Có áo gấm, sao phải đi đêm?

Gần đây, đời sống văn hóa xuất hiện những hiện tượng gây tranh luận. Chỗ này tác phẩm hay, được giải thưởng nhưng in rất ít, theo đó nhuận bút “rất bèo”. Chỗ kia, tác phẩm làng nhàng, nhuận bút lại bạc tỉ. Vấn đề đặt ra là, ở thời buổi cởi mở, thị trường như hiện nay, cớ sao người có áo gấm lại cứ phải đi đêm?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giao lưu cùng bạn đọc.

1. Xưa nay, người làm văn chương ở nước ta được mặc định là nghèo, sách in ra chủ yếu là để... tặng bạn bè, nhuận bút còn phải lĩnh bằng sách chứ nói gì đến việc bán được tiền ra tấm ra món. Vì thế, việc tác giả Nguyễn Huy Hoàng lần đầu tiên được in tập thơ dành cho thiếu nhi “Quà cho con”, lại được trả tác quyền tới 550 triệu để khai thác trong 5 năm đã thực sự khiến cho nhiều người trong văn giới bất ngờ, choáng váng.

Trong bối cảnh đa số các tác giả in sách sáng tác đều phải nhận tiền nhuận bút được trả bằng sách hoặc phải tự bỏ tiền ra in và phát hành sách của mình thì câu chuyện “tác quyền 500 triệu” với một tập thơ thiếu nhi là con số gây sốc với nhiều người cầm bút.

Cũng tương tự, cách đây 12 năm (năm 2004), bài thơ "Màu tím hoa sim" của cố nhà thơ Hữu Loan đã bất ngờ được Công ty điện tử Vitek VTB mua bản quyền với giá 100 triệu đồng đã trở thành một sự kiện được chú ý. Dù có nhiều lời đồn đoán rằng, sở dĩ Vitek VTB là bởi “muốn đánh bóng tên tuổi” nhưng nếu là một người sáng tác, chắc hẳn ai cũng mong có ngày được một doanh nghiệp nào đó dùng tác phẩm của mình để đánh bóng tên tuổi như đã làm với cố nhà thơ Hữu Loan thì hay biết mấy!

Cách đây vài năm, Công ty BHD đã mua bản quyền tiểu thuyết "Quyên" của nhà văn Nguyễn Văn Thọ với số tiền được tác giả tiết lộ là 10 ngàn USD để chuyển thể thành bộ phim truyện nhựa cùng tên. Cùng với hiệu ứng tích cực từ bộ phim, tiểu thuyết "Quyên" đã được tái bản tới lần thứ 6 với số lượng phát hành đã lên tới vài chục ngàn bản, được nhiều độc giả trong nước tìm đọc và có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

"Quyên" từng được giải thưởng trong một cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức và được đánh giá là một tiểu thuyết "đáng đọc", nhưng phải đến khi nó được chuyển thể thành phim, được nhà làm phim tổ chức truyền thông một cách rầm rộ, chuyên nghiệp, hiệu quả (từ khi bắt đầu có hoạt động mua bản quyền tiểu thuyết để chuyển thể thành kịch bản), thì "Quyên" mới thực sự có được bước đột phá mạnh mẽ.

Cho đến nay, "Quyên" thực sự là một hiện tượng lạ, hiếm có đối với làng xuất bản Việt Nam với số lượng phát hành cao kỷ lục đối với một tiểu thuyết: trên 60 ngàn bản.

Đặc biệt, nó được sự đón nhận khá nồng nhiệt của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Và để có được điều này, không thể phủ nhận chính nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có những nỗ lực tuyệt vời trong việc quảng bá tác phẩm của mình trong những chuyến qua lại giữa Việt Nam và Đức của anh.

Trong các cuộc "trà dư tửu hậu", vẫn nghe nhiều nhà văn than thở về cuốn này cuốn kia, tác phẩm này tác phẩm kia hay lắm, còn được giải thưởng của hội này hội nọ. Nhưng khi hỏi đến lượng phát hành thì buồn hẳn: thường chỉ quanh quẩn 1.000 cuốn. Có vẻ như đến nay đa số nhà văn vẫn chưa quen với việc tự PR, quảng bá tác phẩm của mình. Cũng ít ai có chủ định xây dựng hình ảnh bản thân để hậu thuẫn cho việc bán tác phẩm.

Trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “xuống phố” tươi cười bắt tay, chào hỏi độc giả, khéo léo trả lời những câu hỏi của độc giả tuổi mới lớn có thể coi là cực hiếm.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương có lần tâm sự rằng, nhà văn thời nay nổi tiếng được khó hơn xưa nhiều. Hồi xưa, một cuốn sách ra đời dễ trở thành sự kiện được chờ đợi, nhưng nay nó bị chìm trong sự bão hòa của các kênh thông tin nên để người ta chú ý đến một cuốn sách mới nào đó là rất khó. Và với chính những tác phẩm được đánh giá cao về sự cách tân, đổi mới trong bút pháp, đề tài của nhà văn Nguyễn Bình Phương vì lý do nào đó cũng không phải là những cuốn sách thành công về mặt thị trường.

2. Kinh doanh sách cũng là một nghề và sách là sản phẩm hàng hóa đặc biệt nhưng nó vẫn tuân theo quy luật hàng hóa, có sự đào thải của thị trường. Tỉ dụ gần đây nhất, cuốn hồi ký “Thương Tín - Một đời giông bão” bị nhiều độc giả cho rằng là một cuốn “sách nhảm”, sự dung tục, phản cảm trong nhiều trang sách đã khiến ông hoàng màn bạc một thời có tên Thương Tín sụp đổ trong lòng độc giả.

Vì thế, cho dù cuốn sách được PR khá tốt từ khi còn ở dạng bản thảo nhưng đến bây giờ hầu như chẳng ai còn quan tâm hay nói về cuốn sách ấy nữa. Và việc này rõ ràng không mất nhiều thời gian, không cần đến cơ quan chức năng phải thu hồi như nhiều kiến nghị.

Quay lại với hiện tượng "Quà cho con"- cuốn sách đang bị coi là dở mà lại bán được bản quyền giá cao. Nhìn qua thì tưởng đó là một nghịch lý, song có thể thấy "Quà cho con" sở dĩ nổi được là có lý do của nó.

Một cuốn sách chưa biết hay dở đến đâu nhưng vẫn khiến người ta từ chú ý đến tò mò mua về xem, thì rõ ràng là người ta đã làm khá tốt việc kinh doanh của mình rồi. Còn việc có tiếp nhận nó hay không, ứng dụng nó đến đâu, đó là việc của mỗi độc giả.

Đọc một cuốn thơ chưa hay dạy kỹ năng sống với hàng trăm minh họa do các họa sĩ Việt Nam vẽ rất sinh động chắc hẳn vẫn tốt hơn việc để con cái chúng ta chúi vào màn hình điện thoại, Ipad, máy tính để chơi game... trong suốt mùa hè.

Vì thế, dù Tân Việt đầu tư “thương vụ” này với động cơ gì, chắc chắn họ không bỏ 550 triệu ra để... mua danh, mà chắc chắn là họ nhìn ra được “điểm lạ” của cuốn sách để kinh doanh kiếm lời. Làng xuất bản là nơi kiếm lời không hề dễ, vì thế nhà sách Tân Việt hẳn đã thấy ý tưởng có thể khai thác triệt để của “Quà cho con”. Các nhà văn khác cũng vậy, nếu có sản phẩm mới, sản phẩm tốt thì phải quảng cáo, PR, hà cớ gì có “áo gấm” lại phải “đi đêm”.

Sự thật thì nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt ở TP HCM cũng là tác giả có những tập thơ bán bản quyền cao ngất ngưởng. Chỉ có điều, anh không công khai trước giới truyền thông. Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là nhà văn bạc tỉ, điều đó đã được thực chứng.

Nguyệt Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/co-ao-gam-sao-phai-di-dem/105638