Chuyện 'yêu' của hổ trong vườn Thủ Lệ

Các chàng hổ đực có tính trăng hoa, còn các nàng hổ cái thì lại khá chung tình. Khi mỗi nàng hổ đến tuổi cập kê, chuẩn bị động dục, các cán bộ chăm sóc phải theo dõi thường xuyên, để phát hiện xem “cọc” thích “trâu nào”.

Tôi hỏi anh Nguyễn Khắc Thọ: “Với người công nhân chăm sóc hổ, vất vả nhất là thời điểm nào?”. Anh bảo: “Khổ nhất là lúc các nàng hổ động dục. Loài hổ ngủ rất ít, hầu như chẳng thấy chúng ngủ, nên trong những ngày đó, anh em gần như thay phiên nhau thức trắng để theo dõi quá trình hoạt động tình dục, cũng như sức khỏe của chúng”. Chuyện tình dục, "trai gái" của hổ có rất nhiều điều thú vị. Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm chăm hổ, ăn ngủ cùng hổ, là bà mối của hầu hết các "cuộc tình", rồi lại nuôi hổ con từ lúc trưởng thành đến khi chúng chết già, nên có thể nói, anh Thọ cũng như những anh em chăm nuôi hổ trong Vườn thú Hà Nội là những người có hiểu biết rất thực tế về chuyện tình dục, sinh sản của hổ. Công cuộc “tuyển chồng” cho một nàng hổ nhiều khi rất khó khăn, phải vất vả nhiều tháng trời may ra mới thành công. Để biết nàng hổ thích giai nào, các cán bộ, công nhân phải lần lượt đưa các chàng đến ở chuồng cạnh, để chúng quen hơi, bén rễ. Hai hổ ở cạnh nhau vài ngày, rồi lại tách ra. Nếu nàng hổ vẫn ăn uống, vui đùa, không có biểu hiện gì xảy ra, thì coi như nàng chẳng thích, còn nếu nàng hổ cứ ngẩn ngơ, lầm lì, thậm chí bỏ ăn, thì đích thị là nàng đang nhớ giai rồi. Khi cơn "nhớ giai" lên tới đỉnh điểm, thì các nàng đi tiểu ra một thứ nước trắng đục như nước vo gạo. Anh Thọ nói vui: “Có chăm hổ, mới hiểu thấu lòng chị em!”. Một điều đặc biệt, khi nào nàng hổ lên cơn động dục, thì y rằng chàng hổ mà nàng mến sẽ cảm thấy rất bức xúc, dù nàng và chàng nhốt cách nhau cả trăm mét, không nhìn rõ được mặt nhau. Biểu hiện bức xúc của chàng là bỏ ăn, cứ đi loại loanh quanh, thì thoảng lại “gậm một tiếng vang hờn trong cũi sắt”. Rõ thấy nhất là dương vật của chàng thòi hẳn ra ngoài như muốn tìm ngay chỗ xả bức xúc. Theo anh Thọ, có thể là do bản năng tự nhiên, sự thính nhạy của các giác quan, hoặc cũng có thể chúng trao đổi với nhau bằng một loại ngôn ngữ, tần sóng nào đó, mà chúng hiểu được nhau. Cái đó, chỉ có các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu mới hiểu được, chứ đám công nhân các anh thì chịu. Khi chàng và nàng lên cơn, các cán bộ, công nhân được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng và nghiêm trọng như thể sắp vào trận chiến đấu ngoài chiến trường. Chàng và nàng được đưa đến một thế giới riêng biệt bằng phương pháp thủ công hoàn toàn. Các công nhân dụ chàng và nàng vào lồng sắt, rồi túm lại khiêng chàng và nàng đến “phòng nghỉ”. Các loại máy móc gây tiếng ồn đều không được sử dụng. Mọi hành động đều phải nhẹ nhàng, thận trọng, kẻo chàng và nàng có thể bị strees bất cứ lúc nào. Nơi giao hoan của cặp tình nhân phải thật thoải mái và yên tĩnh, có đủ cả cây cao, cỏ dại, đá tảng, vũng nước, để chàng và nàng có cảm giác như đang thỏa sức giữa đại ngàn, để khỏi nhớ rừng đến mức tắt dục. Chàng hổ được thả vào với nàng. Chàng và nàng phì phò gạ gẫm nhau. Sau khi nàng dụi má, cọ mông vào bạn tình, thậm chí bắn một chút nước tiểu vào chàng, thì chàng đã không chịu nổi nữa rồi. Nàng vừa ngồi úp bụng xuống, chàng đã phi lên lưng, ngoạm vào gáy nàng, co chân và giao phối. Anh Thọ là người thường xuyên theo dõi các cuộc giao hoan của hổ và anh thống kê không sót lần nào mỗi khi chúng gần gũi nhau. Tổng cộng, mỗi ngày, 24 giờ, chúng quan hệ khoảng 30 lần! Tuy nhiên, để an toàn cho cả hổ cái và hổ đực, tránh việc chúng có mâu thuẫn, gây chiến, nên vài năm trở lại đây, mỗi ngày chỉ ghép hổ đực với hổ cái 4 tiếng, gồm sáng 2 tiếng, chiều 2 tiếng. Do thời gian ghép ngắn như thế, nên trong 2 tiếng chúng chỉ quan hệ được với nhau 5-7 lần. Mỗi đợt ghép đôi kéo dài 3 ngày. Chừng một tháng sau, chàng hổ lại được đưa đến. Nếu nàng có biểu hiện thích giao phối thì chứng tỏ chưa đậu thai, còn nàng gầm ghè đuổi bạn tình đi thì nàng đã có bầu. Với lòng kiên trì, tận tâm của các ông mối, bà mối, là các cán bộ, công nhân, hàng ngàn cuộc mây mưa của hổ đã diễn ra ở Vườn thú Hà Nội và kết quả đã có cả chục hổ con ra đời. Công cuộc chăm sóc hổ con từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành là một công trình nghệ thuật đầy sự vất vả và nghiêm túc. Kể từ khi hổ bị nhốt vào dãy chuồng tạm phục vụ cho việc xây dựng khu chuồng mới, việc nhân giống cũng phải tạm ngừng. Cứ vài tháng, các nàng hổ lại có biểu hiện động dục và các chàng hổ cũng bức xúc không kém. Khi bọn hổ đang bức xúc, mà có tiếng động lớn hoặc một tác động gì đó khác biệt, kể cả sự có mặt của người lạ, bản năng của chúng sẽ trỗi dậy, rất hung tợn. Chúng sẵn sàng cào cấu, cắn xé vào lưới thép, khiến chân tay trầy xước, thậm chí đập đầu vào các cột sắt. Người ta thường nghĩ, khi đàn thú xa rời môi trường tự nhiên, sống trong điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc của con người, nó sẽ bị thuần hóa. Tuy nhiên, với loài hổ thì hoàn toàn ngược lại. Càng bị nuôi nhốt trong điều kiện ngặt nghèo, chật chội, bản năng hoang dã của chúng trỗi dậy càng mạnh mẽ, càng dữ dằn, nguy hiểm hơn.

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/xa-hoi/chuyen-yeu-cua-ho-trong-vuon-thu-le/a78387.html