Cố chấp

KTĐT - Tay ông lóng ngóng cài mãi không xong mấy chiếc cúc áo, lòng ông thì đang buồn và rối như tơ vò. Ông buồn một phần vì cái tin anh trai vừa mất, nhưng điều buồn hơn có lẽ là thái độ của bà.

Mặc sự nài nỉ của ông, phân tích của các con, bà một mực giữ ý kiến của mình: “Tôi không đi, ngày xưa anh trai ông có chấp nhận tôi đâu, tại sao bây giờ tôi lại phải đi dự đám tang ông ấy mất”. Ông bảo bà: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Ngày xưa bác ấy nói thể chỉ là vì quan niệm sai nhất thời, về sau bác ấy cũng đón nhận bà như người trong gia đình đó thôi. Tại sao bà cố chấp thế”. Bà hùng hổ: “Tôi là thế đấy, ông chịu được thì ở, không chịu được thì thôi”. Ông buồn lắm, sống với nhau bằng này tuổi rồi, vì tình vì nghĩa chứ đâu phải vì việc có chịu được nhau hay không. Nếu nói về chịu, ông cũng đã chịu bà bao nhiêu năm đó thôi, mặc dù trong lòng ông không ít lúc buồn phiền và mệt mỏi lắm. Không như các cặp vợ chồng khác, ông bà đến với nhau khi cả hai đã từng có gia đình, mỗi người từng có một mặt con. Ông mất vợ, bà mất chồng khi cả hai còn khá trẻ. Họ đến với nhau cũng là lẽ thường tình, không có ai ngăn cản cả, chỉ có người anh cả của ông từng bảo là “cô này nhìn đanh đá thế, đời chú sẽ khổ thôi”. Thế mà bà coi đó là sự phản đối, rồi bà lên mặt, bà chấp nhặt với tất cả họ hàng bên nhà ông. Bà rất ít theo ông về quê. Trong nhưng lần không thể đừng được, bà mới ầm ừ, mặt nặng mày nhẹ đồng ý. Và trong những lần ấy, dù có tiền hay không có tiền, bà cũng phải bắt ông thuê ô tô để đi cho sang, ăn mặc thật đẹp, mua thật nhiều quà đắt tiền để thể hiện cho mọi người thấy rằng bà sang, bà giàu có. Ông biết họ hàng mình đâu có nhìn đến những thứ đó, họ quý, họ đón nhận là đón nhận chính con người thực của bà, coi bà là dâu con trong họ. Nhưng bà nào có hiểu cho ông, bà bảo: “Tôi phải cho họ hàng nhà ông thấy, ông lấy tôi là may mắn lắm”. Ông tức lắm, chả nhẽ lại cho bà mấy cái tát để chừa cái kiểu ăn nói chau chát ấy. Những đứa con vẫn bảo bà: “Mẹ nên nhìn bố để học ngay cách hành xử ấy. Bố so với mẹ đúng là một trời một vực”. Ông chu đáo không chỉ với gia đình bên bà mà còn với cả họ mạc, gia đình bên chồng trước của bà, cũng là bố của người con đang sống với ông bây giờ. Ông không nghĩ mình làm như thế là lấy điểm, là cao thượng. Đơn giản, ông sống cho xứng với tình cảm mọi người dành cho mình. Bà lại không nghĩ vậy, bà chưa từng bao giờ có một lời hỏi han đến con trai ông đang sống ở quê. Ông buồn nhất là mỗi lần ông có ý muốn giúp đỡ con là bà lại lời ra tiếng vào, rằng ông chỉ nghĩ đến con mình, chỉ sống vì họ hàng nhà mình, rồi bà dỗi, bà khóc lóc… Ông một mình ra xe về quê dự đám tang anh trai mà lòng nặng trĩu. Ông buồn bà lắm, sống bắng ấy năm mà bà không hiểu gì ông, chưa từng sống vì ông. Cũng như các con, ông luôn mong bà nghĩ lại, mong bà thấu hiểu và nhận ra sự cố chấp của mình, sống thật với lòng hơn. Phạm Hằng

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=179849