Chuyện về những cây gỗ sưa được định giá siêu khủng

Ở nước ta, có nhiều cây gỗ sưa cổ thụ được trả giá hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ. Có những gốc sưa đã mục nát cũng được trả giá siêu khủng.

Cây sưa 200 tuổi được rao bán hơn 20 tỷ

Theo báo Kiến thức, Đình Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992. Trong khuôn viên đình làng Đông Cốc hiện có cây sưa 400 tuổi nằm ngay sân đình và cây sưa 200 tuổi nằm ở cổng đình. Trong khi cây sưa 400 tuổi vẫn xanh tốt, phát triển khỏe mạnh thì cây sưa 200 tuổi có dấu hiệu bị chết cành, lá héo úa.

Cây sưa đỏ 200 tuổi có người hỏi mua với giá 49 tỷ. Ảnh: Báo Kiến thức

Từ năm 2013, một sự việc lạ lùng khi người dân trong làng rao bán cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh này với giá 50 tỷ đồng. Khi đó, các bô lão trong làng có đề xuất việc bán cây sưa trên để trùng tu lại đình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi… Sự việc này sau đó cũng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều bởi đình Đông Cốc là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong các khu vực bảo vệ của di tích, trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ.

Sự việc tưởng như dừng lại thì mới đây, việc chính quyền xã Hà Mãn bán đấu giá cây sưa 200 tuổi với giá 24,5 tỷ lại khiến người dân địa phương bức xúc phản đối.

Tại cuộc họp ngày 8/8/2016 được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Đông Cốc về vấn đề này, ngay khi trưởng thôn Đông Cốc thông báo biên bản bán đấu giá cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng, các cụ cao tuổi trong làng đã nêu ý kiến không đồng ý việc bán cây sưa. Trong biên bản cuộc họp, đáng chú ý là ý kiến ông Nguyễn Văn Cử, người dân thôn Đông Cốc: “Cây sưa ở đình Đông Cốc đã có nhiều người trả với giá 49 tỷ. Khi đó người dân đòi bán để xây dựng nông thôn mới, trùng tu lại đình mà không đồng ý bán. Nay lại bán cây với giá 24,5 tỷ là quá rẻ”.

“Cây sưa này các cụ và dân làng, cán bộ địa phương đã giao cho BQL di tích trông nom ngày đêm. Khi bán đấu giá, chính quyền lại không có ý kiến gì với nhân dân địa phương”, ông Hận, người dân địa phương nêu ý kiến.

Đặc biệt, ngày 7/12/2016, UBND xã Hà Mãn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa 200 tuổi tại Đình làng Đông Cốc để giao người trúng đấu giá. Khi hội nghị vừa bắt đàu làm việc, giới thiệu địa biểu, thành phần hội nghị thì xuất hiện một số đối tượng gây rối, ẩu đả dẫn đến xô xát, gây mất an ninh trật tự, vì vậy hội nghị đã phải tạm hoãn.

Cả làng ngày đêm canh 2 gốc sưa triệu đô

Báo Người lao động đưa tin, đối với người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, 2 gốc cây sưa hàng trăm năm tuổi trong đền Đức Thánh Nhì như cội rễ văn hóa, biểu tượng tâm linh. Vì thế, dù đã nhiều lần bị kẻ xấu dọa chặt trộm nhưng nhờ sự quyết tâm bảo vệ của người dân mà 2 cây sưa vẫn bình an đến tận bây giờ.

Hai cây sưa cao hàng chục mét và đường kính hơn 1 m, phải 2-3 người ôm mới xuể, được bao bọc bằng những thanh sắt quanh thân cây rất chắc chắn nhưng hiện đã chết khô một nửa vì... quá già. Người dân ở đây cho biết cách đây nhiều năm, giá gỗ sưa tăng chóng mặt, người ta ví gỗ sưa giá trị ngang vàng ròng. Năm 2010, khi một số cành sưa gãy đổ vì mưa bão, các cụ già trong thôn họp bàn với dân làng khai thác thêm phần cành sưa già cỗi bán đấu giá lấy tiền sửa đình, chùa, nghĩa trang trong thôn và một số công trình phúc lợi khác.

Một trong hai cây sưa trong đền Đức Thánh Nhì. Ảnh: Báo Người lao động

Ông Vũ Văn Xuyện (56 tuổi), phó trưởng thôn, cho hay sau khi làm đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã và thông báo rộng rãi trong thời gian 1 tháng để bán đấu giá. Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn T. (ngụ tỉnh Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng.

Sau vụ việc bán gỗ sưa với giá trị lớn đó, người lạ mặt liên tục tìm đến thôn Phụ Chính, có đại gia buôn gỗ khét tiếng và cả những kẻ xăm trổ kín người rồi “sưa tặc” từ khắp nơi kéo về, đêm ngày phục kích, chờ dân làng sơ hở để ra tay.

Mấy năm trước, trong một cơn bão, lợi dụng nửa đêm, lúc mưa to gió lớn, “sưa tặc” đã cắt cửa khóa cổng vào đền và chặt 2 nhánh ở cây sưa lớn. Ngọn sưa bị cưa cụt lủn, dưới gốc chỉ còn mấy khúc gỗ nhỏ sót lại.

Sau đó, người dân họp lại, thành lập ban bảo vệ 2 gốc sưa. Người dân thay phiên nhau trông giữ ngày đêm, bất kể nắng hay mưa. Rồi hàng rào bằng bê-tông cũng được dỡ bỏ, thay vào đó là những thanh sắt hình lồng bao bọc quanh gốc sưa hệt như những chiếc áo giáp khổng lồ.

Sưa đỏ trăm tỷ bị đốn hạ ở Quảng Bình

Thông tin đăng tải trên báo Dân trí, một cây sưa đỏ có đường kính khoảng 2m, cao hơn 20m, giá trị hàng trăm tỉ đồng bị nhóm lâm tặc đốn hạ ở khu vực Hin Nậm Nô (Lào) giáp biên giới huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Một trong những cây sưa lớn tại Quảng Bình từng bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Báo Dân trí

Theo giới đầu nậu, sau khi phát hiện cây sưa đỏ trên, một nhóm lâm tặc ở huyện Bố Trạch đã huy động hàng chục người mang theo cưa máy, mìn vượt qua biên giới để đốn hạ cây sưa có giá trị hàng trăm tỉ đồng này.

Cũng theo nguồn tin này cho hay, cây sưa đỏ trên đã được lâm tặc cưa xẻ xong và đang chờ cơ hội để tẩu tán về xuôi.

Gốc sưa khủng dưới ngầm đá ở Quảng Bình

Thông tin đăng tải trên Trí thức trẻ, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, gốc sưa khủng được trục vớt tại ngầm Troóc, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) có trọng lượng 2.140kg tương đương 2,140 m3. Sau khi làm sạch và khô, gốc gỗ chỉ còn nặng 1,5 tấn. Tính theo giá thị trường 12 triệu đồng/1kg, gốc gỗ sưa này có giá khoảng 17 tỷ đồng.

Gốc sưa "khủng" tại cơ quan chức năng. Ảnh: Trí thức trẻ

Sau khi tiến hành thẩm định, các cơ quan chức năng kết luận gốc gỗ được vớt tại ngầm Troóc là gỗ sưa hay còn gọi là gỗ huê, loại huê mộc vàng (nhóm 1), cực kỳ quý hiếm.

Từ khi phát hiện gốc gỗ sưa này, đã có rất nhiều đầu nậu gỗ muốn đến thu mua. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn hoài nghi về giá trị thực của nó bởi gốc gỗ này đã bị ngâm lâu dưới nước nên chất lượng gỗ sẽ không được tốt như những cây sưa khác.

Mạnh Long (T/h)

Nên đọc

Mạnh Long

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chuyen-ve-nhung-cay-go-sua-duoc-dinh-gia-sieu-khung-d110857.html