Cô bé 12 tuổi nuôi cả gia đình 7 miệng ăn

Một cô bé nông thôn vừa học, vừa nuôi bố mẹ không còn khả năng lao động, 4 đứa em nheo nhóc - hy vọng đây sẽ là tấm gương để các cô, cậu học trò "tiểu thư", "công tử" thành phố tự soi mình. Chuyện cảm động về một em học lớp 7 chèo chống cả một gia đình bất hạnh có lẽ là dấu lặng đáng để cho tất cả chúng ta trân trọng và suy nghĩ.

1. Chúng tôi đến tìm em Nguyễn Thị Hương ở Trường THCS Nguyễn Thị Định, Thuận Thành, Bắc Ninh vào đầu giờ học buổi chiều. Trong khi các bạn trêu đùa nhau ở cổng trường, xúm đen xúm đỏ quanh các phóng viên xem máy ảnh thì Hương lặng lẽ dắt xe đạp đứng nhìn từ xa. Khuôn mặt ngước nhìn lên trông ngơ ngác, hồn nhiên, có vẻ gì đó cam chịu đến là tội nghiệp. Mãi đến khi cô hiệu trưởng gọi, em mới bẽn lẽn đến gần. Quần ống thấp ống cao, được mỗi cái áo đồng phục nhà trường là còn tử tế, trông em bơ phờ, hốc hác. Mặc dù đã được cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Chính mô tả từ đầu là "Hương trông trầm và buồn" nhưng khi gặp, chúng tôi không khỏi giật mình, băn khoăn: Vì sao một cô bé học sinh lớp 7, có khuôn mặt đẹp, hàng lông mi dài lại phảng phất nét buồn, mang vẻ chịu đựng đến như vậy. Có người nói khuôn mặt của Hương như gánh hết cả nỗi buồn của một gia đình không may mắn. Chúng tôi cùng một giáo viên về nhà Hương. Căn nhà tuềnh toàng, chẳng có gì ngoài 3 cái giường và một tủ gỗ đã cũ kỹ để ở giữa làm chỗ đựng thóc lúa. Mâm cơm, bát đĩa vứt chỏng chơ giữa nhà, ruồi nhặng bâu đầy, giấy vụn, khoai lang nằm lăn lóc khắp nơi, vào tận cả gậm giường. 4 đứa em đang đợi chị Hương về thu dọn và lau mặt cho thì mới chịu đi học. Việc đầu tiên của Hương khi vừa bước vào nhà là tất tả thu dọn mâm cơm, rồi lau mặt cho từng đứa em, xếp sách vở vào cặp, khoác lên lưng từng đứa một. Nhìn cái cảnh Hương vừa lau mặt vừa nựng, dỗ dành đứa em út trông chẳng khác gì hình ảnh người mẹ chăm con khi vừa đi xa về. Bà Hòa - mẹ của Hương đang ở nhà nhưng bà chỉ ngồi quanh quẩn trên giường. Khách đến, bà chỉ cố gắng gượng dậy chào rồi lại trò chuyện với mấy người láng giềng sang thăm. Gia đình túng bấn, bố bị bệnh u não từ nhỏ, tâm thần không được bình thường, mẹ ốm đau liên miên, lại có thêm 4 đứa em nhỏ - gánh nặng gia đình cứ dồn lên đôi vai nhỏ bé của cô học sinh lớp 7 Nguyễn Thị Hương. - "Từ lúc bắt đầu đi học, nó đã biết chăm em, thay mẹ làm việc nhà. Nó cứ lụi cụi làm thế thôi, chẳng bao giờ phàn nàn câu nào đâu! Tôi thương nó lắm, vì bố mẹ bệnh tật mà phải khổ từ bé. Chẳng được đi chơi hay đồng quà tấm bánh như con người ta bao giờ đâu”! - Mẹ của Hương nói mà cứ như chực khóc. 2. Tuổi thơ của Hương là những tháng ngày sống chung với người bố tâm tính không bình thường - ông mắc căn bệnh u não biến chứng. Ông Nguyễn Đăng Long, bố Hương năm nay đã 61 tuổi nhưng mang thân hình nhỏ bé, yếu ớt. Ông thậm chí phải rất khó khăn lắm mới có thể dắt được chiếc xe đạp xuống khỏi thềm nhà. Ông vốn bị u não từ nhỏ và đã trải qua 3 lần phẫu thuật ở Bệnh viện Việt-[Đức, Hà Nội. Tuổi trẻ của ông hầu như đều nằm ở bệnh viện, như vợ ông nói: "Trước đây, ông ấy cứ ngồi như ngỗng thế thôi, đến giờ ăn gọi vào ăn, đến giờ uống gọi vào uống. Mấy năm trở lại đây bệnh u não ít ảnh hưởng hơn nhưng tay trái của ông ấy gần như liệt, chân trái đi lại khó khăn và không làm được việc gì". Lắm khi, Hương và mẹ đi cấy thuê, ông ở nhà cũng cứ ngồi lờ đờ như thế, không bắc nổi nồi cơm cho lũ trẻ. Gia đình bất hạnh đặt gánh quá nặng lên vai cô học sinh lớp 7. Từ khi vào nhà đến khi chào ra về, tôi chú ý thấy bố của Hương cứ mang ghế ra ngồi lơ ngơ một góc nhìn ra sân, ai hỏi gì thì đáp bâng quơ, câu được câu mất, chả câu nào gắn với câu nào. Tháng 9/2009, chả biết ông lang thang ra đường thế nào mà bị xe máy quệt phải, đi nằm viện suốt một tuần liền. Gia cảnh đã khó khăn lại càng thêm khó. Khi bình thường thì vô hại nhưng lúc trái gió trở trời, căn bệnh u não tái phát, ông nổi cơn điên thì mẹ con Hương cứ phải tránh xa. Đã có lần Hương đang lúi húi vừa bồng em vừa nấu cơm trong bếp, bố vác gạch ở đâu chạy vào ném lung tung, trúng vào người khiến Hương phải đi bệnh viện. Khi tôi hỏi Hương: "Bố không làm được việc nhà lại còn đánh đập, em có giận bố không?". Cô bé suy nghĩ một lúc, nói rất người lớn: "Mẹ bảo tại bố bị bệnh nên mới thế, chứ bố cũng thương mấy chị em lắm". Mẹ Hương sức khỏe yếu, ốm đau liên miên và nhiều năm nay phải điều trị bệnh về gan, thận ở nhà, tháng nào cũng mất mấy trăm nghìn tiền thuốc. Hương có 4 đứa em thì một đứa còn phải ẵm trên tay, một đứa học lớp 1. Hai đứa lớn hơn chênh nhau 2 tuổi nhưng đều học lớp 3 vì một đứa bé lúc mắc bệnh phổi cấp tính, phải đi học chậm mất 2 năm. Năm ngoái có thể xem là năm đại hạn của gia đình: bố thì tai nạn xe máy, mẹ thì nhập viện mổ sỏi gan, sỏi mật, mỗi ngày tiêu tốn hàng trăm nghìn đồng tiền thuốc. Một mình Hương gánh hết cả mọi công việc gia đình, lợn gà, đồng áng, chăm lo các em rồi làm vàng mã kiếm tiền thuốc thang cho bố mẹ. Khó ai có thể tin được, một cô bé 12 tuổi lại cáng đáng trên vai cả gia cảnh khó khăn như thế. Hằng ngày, cứ đi học về là Hương lại vùi đầu vào việc dán vàng mã để kiếm tiền. Mỗi sản phẩm mặt nai (một loại vàng mã) em được trả công 80 đồng. Mỗi ngày em làm được khoảng 300 sản phẩm, được trả công khoảng 20-30 ngàn đồng. Những thời điểm bố mẹ ốm bệnh, Hương còn hướng dẫn thêm các em cùng làm, mỗi ngày mấy chị em phải cố kiếm được khoảng 40-50 nghìn đồng để thêm tiền trang trải thuốc men cho bố mẹ. Những khi bố mẹ nằm viện, hàng xóm thấy mấy chị em đỏ đèn ngoài sân làm suốt đêm, mấy đứa em thì cứ ngủ gà ngủ gật, duy chỉ có Hương cặm cụi làm, lắm hôm đến tận 12 giờ đêm mới chịu đưa các em đi ngủ để sáng mai dậy sớm kịp giao hàng rồi mới đến trường. Khổ hơn nữa là trong khi bố mẹ đi bệnh viện, ở nhà mấy chị em tự chăm nhau, được mấy con gà với con bò mua từ vốn vay tín dụng nông thôn bỗng nhiên lăn đùng ra chết. Nợ nần chồng chất, mẹ Hương cứ phải vay nặng lãi chỗ này để đập vào chỗ kia. Có những khoản tiền vay để đi chữa bệnh cách đây đến chục năm, chỉ vài triệu đồng nhưng nhà Hương cũng mới trả được gốc, còn phần lãi cứ thế đẻ dần ra, giờ cũng đã gần bằng phần gốc. Bà Tuyển - hàng xóm, khi được hỏi gia cảnh nhà Hương bà thở dài: "Thật chẳng thấy có cái nhà nào khổ hơn nhà này nữa! Bố mẹ thay nhau nằm viện nên hàng xóm láng giềng phải cử người sang cấy, gặt giúp thường xuyên. Chỉ thương mấy đứa trẻ con!". Hương và các em. 3. Vất vả, gánh vác gia đình là thế nhưng kết quả học tập của Hương lại không hề kém chút nào. Năm vừa rồi, dù gia đình khó khăn liên miên, làm thêm vất vả nhưng Hương vẫn thi đỗ vào lớp chọn của Trường THCS Nguyễn Thị Định. Cô Nguyễn Thị Chính - Hiệu trưởng tâm sự: "Biết gia cảnh Hương khó khăn nên tôi đã đề xuất giảm một nửa tiền học phí cho Hương nhiều năm nay. Đến tết, nhà trường còn trích quỹ để hỗ trợ cho Hương tiền ăn tết". Chẳng biết có phải vì không có nhiều thời gian dành cho học tập như những học sinh khác mà Hương rất ham học, em rất thích học môn văn. Hương tâm sự rằng em thích nhất bài thơ "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến. Rồi em rành rọt đọc cho chúng tôi nghe từng câu thơ một. Giọng đọc ngập ngừng nhưng truyền cảm. Hương bảo thích bài này vì em cũng muốn có nhiều bạn đến chơi với mình, có người nói chuyện trong khi làm "mặt nai" cho đỡ buồn vì đã lâu lắm em chẳng bao giờ được rảnh rỗi để đi chơi với các bạn. Khi chúng tôi hỏi về ước mơ thì Hương chau mày suy nghĩ một lúc rồi mới nói: "Ước mơ của cháu sau này trở thành cô giáo. Nhưng mà có lẽ không được đâu ạ!" - "Sao cháu lại nghĩ là không được?" - "Vì cháu học chưa giỏi lắm, cháu không có nhiều thời gian để học ạ. Với lại cháu mà đi học làm cô giáo thì ở nhà không ai kiếm tiền để nuôi các em". Suy nghĩ hy sinh vì bố mẹ, vì em của Hương đã làm chúng tôi không khỏi xúc động nhưng cũng thật chạnh lòng: Vì sao một cô bé mới 12 tuổi đã có những suy nghĩ quá trưởng thành như vậy? Phải chăng hoàn cảnh gia đình lam lũ đã cướp hết của em những suy nghĩ tuổi thơ! Đến một ước mơ vừa nói ra thôi em đã tự biết mình nên dừng lại! Ở vào hoàn cảnh như vậy, không ít em học sinh đã chấp nhận bỏ học, rồi buông xuôi - trong khi đó, cô bé Hương lại đứng lên vừa chống chèo, vừa theo đuổi học hành và đạt kết quả tốt. Tôi biết có không ít học sinh ở tuổi của Hương, gia đình có điều kiện kinh tế vẫn thường được chăm sóc, nâng niu, thậm chí có em còn "mặc cả" với bố mẹ: "Không có điện thoại đẹp, quần áo đẹp, xe đẹp thì con không đi học đâu!". Các bậc phụ huynh khi biết đến hoàn cảnh của Hương thì cũng nên tĩnh tâm mà nhìn lại: Có phải con cái mình đang quá đủ đầy, sung sướng? Mà cái sự sung sướng đôi khi lại thui chột đi nhiều nghị lực, thậm chí là cả tình thương. Tôi đã từng nghe một tiểu thư ngã giá với mẹ: "Hôm nay con trông bà ốm cả ngày đấy, mẹ phải trả công cho con 100 nghìn thì mai con mới trông tiếp!". Đấy là chưa kể những em được quá nuông chiều, hễ bố mẹ làm gì không ưng là dọa... bỏ học. Hương cặm cụi làm vàng mã để kiếm tiền. Tôi còn nhớ, trong câu chuyện Hương bảo là em rất cứng rắn và không bao giờ khóc, đơn giản chỉ vì Hương sợ các em trêu: chị mà khóc nhè thì sẽ không bảo được các em! Tuổi còn quá nhỏ, gia cảnh éo le - cuộc sống của Hương chắc chắn sẽ còn rất nhiều chông gai nhưng hẳn chúng ta đều tin: cuộc sống này đang có thêm một câu chuyện đẹp về tình thương, có thêm một con người đầy nghị lực. Nghị lực - tình thương cũng sẽ là động lực giúp Hương vượt qua những khó khăn đang đón chờ phía trước! Báo CAND - Chuyên đề ANTG mong sẽ có những tấm lòng nhân ái cùng sẻ chia với khó khăn với gia đình em Nguyễn Thị Hương để em có thêm nghị lực, tiếp tục công việc học tập và gánh vác gia đình! Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ Xã hội từ thiện Báo CAND: 100 Yết Kiêu - Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội (ĐT: 04.38220035) hoặc 66 Thợ Nhuộm - Q. Hoàn Kiếm - Hà Nội (ĐT: 04.38222157); 373D Nguyễn Trãi, Q.1 - TP HCM (ĐT: 08.38373602).

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2010/4/129308.cand