Chuyện về một liệt sỹ quê Hải Phòng

Có một chàng trai tên Việt, quê Hải Phòng đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, để lại quê nhà một mối tình thương nhớ thuở đôi mươi.

Cuối cùng, chàng trai ấy đã nằm lại nơi chiến trường, để cô gái mãi mãi khắc ghi lời thề thủy chung và cũng ra đi vì tháng năm chờ đợi.

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã qua đi hơn 40 năm, nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người lính cụ Hồ. Trong số họ, người còn sống đều đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, những người đã mất đều ở độ tuổi còn rất trẻ, họ lên đường theo tiếng gọi của quê hương với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Có biết bao chàng trai, cô gái lên đường đánh giặc đều để lại mối tình thương nhớ, dung dị nơi quê nhà. Một lá thư, một bài thơ gửi cho nhau đầy lưu luyến nhớ nhung, và đó chính là động lực để giúp họ vượt lên trên tất cả. Chàng trai Nguyễn Văn Việt, quê Hải Phòng cũng là một trong số những người lính cụ Hồ đã lên đường đi đánh Mỹ, và có một mối tình trong sáng như vậy.

Chân dung liệt sỹ Nguyễn Văn Việt cùng bức thư gửi người yêu.

Năm 1966, khi khói lửa bom đạn chiến tranh còn đang khốc liệt, chàng trai Nguyễn Văn Việt đã lên đường khi vừa tròn 19 tuổi, để lại quê nhà cô người yêu kém 2 tuổi. Anh là một trong số 3 người trong biệt đội bắn tỉa để bảo vệ sân bay Tà Cơn tại chiến trường đường 9 Khe Sanh, Quảng Trị. Trong một trận đánh ác liệt anh đã anh dũng hy sinh và nằm lại nơi chiến trường. Một đồng đội của anh cho biết, có một người Mỹ tên là Lary Luther đã gửi trả lại toàn bộ cuốn nhật ký thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam vào năm 2006, không hiểu sao mà năm nào ông ấy cũng sang Việt Nam để hỏi thăm đã tìm được mộ liệt sĩ Việt hay chưa. Ông Lary Luther kể rằng, sau khi anh Việt hy sinh, ông đã tìm thấy trong túi áo của anh Việt một cuốn nhật ký, một ảnh Bác Hồ, một số ảnh khác trong đó có cả ảnh bạn gái anh Việt. “Có điều, năm nay, chúng tôi cũng đã gửi thư mời đến ông Lary Luther nhưng không thấy hồi âm vì ông ấy đã gần 90 tuổi, có lẽ đã mất” - Đại tá quân đội Vũ Hòa Bình đã trải lòng như vậy...
Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại tá Vũ Hòa Bình trở lại nghĩa trang trong Quảng Trị và nhìn thấy một mẹ già côi cút đi tìm mộ con, từ đó thôi thúc trong tim ông phải đi tìm đồng đội. Ông kể: “Tôi đi tìm đồng đội đã ngót nghét 10 năm với khoảng 3.000 bộ hài cốt của đồng đội ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tôi nhớ nhất có lần đi tìm đồng đội, tôi bị lạc trong rừng mất 3 ngày từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, khi mọi người tìm được đưa tôi trở về Bắc chỉ như một cái xác. Nhưng đến khi khỏe, tôi lại tiếp tục đi tìm đồng đội của mình. Không đi, tôi nhớ lắm, chỉ có đi tìm đồng đội, tôi mới thấy mình phấn chấn và khỏe lên nhiều...”. Người đàn ông này đã dành phần đời còn lại của mình để đi tìm đồng đội. Ông kể câu chuyện của anh Việt, được lãnh đạo UBND TP Hải Phòng rất quan tâm, với mong muốn tìm được hài cốt anh Việt cho trọn nghĩa trọn tình. Và nhân dịp cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ, điều thiêng liêng hơn cả là đồng đội đã đón anh về quê hương sau nhiều năm nằm lại nơi chiến trường xưa.
May mắn sao, đồng đội trong bộ ba ngày ấy vẫn còn sống là ông Nguyễn Văn Mạnh, nay đã ngoài 70 tuổi xúc động kể lại: “Trong hồi ức của tôi, những trận đánh địch như vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi là biệt đội bắn tỉa, sau khi các trinh sát đi rà soát xem vị trí nào là bắn tốt nhất thì chúng tôi tới cắm chốt. Nhiệm vụ của chúng tôi là bắn tỉa và diệt lô cốt. Càng thua, địch càng cay cú, chúng thành lập đội thám báo để phục kích bộ đội Việt Nam. Trận đánh cuối cùng của anh Việt là trận được trinh sát cho là lính Mỹ lúc nhúc mũ sắt nhiều đến độ vũ khí bắn tỉa không nổi. Biết mình bị bao vây, nhưng anh Việt không nao lòng và đã anh dũng chiến đấu đến lúc hy sinh...".
Ngừng một lát, ông Mạnh kể tiếp: “Khi lên đường làm nhiệm vụ, tuổi đời chúng tôi còn rất trẻ, ai cũng có người yêu ở quê nhà. Anh Việt đã từng có bài thơ về người yêu như thế này: Anh tặng em một bài thơ/Xa nhau năm tháng vẫn đợi chờ/ Cách sông cách núi lòng chẳng cách/Tình ta vẫn đẹp tựa lời thơ/ Em có biết giữa những ngày kháng chiến/Cả quê ta trong ngọn lửa đấu tranh/Hai đứa mình tạm xa đất cảng/Mang trái tim giữa Tổ quốc yên lành/Hãy giữ lấy tình yêu em nhé/Với tấm lòng chung thủy không nguôi/Dù cuộc sống có phong ba bão táp/Như con thuyền vững lái giữa biển khơi...
Người con gái mà chàng trai nhắn nhủ ấy đã giữ lời thề thủy chung son sắt không lấy chồng. Sau bao năm chờ người yêu không về, cô gái đó đã mất năm 2016. Một mối tình tuyệt đẹp thuở đôi mươi của các chàng trai và cô gái trong năm tháng chiến tranh, mưa bom bão đạn. Anh Việt đã anh dũng hy sinh, giờ đây, đồng đội đã hoàn tất thủ tục xong để đưa anh về quê nhà cho vơi bớt niềm mong nhớ của tất cả mọi người.
Ký ức chiến tranh là vậy, bên cạnh nơi anh yên nghỉ, ở đâu đó trên khắp cả nước Việt Nam còn rất nhiều đồng đội cũng chưa được trở về quê nhà. 42 năm đã qua đi, có biết bao người mẹ già cạn khô dòng nước mắt vẫn còn mong ngóng các con trở về, dù đó chỉ là một nắm xương tàn. Đồng đội của anh - những người còn sống cũng đau đáu tìm được các anh, dù có gian khổ thế nào… Đó cũng là tâm nguyện của thế hệ trẻ, nhìn đây là tấm gương sáng để học tập và tiếp nối truyền thống cha anh - những người đã ngã xuống vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuyen-ve-mot-liet-sy-que-hai-phong-293391.html