Chuyện vợ Việt-chồng Tây: Nàng dâu Việt khẳng định bản thân bên xứ người

Từ bỡ ngỡ về văn hóa, lối sống, hạn chế về ngôn ngữ, nhưng chị Phương Thy đã nỗ lực khẳng định mình để có một sự nghiệp riêng trong môi trường khắc nghiệt nơi xứ người.

Nỗ lực từ 2 bàn tay trắng

Có lẽ, người phụ nữ Việt khi lấy chồng ngoại quốc ai cũng nghĩ “chuột sa chĩnh gạo”. Nhưng vẫn có những phụ nữ phải đi lên từ hai bàn tay trắng.

Nhìn vào cuộc sống hiện tại của chị Phương Thy (39 tuổi, cao 1m42), ít người nghĩ rằng chị đã từng trải qua quãng thời gian khó khăn vất vả khi lấy chồng Tây. Chị đã làm bồi bàn, phục vụ, nhân viên làm bánh, làm nail.. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian giúp chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vốn sống để khởi nghiệp trên đất Mỹ.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Phương Thy kể, 17 năm trước, chị được chính mẹ đẻ mai mối với anh Robert Hart, người Mỹ. Mẹ Phương Thy là một thông dịch viên, giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, vì thế bà muốn con gái mình nâng cao trình độ ngoại ngữ, hơn nữa là để có người nói chuyện, làm bạn.

Thời đó, Thy nhút nhát, nhưng nhờ những lời động viên của Robert Hart mà Thy mạnh dạn hơn và nói được tiếng Anh tốt hơn. Cứ thế, hai người có một tình cảm đặc biệt với nhau.

Quyết định theo anh Robert Hart về xứ cờ hoa.

Quyết định theo anh Robert Hart về xứ cờ hoa.

Chị theo anh Robert Hart về Mỹ với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu sống xa gia đình, chị rất buồn, nhớ nhà. Rồi chị Thy quyết định đi làm và nhờ có sự giúp đỡ của mẹ chồng, chị được vào làm tại một công ty địa ốc rất lớn ở Oklahoma nơi mẹ chồng chị làm phó giám đốc.

Chị được phân công làm trợ lý một khu chung cư gồm 156 hộ, tên Bright Place Apartment. Khi đó, chị vừa làm, vừa học nghề, học tiếng Anh. Sau đó, khi thông thạo hơn, chị được giao quản lý thêm sổ sách.

Điều này với chị Thy cũng không quá khó khăn, vì trước đây chị đã từng học đại học kinh tế ở Việt Nam. Không chỉ làm việc ở công ty, để có thêm thu nhập chị Thy làm thêm chả giò bán cho bạn bè.

Chị Phương Thy không ngần ngại làm đủ thứ nghề.

Những tưởng mọi thứ sẽ xuôi chèo mát mái. Nhưng bỗng một ngày chị nhận được quyết định không được làm việc dưới quyền mẹ chồng. “Khi đó mẹ chồng tôi đang làm quản lý của tôi. Tinh thần tôi lại bắt đầu suy sụp, mất việc làm thì lấy đâu tiền để trả tiền nhà và xe mới mua? Lương chồng cũng không thể nào đủ được. Tôi nghĩ mình không thể bỏ cuộc như vậy.

Tôi lại mải miết nộp đơn xin việc khắp nơi. Thật may mắn tôi được nhận vào làm quản lý của một chung cư khác với 220 căn hộ, đây là khu chung cư cho thuê chứ không bán. Tôi được kiêm luôn nhiệm vụ đi đòi nợ”, chị Thy kể.

Hạnh phúc do chính mình tạo ra

Nhanh nhẹn, chăm chỉ làm được việc nên chị Thy đã được cấp trên tín nhiệm giao cho một khối lượng công việc rất lớn. Cũng nhờ có công việc này mà chị Thy quen được với các chủ chung cư, nhà đất và những cán bộ Nhà nước, nơi xét duyệt những hồ sơ trợ cấp cho người có thu nhập thấp...

Vậy là chị xin nghỉ việc và mạnh dạn nộp đơn vào cơ quan Nhà nước Oklahoma City Housing Authority, nơi xét duyệt trợ cấp, giúp tiền nhà và nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên, lính, giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành, những người sa ngã, cai nghiện... Để được vào làm tại cơ quan này, chị Thy đã phải vượt qua rất nhiều người có kinh nghiệm lâu năm, có bằng đại học ở Mỹ.

Chị Thy tâm sự, trong khoảng thời gian chờ đợi công việc ở Oklahoma City Housing Authority, chị cũng không chịu để bản thân ngơi nghỉ mà kiếm việc làm thêm. Chị làm tất cả những việc gì có thể kiếm ra tiền như làm móng tay móng chân, bồi bàn, bán hàng...

“Ông trời không phụ lòng người, tôi đã được gọi đi làm cho Nhà nước. Ở đó, tôi luôn cố gắng khẳng định bản thân mình. Tôi không ngại những việc khó sếp giao, nếu không biết tôi sẽ có tinh thần cầu thị chịu khó học hỏi nên mọi thứ đều hoàn thành, hiện giờ tôi quản lý hơn 600 hồ sơ và làm thêm bất cứ việc gì sếp giao”, Phương Thy nói.

Chị Phương Thy đã khẳng định được bản thân mình.

Làm Nhà nước, lương cao, ổn định hơn nhưng Phương Thy vẫn không dừng lại. Ngày chị hoàn thành công việc được giao, buổi tối lại chạy bàn cho một cửa hàng người Việt từ 17h30 tới 21h, nhận tiền boa mỗi tối khoảng 70-100 đôla.

Chị Phương Thy chia sẻ: “Quả thực, tôi đi làm tối ngày không có thời gian chăm sóc cho gia đình, nhưng được gia đình nhà chồng thông cảm. Thậm chí, chồng còn khuyên tôi nên nghỉ ngơi buổi tối nhưng tôi không thích cuộc sống an nhàn. Bất cứ thứ gì cũng phải trải qua khó khăn, thử thách mới có được”.

Hiện giờ, Phương Thy, đã có công việc ổn định, chỗ đứng trong xã hội nhưng chị vẫn không ngừng học hỏi và tiếp tục phát huy khả năng của mình. Thế nhưng, chồng chị không muốn vợ vất vả, làm nhiều việc, anh chỉ muốn dành thời gian đưa vợ con đi du lịch.

Gia đình hạnh phúc của chị Phương Thy.

Chị Phương Thy bảo với chúng tôi, khi sang Mỹ với hai bàn tay trắng, có một câu nói khiến chị tâm đắc và đó cũng là chí hướng cho cuộc sống của chị: “Bạn làm ra bao nhiêu tiền không quan trọng, quan trọng là bạn có biết cách giữ gìn và tận dụng nó đúng chỗ, vào nhiều việc có ý nghĩa hay không thì tiền nó mới tồn tại và phát sinh thêm được”.

Cùng câu nói ấy, chị đã thành công và tự khẳng định bản thân mình bên xứ người.

Mai Hằng

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nang-dau-viet-hat-tieu-khang-dinh-ban-than-ben-xu-nguoi-a339065.html