Có chấm dứt cơ chế 'xin – cho' trong nhập khẩu đường ?

Sau nhiều năm kiến nghị, cuối cùng Bộ Công Thương cũng đã chính thức triển khai đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Tuy nhiên, giải pháp này có triệt tiêu được cơ chế “xin – cho” hay không thì chưa ai dám chắc.

Tin từ Bộ Công Thương, ngày 7.9, Bộ đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Chủ tịch Hội đồng đấu giá. Đại diện nhiều Bộ, ngành, Hiệp hội và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng đã tham dự phiên đấu giá.

Tại phiên đấu giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Đây là phiên đấu giá lần đầu được tổ chức thí điểm tại Bộ Công Thương. Thứ trưởng cho biết thêm, có thể công tác tổ chức chưa thực sự hoàn thiện song Bộ Công Thương cũng như Hội đồng đấu giá đã làm việc nghiêm túc, tiếp thu kinh nghiệm từ nhiều Bộ, ngành để phiên đấu giá được diễn ra theo đúng quy trình, đạt kết quả tốt nhất”.

Đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có hết “xin – cho"

Thay mặt Hội đồng đấu giá, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đã công bố danh sách số lượng hồ sơ đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường, gồm đường thô và đường tinh luyện.

Kết thúc phiên đấu giá, Chủ tịch Hội đồng - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã công bố danh sách các thương nhân trúng thầu. Nhiều đơn vị tên tuổi đã trúng thầu, như: Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh , Công ty TNHH Đường Khánh Hòa, Công ty TNHH URC Việt Nam, Công ty TNHH Puratos Grandplace Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Perfetti Van Melle, Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk, Công ty Cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên - Nhà máy Cà phê Sài Gòn.

Trong những năm gần đây, việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của Bộ Công Thương luôn bị các doanh nghiệp và Hiệp hội có nhiều ý kiến. Hiệp hội Mía đường Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ chế phân giao nặng tính chất “xin - cho”. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước, vì doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đường giữa trong và ngoài nước còn các doanh nghiệp sử dụng đường tinh luyện thì kiếm được khoản “hời” nhờ nhập được đường với giá rẻ. Chính vì thế, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương thay đổi cơ chế phân giao bằng cơ chế đấu thầu nhập khẩu đường. Phần chênh lệch đấu thầu sẽ được thu vào ngân sách nhà nước, tránh xảy ra cơ chế “xin – cho”, phát sinh tiêu cực như hiện nay.

Việc Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu đường là một bước tiến lớn trong phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường nhưng liệu các quy định của đấu giá và quy trình đấu giá có chấm dứt được cơ chế xin cho hay không vẫn chưa thấy có bộ ngành nào khẳng định.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/co-cham-dut-co-che-xin-cho-trong-nhap-khau-duong-706711.html