Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1058/QÐ-TTg ban hành Ðề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và hệ thống các TCTD đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo hướng lành mạnh hóa, xử lý dứt điểm nợ xấu, củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1058/QÐ-TTg ban hành Ðề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và hệ thống các TCTD đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo hướng lành mạnh hóa, xử lý dứt điểm nợ xấu, củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Nội dung chủ yếu của Ðề án 1058 tập trung vào cơ cấu lại toàn bộ hệ thống các TCTD sau khi đã cơ bản xử lý một số ngân hàng thương mại (NHTM) đặc biệt yếu kém trong giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, tất cả các TCTD, không phân biệt yếu kém hay lành mạnh, NHTM hay TCTD phi ngân hàng đều phải xây dựng đề án tái cơ cấu trình NHNN phê duyệt. Thông qua đó, NHNN Việt Nam có cơ sở và điều kiện để triển khai thực hiện Ðề án 1058 một cách đồng bộ, cụ thể; có thể theo dõi và giám sát chặt chẽ từng TCTD. Căn cứ vào phân loại nhóm các TCTD, Ðề án đặt ra các mục tiêu rõ ràng, đi đôi với hàng loạt biện pháp hỗ trợ các TCTD lành mạnh hóa, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh như yêu cầu về tăng vốn điều lệ. Ðề án tạo điều kiện tài chính cho các NHTM có tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước ở mức cao củng cố tiềm lực tài chính, duy trì vị trí trụ cột trên thị trường tài chính ngân hàng trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Ðề án cũng quy định rõ số lượng và thời hạn các TCTD phải thực hiện theo các chuẩn mực Basel 2 hoàn toàn hay từng phần; chuẩn bị tốt các điều kiện tiến tới các chuẩn mực quốc tế cao hơn trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Các yêu cầu về xử lý sở hữu chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vào các TCTD cũng được đặt ra với thời hạn rõ ràng, dứt khoát.

Xử lý nợ xấu là một trọng tâm và được đưa vào tên của Ðề án 1058. Mặc dù nợ xấu đã được quan tâm giải quyết trong giai đoạn trước đây, song kết quả đạt được rất hạn chế. Quy mô nợ xấu đến cuối năm 2016 vẫn ở mức cao do thể chế xử lý nợ xấu không phù hợp thực tế, thậm chí cản trở nỗ lực xử lý nợ xấu của các TCTD. Ðề án kế thừa nhiều nội dung của Nghị quyết số 42/NQ-QH về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tháo gỡ các rào cản nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, hỗ trợ các TCTD sớm đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới ngưỡng 3%. Theo Ðề án, quy trình thủ tục pháp lý liên quan đến thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp gắn với các khoản nợ xấu được đơn giản hóa, rút gọn nhằm giúp các TCTD tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức trong giảm quy mô nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm. Nội dung đặc biệt quan trọng của Ðề án 1058 là công nhận và xây dựng thị trường mua bán nợ theo các nguyên tắc và quy luật thị trường với vai trò trụ cột của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó bảo đảm các điều kiện cần và đủ để phát triển thị trường mua bán nợ, cả cung, cầu, giá cả và hàng hóa trên thị trường. Ðể bảo đảm vai trò trụ cột của VAMC trên thị trường mua bán nợ, Ðề án yêu cầu tăng vốn và các điều kiện cần thiết khác để VAMC có thể vận hành hiệu quả, đóng góp vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu của các TCTD. Ðề án 1058 cũng chỉ rõ trách nhiệm và hướng xử lý của cơ quan nhà nước có liên quan trong xử lý những khoản nợ đọng xây dựng cơ bản là nguyên nhân gây ra nợ xấu của một số TCTD.

Tóm lại, Ðề án 1058 là cơ sở quan trọng để NHNN phối hợp các cơ quan chức năng trong tổ chức triển khai, đôn đốc và giám sát các TCTD thực hiện cơ cấu lại không chỉ toàn bộ hệ thống mà còn cơ cấu lại từng TCTD theo yêu cầu phát triển và hội nhập.

ANH VŨ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/33630402-co-cau-lai-he-thong-cac-to-chuc-tin-dung.html