Có biểu hiện bao che sai phạm

Ngày 14.10, trong vần vũ của cơn bão số 10, chúng tôi băng mưa về Phương Tú để tìm hiểu tại sao giám đốc quỹ tín dụng có thể lập khống hàng trăm hồ sơ vay vốn với trị giá cả chục tỉ đồng.

(LĐ) - Dù đã hình dung trước, nhưng khi tiếp xúc với những người trong cuộc, chúng tôi vẫn rất bất ngờ vì những gì đã xảy ra ở vùng thuần nông vốn rất yên bình này. Có dấu hiệu sử dụng đối tượng đâm thuê, chém mướn Điều bất ngờ đầu tiên là hành vi lập chứng từ khống này đã bị phát hiện từ năm 2008, nhưng chỉ được xử lý rất nửa vời, cho nên các đối tượng này càng mạnh tay hơn. Thứ hai là, dù hành vi sai phạm đã rõ, nhưng có cán bộ có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hà Nội (chi nhánh Hà Nội) vẫn cho rằng quỹ tín dụng này phát triển bình thường. Thứ ba là, phó giám đốc quỹ tín dụng ở đây phát hiện ra vụ việc này đã bị một số đối tượng không rõ tung tích dùng dao chém tới hai lần (!!). Theo điều lệ, quỹ tín dụng này là đơn vị kinh tế hạch toán kinh tế độc lập, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình; tự quyết định về phân phối thu nhập. Người chúng tôi gặp và làm việc đầu tiên là Phó Giám đốc phụ trách Quỹ tín dụng nhân dân Phương Tú (Quỹ tín dụng Phương Tú) Nguyễn Trung Hậu. Ông Hậu cho biết: Với nhiệm vụ theo dõi tín dụng, ông đã phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của một số thành viên ở đây, nên đã báo cáo lãnh đạo xã và cả chi nhánh Hà Nội. Sau đó, tuy có nhiệm vụ thẩm định các hồ sơ, nhưng giám đốc không bao giờ cho thẩm định, mà tự tay định đoạt hết. Không biết có phải do phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đó không, nhưng sau đó ông Hậu đã nhiều lần bị hành hung, trong đó có hai lần các đối tượng dùng dao chém. Lần đầu vào tháng 4.2008 - khi đang đi xe máy trên đường ra Hà Nội (đoạn ở xã Phú Lãm, quận Hà Đông) - thì bị bốn đối tượng ngồi trên hai xe máy ép và vung dao chém vào lưng, ông Hậu sau đó phải đi khâu nhiều mũi. Lần thứ hai, sau khi góp ý riêng với Giám đốc Phạm Thị Hiền về việc bà này lập các chứng từ khống - thì hơn một tháng sau, vào khoảng 2 giờ ngày 25.8.2009 - đang trên đường đến cơ quan thì bị hai đối tượng bịt mặt đi xe máy cầm dao chém thẳng vào bả vai. khiến ông Hậu phải nằm viện mất một tuần và khâu tới 7 mũi. Điều đáng lưu ý là, lần này các đối tượng gây án liều lĩnh ra tay ngay trên địa bàn của người bị hại và cũng gần ngay trụ sở quỹ. Cũng chính vì vậy, việc lập chứng từ khống của một số nhân vật trong quỹ câu kết với nhau đã không thể che đậy được nữa. Và ngay sau đó, người dân đã đua nhau đi rút tiền vì sợ... quỹ tín dụng vỡ. Nhằm cứu quỹ tín dụng, theo cán bộ xã ở đây cho biết, chi nhánh Hà Nội đã đổ vào khoảng 8 tỉ đồng để có tiền trả cho dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo ông Nguyễn Đức Nhị - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Kiểm sát của Quỹ tín dụng Phương Tú - cho biết, hiện vẫn còn khoảng 1,6 tỉ đồng dân đăng ký rút, nhưng hiện tại quỹ đã hết tiền nên đành hẹn dân sẽ trả sau. Chi nhánh “chiều” quỹ Về việc ông Hậu phát hiện ra vụ lập hồ sơ khống của Chủ tịch HĐQT và Giám đốc quỹ tín dụng, ông Lê Văn Tú - Chủ tịch xã Phương Tú- cho biết thêm, theo điều lệ thì mỗi thành viên tham gia quỹ tín dụng chỉ được vay tối đa 20 triệu đồng (trước chỉ có 10 triệu) nhưng phải có dự án hẳn hoi. Vậy mà, bằng cách lập khống hồ sơ, ông Hoàng Văn Dâng - Chủ tịch HĐQT và bà Phạm Thị Hiền - Giám đốc Quỹ tín dụng Phương Tú đã vay tổng cộng tới cả tỉ đồng. Giải quyết vụ việc này, Đảng ủy, UBND xã và cả đại diện chi nhánh Hà Nội họp chỉ yêu cầu các vị này phải trả lại tất cả cho quỹ trước tháng 12.2008, mà không có động thái nào khác. Ông Chủ tịch xã bức xúc: Vụ việc như vậy mà ông Phạm Văn Vũ - Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội - vẫn cho rằng, vay như vậy không có gì sai vì vẫn trả đầy đủ. Nhưng thực tế thì sao? Ông Nguyễn Đức Nhị - Trưởng ban Kiểm sát Quỹ tín dụng Phương Tú - cho biết, sau này chúng tôi mới biết qua lời khai của thủ quỹ rằng bà giám đốc không có tiền mặt trả, nên trả bằng ... khế ước. Còn ông Chủ tịch HĐQT trả chưa được nửa số tiền mà mình đã đứng ra vay. Điều này cho thấy, không có một ai theo dõi việc thực hiện trả nợ của các vị này, dù hành vi lập hồ sơ khống là rất nguy hiểm trong hoạt động tín dụng. Ông Nhị đặt câu hỏi: Liệu chi nhánh Hà Nội có "chiều" quỹ ở đây không - khi mà trong 9 tháng đầu năm nay - đã rót về cho quỹ này vay tới 14,8 tỉ đồng. Trong khi, HĐQT họp ra văn bản trung bình hàng tháng chỉ cho vay khoảng 800 triệu đồng, phù hợp với tình hình thực tế khu vực nông nghiệp ở đây. Vậy, số tiền này rót về đây làm gì mà nhiều thế? Duy Hưng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/co-bieu-hien-bao-che-sai-pham/200910/159577.laodong