Chuyện xưa dây dưa đến chuyện nay

Ngay trước chuyến thăm Đức đầu tiên của Thủ tướng Hy Lạp Georgios Papandreou, quan hệ giữa hai nước lại đang căng thẳng. Hy Lạp đang cần sự hậu thuẫn của EU để thoát khỏi thảm cảnh tài chính hiện tại. Chuyện xa xưa xảy ra giữa hai nước giờ đột nhiên được Athens nhắc lại trong bối cảnh ấy.

Trước tiên, Phó thủ tướng Theodoros Pangalos quả quyết Đức chưa bồi thường cho Hy Lạp về những thiệt hại mà phát xít Đức đã gây ra trong thế kỷ trước và chưa trả lại hơn 18 tấn vàng của Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp. Rồi đến đích thân Thủ tướng Papandreou cho rằng vấn đề bồi hoàn chưa được giải quyết xong. Cuối cùng, một số nghiệp đoàn ở Hy Lạp ra lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Đức. Berlin khẳng định việc bồi thường đã được giải quyết dứt điểm từ lâu, số vàng nói trên chưa hề lọt vào tay người Đức bởi người Anh đã lấy đi trước khi quân phát xít tràn vào Hy Lạp, và sau đó đã giao lại cho Athens. Đức cũng quan tâm tới khả năng người Hy Lạp tẩy chay hàng hóa nước này, nhưng chưa đến mức phải lo ngại vì đó mới chỉ là ý kiến của thiểu số. Chuyện chỉ có vậy. Song nó lại được Hy Lạp "thời sự hóa, chính trị hóa và nhạy cảm hóa" vì một lý do rất đơn giản: Đức là thành viên EU phê trách Hy Lạp nặng nề và trực diện nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại. Berlin cho rằng Athens phải tự gánh chịu hậu quả, rằng chính phủ yếu kém trong quản lý và sai lầm trong chính sách, rằng đã quen "vô tổ chức kỷ luật" nên không chịu đáp ứng những tiêu chí về ổn định bắt buộc đối với các thành viên tham gia sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone) nên EU không nên ra tay cứu Hy Lạp mà nên khai trừ nước này khỏi eurozone. Nói như vậy có khác gì vừa giáng vào thể diện và tự trọng của người Hy Lạp, lại vừa ngăn EU thả phao xuống cứu nước này khỏi chết đuối. Có phản ứng mạnh với Đức thì Hy Lạp mới cảnh báo EU đừng hưởng ứng theo đề xuất của Đức. Chuyện xa xưa được làm cho dây dưa đến nay vì chính giá trị thời sự ấy. La Phù

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201010/20100301004541.aspx