Chuyện tình cảm động của tướng Hoàng Đan qua những trang thư

Buổi ra mắt cuốn sách 'Thư cho em' (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn) kể về cuộc tình kéo dài hơn 50 năm của Thiếu tướng Hoàng Đan - một trong những vị tướng nổi bật của Quân đội nhân dân Việt Nam và vợ ông là bà An Vinh - nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. 'Thư cho em' là cuốn sách đầu tay của doanh nhân Hoàng Nam Tiến với tư cách tác giả và anh cũng chính là người con trai út của hai nhân vật đặc biệt này.

Mối tình vượt qua 3 cuộc kháng chiến

“Thư cho em” bắt đầu bằng lời kể của tác giả Hoàng Nam Tiến về sự kiện bố anh là Thiếu tướng Hoàng Đan qua đời vào năm 2003. Mẹ của tác giả - bà An Vinh đã quyết liệt yêu cầu Hoàng Nam Tiến xếp đặt những bức thư và nhật ký của hai ông bà để đưa đi theo ông Hoàng Đan về thế giới bên kia. Nhưng, Hoàng Nam Tiến đã “to gan trái lời mẹ” giữ lại thư từ của ba mẹ trong suốt 40 năm - từ lá thư đầu tiên vào năm 1953 thuở mới quen thân, cho đến quãng thời gian sau này.

Tác giả Hoàng Nam Tiến cho biết, qua nhiều ngày tháng, mỗi lần đọc thư, hiểu về tình cảm ba mẹ, cùng với những ký ức về ba mẹ, tác giả đã cảm thấy nỗi thôi thúc phải viết cuốn sách này. Bởi lẽ, anh thấy rằng câu chuyện tình của ba mẹ còn là câu chuyện của một thế hệ, một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Doanh nhân Hoàng Nam Tiến vốn được công chúng biết đến trong nhiều vị trí công việc tại Tập đoàn FPT, cũng như nhiều chia sẻ ấn tượng, bổ ích về chuyện kinh doanh, công nghệ, giáo dục tới cộng đồng. Ông cho biết, khi đọc những bức thư của ba mẹ, chính bản thân ông đã tìm thấy nhiều bài học từ tình yêu. Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia... Và, tình yêu chính là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình, vượt qua gian khó.

Từ phải qua: Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, tác giả Hoàng Nam Tiến và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy trong buổi ra mắt cuốn sách "Thư cho em" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

“Thư cho em” là những câu chuyện xoay quanh chuyện tình yêu, tình vợ chồng của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ khi còn là chàng trai cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống, lý tưởng và hy vọng, cho đến những năm tháng là vợ chồng, đã có những đứa con nhưng vẫn sống trong xa cách triền miên. Những trang hồi tưởng từ những câu chuyện kể của ba được Hoàng Nam Tiến minh họa bằng các trích đoạn từ hơn 400 lá thư của hai người kéo dài qua những dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc như: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, giải phóng Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979... đã tạo nên một cuốn sách về một “thiên tình sử” chân thực mà lãng mạn hơn bất cứ cuốn tiểu thuyết nào.

Hoàng Đan là vị tướng trưởng thành qua trận mạc nên ông dường như chẳng bao giờ có nhà, kể cả những lần vợ ông sinh nở. Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt nhất, người vợ ông là bà Nguyễn Thị An Vinh ở nhà 3 lần vượt cạn một mình, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân qua việc học tập và đã có được một sự nghiệp riêng đáng nể.

Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng ấy chỉ biết gửi gắm qua những trang thư. Và, những lá thư bồi hồi, tha thiết, đầy lãng mạn ấy đã trở thành sợi dây thắt chặt tình yêu của hai người. Câu chuyện của Tướng Hoàng Đan và bà An Vinh vì vậy không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng, mà là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ lịch sử không thể nào quên của đất nước: “Cái hôn đầu tiên anh đặt lên môi em hôm ấy... có lẽ ngày ấy cũng đánh dấu quan hệ của chúng ta qua một bước mới phải không em? Sau đó 2 hôm anh lên Mậu Lâm và chia tay em đi học. Cái buổi sáng em dậy nấu cơm cho anh ăn và hai chúng ta nói chuyện hứa hẹn với nhau. Chắc em giận anh: “Anh đi làm tròn nhiệm vụ là đủ rồi, em sẽ vĩnh viễn yêu anh mặc dầu có xa cách hay anh có thương tật đi nữa em cũng một lòng yêu anh”. Anh nhớ vậy, mà anh cũng tin như vậy”. (Thư Tướng Hoàng Đan gửi vợ An Vinh, 28/5/1955).

Để hỏi cưới được bà An Vinh, ông Hoàng Đan năm 1953 đã liều lĩnh xin rời đơn vị một đêm trước chiến dịch Thượng Lào (tháng 3/1953), cả đêm đạp xe từ Đô Lương về quê ở Cửa Hội để hỏi vợ rồi lại ra đi lúc 1 giờ sáng. Chuyện tình gian nan mà cảm động của người lính chiến Hoàng Đan còn thể hiện ở chỗ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, ông đạp xe tổng cộng 1.300 km để hỏi cưới bà: Từ Điện Biên, ông hăm hở đạp xe 600 cây số về Nghệ An để cưới vợ, nhưng sau 7 tháng bặt tin nhau thì về đến nơi, Trung tá Đan lúc đó 26 tuổi mới hay tin bà đã được cử ra Thái Nguyên học ngành thuế vụ. Ông lại một mạch đạp xe lên Thái Nguyên thì đến nơi lại hay tin bà đã học xong và chuyển lên công tác tại Lạng Sơn. Thế là ông tiếp tục đạp xe từ Thái Nguyên vòng sang Lạng Sơn. Nhưng, tuyệt vọng nhất là, khi đến nơi đặt vấn đề làm đám cưới thì cô người yêu lại từ chối: “Em vẫn yêu anh nhiều nhưng em muốn chuyên tâm công tác và chưa muốn có con. Em không biết giãi bày với anh thế nào...”.

Niềm tin mãnh liệt nuôi dưỡng tình yêu

Sau này, khi thành vợ chồng, ông Hoàng Đan cũng có niềm tin mãnh liệt sẽ “sống sót trở về với em” và mang niềm tin ấy đi qua kháng chiến chống Mỹ khốc liệt: “Chúng ta đã hứa trong hoàn cảnh nào cũng sẽ yêu nhau và sẽ yêu nhau mãi mãi. Chúng ta đã làm được như vậy. Chỉ có một hoàn cảnh chắc em và anh đều nghĩ nhưng chúng ta không ai nói ra, là anh có thể không trở về sau chiến dịch nữa và vĩnh viễn xa em. Kể cũng thật khủng khiếp nhưng lúc đó nhiệm vụ anh cũng xem là thường tình như trăm ngàn người bạn khác đã ngã xuống...”. (Thư ông Hoàng Đan gửi vợ An Vinh, 24/7/1963).

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan.

Theo những trang thư ông bà Hoàng Đan - An Vinh gửi cho nhau trong “Thư cho em” và dòng hồi ức của con trai Hoàng Nam Tiến, cả một đời binh nghiệp xông pha nơi trận mạc trong suốt hơn 30 năm, chưa có một cái Tết nào Tướng Hoàng Đan được ăn Tết ở nhà - bên gia đình vợ con, nhưng ông đã viết cho bà rất nhiều thư chất chứa nỗi nhớ nhung, tình yêu thương mãnh liệt và đầy lãng mạn kể cả khi hai người đã là vợ chồng lâu năm. Tác giả Hoàng Nam Tiến cho biết, trong số hơn 400 bức thư mà bố mẹ ông gửi cho nhau, thì chủ yếu là thư của bố ông gửi cho mẹ (hơn 300 lá).

Trong đời sống hôn nhân của hai người, cũng giống như bất kỳ cặp vợ chồng nào, cặp đôi Hoàng Đan - An Vinh cùng nhau toan lo chuyện dầu muối, đường sữa, xà phòng... và không thiếu đi những hờn ghen và giận dỗi. Nhưng, xuyên suốt cuộc tình 50 năm, qua những chi tiết rất nhỏ kể về cách Tướng Hoàng Đan hết mực chiều vợ, thương con, cách bà An Vinh bao dung cho những đức tính rất đàn ông của chồng mình, cách bà đảm đang tháo vát hy sinh toan lo việc nhà để chồng yên tâm công tác... đều trở thành những bài học xúc động về sự vun vén, hy sinh cho gia đình.

Tự nhận mối tình của ba mẹ mình mang “cảm hứng lãng mạn cách mạng”, tác giả Hoàng Nam Tiến đã lựa chọn một trích dẫn kinh điển của văn học Liên Xô làm lời đề dẫn cho cuốn sách “Thư cho em”: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi không gào thét, và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em dịu dàng, nhẫn nại và chan chứa yêu thương...”.

Những câu chuyện nhỏ trong “Thư cho em” thực sự đã mang đến cho người đọc nhiều chiêm nghiệm suy tư về tình yêu, về đời sống hôn nhân giữa những cặp đôi dù ở bất kỳ thế hệ nào. Điều đó cũng lý giải vì sao chỉ sau chưa đầy một tháng kể từ ngày ra mắt, “Thư cho em” đã tái bản và liên tục cháy hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử. Tác giả Hoàng Nam Tiến xúc động chia sẻ: “Tôi viết lại câu chuyện này để lại một kỷ niệm cho mình, cho gia đình và với cá nhân mình, tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, tin rằng tình yêu có thật trong cuộc đời!”...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chuyen-tinh-cam-dong-cua-tuong-hoang-dan-qua-nhung-trang-thu-i728674/