CLB Tràng An Ninh Bình: Trái đắng từ VĐV nhập tịch

Trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam, Ninh Bình là đơn vị đầu tiên thực hiện chiêu... nhập tịch VĐV ngoại để người đó được tính là cầu thủ nội Việt Nam tham gia đội hình.

Họ đã nhập tịch cho cựu phụ công Supachai (tên tiếng Việt là Đinh Hoàng Trai). Khi có cựu đội trưởng tuyển bóng chuyền nam Thái Lan tham gia (trong thời điểm bóng chuyền Việt Nam vẫn cho 1 VĐV ngoại được ra sân thi đấu), một điều khó tránh là đội hình nam Tràng An Ninh Bình thường có 2 tay đập ngoại binh. Vì vậy, ít nhiều đội bóng này lợi thế hơn CLB khác.

Sau một giai đoạn chùng xuống vì không có thành tích, giờ đây CLB Tràng An Ninh Bình lại khiến tất cả phải nhắc đến mình, bằng bản hợp đồng tiền tỉ cùng mức lương 7.000 USD/tháng đi kèm với rất nhiều tham vọng khi Kitsada Somkane chính thức trở thành công dân Việt Nam.

Kitsada hiện là chủ công hang đầu của bóng chuyền xứ Chùa Vàng, từng rất thành danh trong màu áo các CLB như Sanest Khánh Hòa, TĐDK Việt Nam, Thép Việt TP.HCM. Sau khi Liên đoàn Bóng chuyền ban bố lệnh cấm ngoại binh khoác áo các CLB, nhiều đội đã lách luật bằng việc nhập tịch cho VĐV nước ngoài. Thế là “nhân tố ngoại khoác mác nội” ào ạt được nhập tịch.

Tràng An Ninh Bình đã phải nếm trái đắng với ngoại binh tại vòng 2.

Nếu bóng đá đã có bài học lớn về trào lưu nhập tịch rồi “hối hận” vì chạy theo lợi nhuận, sau đó siết lại thì bóng chuyền giờ đang mở rộng trào lưu này và kết cục có thể sẽ như bóng đá từng trải qua. Thực tế, các ngoại binh của bóng chuyền lúc có quốc tịch Việt Nam thì họ chỉ xuất hiện theo thời vụ đúng lúc thi đấu giải VĐQG. Ngoài thời gian trên, gần như cầu thủ không có mặt trong đội hình tập luyện cùng mọi người. Thậm chí nhiều công dân gắn mác Việt Nam cũng không cần biết tiếng Việt là gì. Do vậy, thực tế nội bộ những CLB từng có cầu thủ nhập tích xảy ra không ít chuyện ganh tị giữa cầu thủ nội chính gốc với người nhập tịch góp mặt thi đấu ngắn hạn.

Tràng An Ninh Bình đã tiêu tốn rất nhiều tiền từ việc nhập tịch, chuyển nhượng cầu thủ, đội bóng này cũng sở hữu giám đốc kỹ thuật máu mặt là ông Trần Văn Thư nhưng thực tế kết quả đem lại là chưa cao. Một năm trung bình UBND tỉnh Ninh Bình phải chi ra tầm 20 tỉ đồng để nuôi đội bóng, đây là một con số đáng mơ ước của nhiều CLB hiện tại, nhưng kết cục thì đội bóng này lại phải nhận trái đắng khi để thua Maseco TP. Hồ Chí Minh với tỉ số 0-3 trước sự chứng kiến của ông phó chủ tịch UBND tỉnh.

Ở Việt Nam, cũng nhiều CLB có tiềm lực tài chính như VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương, Thông Tin LVPB, Sanest Khánh Hòa… cũng từng có thời gian đau đầu với chuyện ngoại binh rồi nhập tịch, nhưng sau khi cân nhắc thiệt hơn, đặc biệt là tính đến chiến lược tạo cơ hội cho những VĐV trẻ, lãnh đạo CLB đã dừng lại.

Xây dựng đội bóng trên nền tảng đào tạo trẻ bài bản, căn cơ và dựa vào tiềm năng VĐV bóng chuyền được khai thác ở khắp các vùng miền là kế sách hay, vì nó vừa giúp ổn định đội bóng vừa có thể coi như nguồn cung cấp VĐV cho bóng chuyền Việt Nam. Nhập quốc tịch cho VĐV ngoại suy cho cùng cũng chỉ là giải pháp tình thế, giúp đội bóng mạnh lên ở những thời điểm nhất định và tạm giải bài toán khát khao thành tích mà thôi, nhưng tính bền vững về lực lượng thì chưa chắc đã được duy trì. Đấy là chưa kể, cơ hội dành cho những tay đập trẻ đang lên (nếu có) trở nên hẹp hòi và dễ nảy sinh tư tưởng chán nản, buông xuôi.

Theo volleyball

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/bong-chuyen/clb-trang-an-ninh-binh-trai-dang-tu-vdv-nhap-tich-366-216750.html