Chuyện về người cựu lính đảo Trường Sa

VOV.VN - “Đảo còn, mình còn, đảo mất mình sống với ai”. Ông Xuất thường nói với vợ và các con như vậy!

Chỉ với 3 năm gắn bó với đảo Trường Sa, nhưng biển, đảo đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn cũng như cuộc sống của ông. “Hình như cuộc đời tôi gắn liền với biển!” – ông Trần Văn Xuất, cựu chiến binh Trường Sa năm xưa thủ thỉ.

Năm 1984, chàng thanh niên miền biển Hòa Hải, Đà Nẵng lên đường nhập ngũ tại đảo Trường Sa Đông, thuộc Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải Quân. Những năm tháng ấy, ông cùng đồng đội đã sống và bảo vệ đảo với cả tấm lòng nhiệt huyết và cống hiến sức trẻ của mình. Ban ngày vác đá làm đê chắn sóng, ban đêm ngồi kể chuyện nhớ đất liền, nhớ quê hương.

Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt sạm đen vì nắng gió, mỗi lần nói về biển, về Trường Sa, nước mắt ông cứ trực trào ra. Bởi với ông biển đảo rất đỗi thiêng liêng, không thể diễn tả bằng lời. Bằng chất giọng trầm ấm, ông kể: “Những ngày đầu ra Trường Sa, anh em chúng tôi cũng bỡ ngỡ, khó khăn thiếu thốn đủ thứ, áo quần không đủ mặc, nước không đủ dùng, chỉ cần uống nước một lần cho đã khát thì cũng là xa xỉ lắm, chứ đừng nói đến chuyện tắm gội. Mỗi lần có một trận mưa là nhảy nhót giống như những đứa trẻ hai, ba tuổi. Miệng lúc nào cũng lẩm nhẩm mưa đi, mưa đi”. Nói tới đây, ông Xuất cười hiền, ánh mắt xa xăm hướng về phía biển như tìm về ký ức của những năm tháng không bao giờ quên ấy. Dù khó khăn là vậy, nhưng ông cùng các đồng đội vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm tháng đi qua, cái gì có thể quên nhưng có những điều cứ hằn sâu trong ký ức người lính già. “Tháng 9 năm 1986 bão cấp 7 cấp 8, trên đảo có một đồng chí tên Lệnh bị đau bụng, mãi sau này tôi mới biết đó là đau ruột thừa. Cái đau khủng khiếp lắm! Rất may là có một chuyến tàu qua Trường Sa Đông. Tôi là người trực tiếp đưa đồng chí đó lên thuyền vào đất liền chữa trị. Hồi đó, chúng tôi phải ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, để tàu lớn kéo dây, sóng biển dữ dội lắm! 2 giờ chiều thì tới đất liền, nhưng lúc đó anh Lệnh không còn nói được nữa. Tôi nghĩ lúc đó anh ấy không thể sống được. Khi quay trở lại đảo, tôi luôn bị ám ảnh vì ý nghĩ rằng mình không cứu được đồng đội. Nhưng may mắn sau 17 năm, tôi đã tìm gặp được anh ấy. Anh Lệnh hiện còn sống nhưng bị tật nguyền”.- giọng ông Xuất trùng xuống.

Cây bàng vuông của chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải tặng ông Xuất

Trong cuộc đời lính của mình, ông Xuất cũng không bao giờ quên được một người cán bộ giản dị và gần gũi như Đô Đốc Giáp Văn Cương. Hồi đó, ông không biết Giáp Văn Cương là ai? Mãi sau này ông mới biết đó là vị Tư lệnh đã góp công lớn trong công cuộc xây dựng và giữ gìn biển đảo. “Tìm được một người như vậy, khó lắm! Tôi cũng chỉ tình cờ được gặp, và sau này không có cơ hội nữa, nhưng ông ấy thật gần gũi và đáng khâm phục. Tôi nhớ mãi câu nói của ông “chúng tôi sẽ không bao giờ quên các anh”, câu nói ấy càng tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi sống và xây dựng bảo vệ biển đảo quê hương”.

Mọi gian khổ bủa vây, nhưng vì tình yêu biển đảo, yêu tổ quốc, những người lính như ông Xuất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về đất liền. “Nếu một ngày vị mặn của biển không còn dính trên môi, chắc là tôi không sống nổi” - ông chia sẻ.

Năm 1987, sau khi rời lữ đoàn 146, ông Xuất trở về đất liền bắt đầu cuộc sống mới. Ông vào Bình Thuận, Bình Định, rồi Đà Nẵng xin việc, nhưng đều không được nhận. Khi đó, để nuôi sống bản thân, ông làm đủ nghề nhờ lao động chân tay từ khai thác đất đến dọn vệ sinh. Một ngày làm trung bình 20 tiếng, nhưng tiền không để để bao nhiêu.

Cơ sở xưởng sản xuất mỹ nghệ Xuất Ánh

Từ năm 1988, ông lập gia đình, vợ chồng chắt chiu trong 3 năm cũng được chút ít. Với số vốn ít ỏi, biết được nhu cầu khách hàng thích mua những sản phẩm từ đá, ông quyết định đi học nghề điêu khắc. Mới đầu, ông làm ra sản phẩm đem bán cho các nhà chủ, năm 1999, với sự động viên, góp sức của vợ, ông mạnh dạn tự mở cho mình một Xưởng sản xuất kinh doanh Đá mỹ nghệ điêu khắc rộng hơn 5.000m2 trên đường Huyền Trân Công Chúa, (thành phố Đà Nẵng). Khách hàng đến đây rất đông, đặc biệt là du khách nước ngoài, họ rất thích những sản phẩm do ông làm ra, từ những chiếc vòng đeo tay nhỏ xíu cho đến những pho tượng phật trị giá hàng trăm triệu đồng. Đến năm 2008, ông mua thêm mảnh đất khoảng 7.000 m2 ở đường Trường Sa, Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng để xây dựng cơ sở thứ hai, với tên gọi Xưởng sản xuất kinh doanh Đá Mỹ nghệ Xuất Ánh.

Trải qua những năm tháng khó khăn, ông Trần Văn Xuất nay đã là một doanh nhân thành đạt. Ông có trong tay số vốn cả trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 công nhân lao động.

Thành đạt, nhưng ông Xuất không nguôi nỗi nhớ đồng đội, nhớ biển đảo. Ông luôn tự hào mình là người lính Trường Sa, đã góp một phần nhỏ bé công sức xây dựng quần đảo yêu thương của Tổ quốc. Từ nhà ra biển khoảng hơn 1 cây số, ngày nào ông cũng 2 lần ra biển để hàn huyên với những người bạn chài. Đó cũng là một thú vui, nhưng quan trọng hơn là để ông được nhớ lại giai đoạn huy hoàng mà mình đã trải qua.

Cột mốc mô phỏng cột mốc chủ quyền trên huyện đảo Trường Sa

Nỗi nhớ những năm tháng quân ngũ và tình yêu với biển đảo Trường Sa luôn day dứt trong lòng. Ông Xuất đã tự xây dựng một cột mốc mô phỏng cột mốc trên đảo Trường Sa Đông tại cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Xuất Ánh của mình. “Tôi xây cột mốc này để vơi đi nỗi nhớ Trường Sa, và quan trọng hơn tôi muốn tuyên truyền tới mọi người, đặc biệt là lớp trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Ông Xuất ước mong một ngày nào đó, được mặc quân phục của người lính Hải Quân, trở lại quần đảo Trường Sa để chiêm ngưỡng, thấy được những đổi thay ở nơi mình đã từng gắn bó một phần máu thịt./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/nguoi-viet/chuyen-ve-nguoi-cuu-linh-dao-truong-sa/274310.vov