Chuyện về những cô giáo quên mình cứu học sinh trong cơn lũ dữ

GD&TĐ - Mỗi người mỗi cảnh, mỗi cuộc đời, nhưng tất cả đều nếm trải đủ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, nếm trải hết những nỗi nhọc nhằn, thiệt thòi trong công việc của một người giáo viên mầm non.

Bước vào nghề giáo viên mầm non với vốn liếng lớn nhất là tình yêu thương trẻ thơ. Bao năm gắn bó với nghề, họ đều dành tình yêu cho học trò vô điều kiện, mặc dù không chút máu mủ, ruột thịt. Tình yêu đó lớn đến nỗi, họ không chút chần chừ quên đi mạng sống của mình để bảo vệ sự bình an cho các em học trò trước gian nguy.

Trắng tay sau cơn lũ dữ

Câu chuyện về những cô giáo mầm non sẵn sàng nhận cái chết về mình để bảo vệ, đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh trong cơn lũ đã dẫn lối chúng tôi về với Trường MG An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Cơn lũ ác nghiệt ngày đó đã qua, nhưng hậu quả của nó để lại với ngôi trường và các cô giáo, học sinh vẫn còn dai dẳng. Toàn bộ thiết bị, đồ dùng, phương tiện dạy học của cô trò đều bị nước lũ phá hỏng. Mọi trang thiết bị phục vụ dạy học của cô trò trong những ngày sau lũ phải trông chờ vào sự trợ giúp từ những tấm lòng hảo tâm, sự hỗ trợ từ các đơn vị, cá nhân.

Trở lại dạy học với những trang giáo án, những bài giảng vẫn còn lấm lem bùn đất… nhưng các lớp học như diễn ra ấm áp nghĩa tình cô trò hơn. Cơn lũ đi qua cũng khiến cho gia đình nhiều em học sinh và giáo viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất trăm bề. Tình cảnh đó, đặt giáo dục nhà trường trước một thách thức lớn là làm thế nào để tất cả các em học sinh đều trở lại trường học bình thường, giáo viên yên tâm đứng lớp giảng dạy và tuyệt đối không để phụ huynh học sinh nào vì hoàn cảnh gia đình nguy khó mà buông xuôi, bỏ lỡ cơ hội học tập, rèn luyện của các em.

Nói như lời tâm sự của cô giáo Võ Thị Thu Sương – Hiệu trưởng Trường MG An Hiệp, đó là một câu hỏi lớn không dễ trả lời, một thách thức lớn không dễ vượt qua nếu không có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, không có sự đồng lòng, đồng sức hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, đồng bào cả nước và đó còn là sự chung sức, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chính những hơi ấm mang nặng nghĩa tình ấy đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để cô trò nơi vùng lũ nghèo khó này vươn lên.

Tài sản tích góp trong hơn 24 năm dạy học và đi làm thợ hồ của vợ chồng cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng (43 tuổi) – giáo viên Trường MG An Hiệp chỉ là ngôi nhà cấp 4 lợp tôn được xây cất trên nền đất vườn ông bà để lại. Ngôi nhà chỉ cách Trường MG An Hiệp chừng 100m. Cơn lũ bất ngờ quét qua nhấn chìm, cuốn trôi hết mọi tài sản trong nhà. Cô ứa nước mắt, đau xót vì chỉ biết đứng nhìn nước lũ ngang ngược tàn phá nhà cửa, phá hoại tài sản gia đình.

Bởi lương tâm, trách nhiệm của một người giáo viên không cho chép cô bỏ rơi học trò, đồng nghiệp trong mưa lũ để vì lợi ích cá nhân, riêng tư. Chúng tôi đến thăm gia đình khi hai vợ chồng cô đang nhặt nhạnh những vật dụng còn sót lại sau lũ. Giọng cô buồn buồn: “Nhà cửa bây giờ chỉ còn cái xác không. Đồ đạc xem sửa chữa được cái nào thì dùng tạm cái đó, chứ cũng biết lấy tiền bạc đâu mà sắm lại”.

Lật từng quyển sách, tập vở bê bết bùn đất của 2 người con, cô ứa nước mắt: “Hôm nước lũ đổ về, may mà 2 cháu còn ở trên trường, không thì… không biết chuyện gì xảy ra nữa! Mấy hôm nay, thấy sách vở ngập hết trong bùn đất, 2 cháu buồn khóc miết. Thấy vậy, vợ chồng tui tủi thân cũng bật khóc theo”.

Một lòng “sống chết với nghề”!

Nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Hòa (47 tuổi) - Phó Hiệu trưởng Trường MG An Hiệp, nhiều giáo viên trong trường bảo rằng, so với cuộc sống các chị em cô giáo thì gia đình cô Hòa ổn định hơn cả. Nói điều đó bởi có lẽ ai cũng nghĩ rằng, ngoài tiền lương của một cô giáo mầm non, gia đình cô còn có thêm nhiều khoản thu nhập khác từ công việc làm cán bộ mặt trận thôn của chồng cô. Ấy vậy mà khi đến thăm cuộc sống gia đình cô, chúng tôi không khỏi xúc động trước cuộc sống hết sức bình dị của vợ chồng và 2 người con đang tuổi ăn học.

Cuộc sống gia đình vợ chồng cô gần như phụ thuộc vào đồng lương giáo viên mầm non. Nhiều lúc để có tiền học cho 2 con, vợ chồng cô phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn khắp nơi. Những khó khăn, lo toan cuộc sống đó ít khi được cô tâm sự, hay giãi bày cùng bạn bè, đồng nghiệp, nên cứ thấy cô lúc nào cũng tươi cười, niềm nở, ai cũng bảo cuộc sống gia đình an nhàn, đủ đầy. “Khi còn là một nữ sinh, tôi luôn ấn tượng bởi hình ảnh một cô giáo mầm non hiền hòa trẻ trung, được các em nhỏ vây quanh, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Chính vì điều đó mà tôi ao ước sau này được trở thành một giáo viên mầm non. Bởi vậy, bao năm gắn bó với công việc, tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào, yêu quý nghề nghiệp của mình, ngay cả khi đồng lương rất ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Thật khó khăn để cô giáo Võ Thị Thu Sương – Hiệu trưởng Trường MG An Hiệp - chia sẻ nỗi niềm cuộc sống gia đình mình. Bởi gần 1 năm qua, từ khi chuyển về làm công tác quản lý, điều hành nhà trường, mọi người chỉ thân quen với hình ảnh một nữ Hiệu trưởng hết lòng nhiệt tâm với công việc, đi sớm về khuya lo cho công việc chung của nhà trường, mà ít ai thấu hiểu được những nỗi niềm cuộc sống riêng với bao khó khăn, thử thách.

Cũng chính vì những vất vả trong cuộc sống đời thường mà cô đành tạm gác tình cảm riêng tư, để chăm lo bố mẹ và nuôi các em ăn học. Đến khi lấy chồng, tưởng cuộc sống sẽ đỡ nhọc nhằn hơn, nhưng không lâu sau, chồng cô bị bệnh nên sức khỏe giảm sút, một mình cô phải cáng đáng chuyện gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng 2 đứa con nhỏ ăn học. Thương cô một mình sớm tối, vừa lo công việc trường, lớp, vừa lo toan cuộc sống gia đình, chồng cô cũng gượng dậy làm đủ nghề từ bán buôn cà phê, nước mía, đến bán dạo kẹo kéo… nhưng ít hôm lại lăn ra ốm đau. Có lẽ những năm khó khăn nhất trong đời cô là những năm tháng mới bước vào nghề.

Nhắc đến những người giáo viên Trường MG An Hiệp, cũng đồng thời nhắc đến tấm lòng, đức hy sinh, sự tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của người giáo viên nhân dân. Thế nhưng, sự tận tâm cống hiến của những giáo viên Trường MG An Hiệp không chỉ được viết nên bởi tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, mà còn không ngần ngại dâng hiến cả mạng sống của mình để bảo vệ cuộc sống, sự bình an cho các em học sinh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-ve-nhung-co-giao-quen-minh-cuu-hoc-sinh-trong-con-lu-du-2793102-b.html