải tai”, không khéo lại còn bị chửi cho thì thêm xấu mặt. Như thế cũng chưa hết, Khùng còn làm những việc rất trái khoáy, không ai có thể chấp nhận được. Đó là cạnh nhà Khùng có một cái ngõ đi chung của bà con lối xóm, tự dưng vô cớ Khùng mang cuốc xẻng ra đào một rãnh ngang đường rộng chừng 50cm. Việc làm đó của Khùng ngay đến mẹ rồi vợ con gã cũng không bằng lòng, khỏi tại sao lại làm những việc như vậy, thì Khùng trả lời: - Để xe máy không đi qua được, suốt ngày ầm ĩ… Không phải Khùng chỉ làm những việc ngang trái với mọi người mà ngay trong gia đình hắn cũng rất khùng. Đó là Khùng có một mẹ già, tuổi đã cao ngấp nghé miệng lỗ, nhà đông anh em, nhưng chỉ có Khùng là con trai. Cái lý xưa nay là bố mẹ thường ở cùng con trai, nhưng Khùng tập hợp các chị em gái lại và tuyên bố thẳng thừng: - Ai cũng là con, ai mẹ cũng mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày và Khùng cũng như những người khác, vì vậy mọi người phải có trách nhiệm luân phiên nhau nuôi mẹ một tháng. Các chị em bàn sẽ góp tiền lại để vợ chồng Khùng nuôi mẹ, nhưng Khùng cương quyết không nghe. Cứ như thế đến hạn Khùng đón mẹ về nuôi và hết hạn lại võng cáng đưa mẹ tới nhà các chị. Việc làm của Khùng trở thành đề tài đàm tiếu, trò mua vui của bà con xóm giềng. Hễ thấy Khùng võng cáng đón mẹ đi thì mọi người lại bảo: - Đấy, hôm nay Khùng lại đem mẹ đi bàn giao… Nói chuyện của Khùng thì nhiều lắm, có những chuyện cười ra nước mắt. Kể cả ngày không hết chuyện. Và Khùng cứ thản nhiên sống như vậy nếu như không có một câu chuyện xảy ra. Đó là vào lúc 9h tối, trời mưa to, sấm chớp đùng đùng, người ta thấy Khùng nằm bất tỉnh nhân sự ở con đê đầu làng. Mọi người đổ xô vào chuyển Khùng vào trong nhà rồi đốt lửa sưởi ấm, thay quần áo, đánh cảm. Cẩn thận hơn, bà con lối xóm còn đưa Khùng lên trạm xá. Thì ra tối hôm đó Khùng uống quá nhiều rượu, chân nam đá chân chiêu, rồi trời lại đổ mưa, đường trơn nên đã trượt ngã và nằm luôn tại đó và cũng rất may Khùng đã gặp được người làng. Khi Khùng ở trạm xá về thì bà con lối xóm rồi họ hàng đổ xô đến thăm hỏi động viên. Lúc này Khùng đã tỉnh rượu và biết rõ mọi việc, nếu không có bà con xóm giềng có lẽ giờ đây Khùng đã trở thành người thiên cổ. Hai giọt nước mắt ân hận nóng hổi chảy dài trên khuôn mặt hốc hác của Khùng. Cũng từ ngày đó người ta thấy Khùng vui vẻ hơn, hòa nhập với mọi người. Trong nhà Khùng cũng thường xuyên có người vào ra chứ không vắng tanh như trước. Và cũng từ đây Khùng mới biết thế nào là lòng nhân ái, tình người, tình xóm giềng lúc tắt lửa tối đèn có nhau.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/3/3/3/41651/default.aspx