Có cần 'mạnh tay' bắt giam bị cáo tại tòa?

Mục đích của tạm giam là để đảm bảo cho các cơ quan tố tụng thực hiện tốt việc điều tra, truy tố và xét xử; đấu tranh và ngăn ngừa tội phạm.

Do biện pháp ngăn chặn này hạn chế một số quyền công dân và quyền con người nên BLTTHS quy định khá chặt chẽ điều kiện, thủ tục tạm giam. Điều này nhằm hạn chế việc tùy tiện, lạm quyền của cơ quan và người tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, việc ra lệnh tạm giam của HĐXX TAND huyện Bàu Bàng, Bình Dương dưới đây dường như có biểu hiện tùy tiện, không đúng với tinh thần của BLTTHS.

Theo cáo trạng, từ ngày 31-1 đến 28-2-2016, Hồ Hoàng Khang, Hoàng Văn Hồng và Võ Hoàng Nhã đã sử dụng mô tô thực hiện 13 vụ cướp giật tài sản của người đi đường trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát và huyện Bàu Bàng (Bình Dương). Tổng tài sản chiếm đoạt là hơn 80 triệu đồng. Sau khi cướp giật, cả ba đem các điện thoại di động bán cho ba chủ tiệm mua bán điện thoại là Phương Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Khắc Chiến. Ba chủ tiệm này đều biết tài sản do phạm pháp nhưng vẫn mua để bán lại kiếm lời.

Cả ba chủ tiệm điện thoại bị truy tố tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo khoản 1 Điều 250 BLHS, thuộc loại tội ít nghiêm trọng (phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm).

Cả ba lần đầu phạm tội, nhân thân tốt, địa chỉ cư trú rõ ràng. Tuấn và Chiến khi bị CQĐT mời đến làm việc đã thừa nhận và ngay lập tức giao nộp ba chiếc điện thoại di động đã thu mua. Riêng Tuấn Anh giao nộp ngay 700.000 đồng thu lợi bất chính từ việc bán chiếc điện thoại di động đã mua của nhóm cướp giật (sau đó còn giúp CQĐT truy tìm được chiếc điện thoại di động này).

Tại phiên tòa chiều 30-8, đại diện VKSND huyện Bàu Bàng đã đề nghị mức án tù bằng số ngày bị tạm giam sáu tháng một ngày đối với Tuấn Anh và trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa. Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên phạt Tuấn Anh tám tháng tù giam.

Với bị cáo Thanh Tuấn, VKS đề nghị phạt tám tháng tù treo nhưng HĐXX đã tuyên tám tháng tù giam và ra quyết định bắt tạm giam bị cáo này ngay tại phiên tòa.

Riêng Chiến được tòa tuyên tám tháng tù treo, bằng mức án VKS đề nghị, dù tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và giá trị tài sản tiêu thụ tương đương với bị cáo Tuấn và Tuấn Anh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng việc bắt Tuấn ngay tại tòa là trái quy định của BLTTHS. Cụ thể, đối với bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, điểm b Điều 88 BLTTHS quy định chỉ tạm giam khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Sau khi án có hiệu lực, bị cáo có thời gian để tự nguyện đi thi hành án, nếu không tự nguyện thì mới bắt giam để đưa đi thi hành án.

Tuy nhiên, trường hợp này, Tuấn đang tại ngoại, không có yếu tố bỏ trốn, tự nguyện đến tòa chờ xét xử nhưng HĐXX lại ra lệnh tạm giam một cách khó hiểu.

Riêng bị cáo Tuấn Anh được VKS đề nghị mức án tù bằng số ngày bị tạm giam sáu tháng một ngày, trả tự do tại tòa nhưng tòa đã tuyên tám tháng tù giam. Việc VKS đề nghị vậy là phù hợp tính chất nhân đạo của pháp luật, phù hợp tính chất, mức độ hành vi của bị cáo là những người lao động bình thường, nhân thân tốt, lần đầu phạm tội. Tuy nhiên, TAND huyện Bàu Bàng đã không áp dụng tinh thần này của pháp luật.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/co-can-manh-tay-bat-giam-bi-cao-tai-toa-654734.html