Cơ chế nào khai thác sân bay tư nhân đầu tiên?

Sắp tới, Việt Nam sẽ đưa vào khai thác sân bay Vân Đồn-sân bay đầu tiên hoàn toàn do tư nhân đầu tư.

Cục Hàng không VN đề xuất phương án để CTCP Đầu tư và phát triển Vân Đồn (CHK quốc tế Vân Đồn) tự tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK (Trong ảnh: Kiểm tra an ninh tại CHK quốc tế Nội Bài) - Ảnh: Khánh Linh

Cục Hàng không VN đề xuất phương án để CTCP Đầu tư và phát triển Vân Đồn (CHK quốc tế Vân Đồn) tự tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK (Trong ảnh: Kiểm tra an ninh tại CHK quốc tế Nội Bài) - Ảnh: Khánh Linh

Kỳ 1: Gấp rút “dựng” bộ máy, mở đường bay

Cảng hàng không (CHK) quốc tế Vân Đồn dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối tháng 3/2018 với lượng khách thông qua ngay trong năm đầu có thể lên tới 400-500 nghìn lượt. Hiện tại, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư đang gấp rút xây dựng bộ máy khai thác, vận hành và mở các đường bay mới cho CHK tư nhân đầu tiên này.

Cuối tháng 3/2018, khánh thành sân bay tư nhân đầu tiên

Một phương án khai thác CHK quốc tế Vân Đồn khá chi tiết đã được Cục Hàng không VN phối hợp với Sở GTVT Quảng Ninh, CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group - Chủ đầu tư), CTCP đầu tư phát triển Vân Đồn (doanh nghiệp dự án); TCT Quản lý bay VN, TCT Cảng hàng không VN (ACV) xây dựng, đảm bảo đưa CHK tư nhân đầu tiên của cả nước này vào khai thác đúng tiến độ dự kiến ngày 31/3/2018.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã và đang tăng cường hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư Sun Group chuẩn bị các điều kiện để đưa CHK quốc tế Vân Đồn vào khai thác đúng tiến độ. Cục đã thành lập Tổ hỗ trợ thực hiện các thủ tục cấp phép, đưa CHK quốc tế Vân Đồn vào khai thác. Tổ hỗ trợ do một Phó cục trưởng là Tổ trưởng, thường xuyên bố trí cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ tích cực thúc đẩy dự án. “Đến thời điểm hiện tại, mọi việc vẫn đang khẩn trương thực hiện theo kế hoạch đề ra”. Bà Phan Minh Ngọc, Trưởng phòng KHĐT (Cục Hàng không VN) nói.

CHK quốc tế Vân Đồn được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2012, đây là CHK cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO); Sân bay quân sự cấp II, có chức năng là CHK nội địa đón được các chuyến bay quốc tế. Trong giai đoạn, đến năm 2020, dự án sẽ xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình; Công suất 2 triệu hành khách/năm; Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư mở rộng nhà ga hành khách công suất có thể đáp ứng 5 triệu hành khách/năm nếu có nhu cầu. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khu bay là 2.124 tỷ đồng.

Theo ông Đào Xuân Hoạch, Trưởng phòng Quản lý CHK sân bay của Cục Hàng không VN, hiện tại đã thành lập xong doanh nghiệp cảng, cấp GCN đăng ký tạm thời. Theo kế hoạch, việc xây dựng tài liệu khai thác, chương trình an ninh hàng không, hệ thống quản lý an toàn, kế hoạch khẩn nguy sân bay sẽ được Cục Hàng không VN phê duyệt trong khoảng từ ngày 1-10/3/2018 song song với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký CHK, giấy chứng nhận khai thác CHK và giấy phép kinh doanh CHK. Riêng giấy phép mở CHK sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt. Dự kiến ngày 10/3/2018, CHK quốc tế Vân Đồn sẽ trình hồ sơ lên Cục Hàng không VN. 3 ngày sau đó, Cục sẽ báo cáo Bộ GTVT trước khi Bộ báo cáo Thủ tướng vào ngày 16/3/2018.

Liên quan đến vấn đề nhân sự, được biết ngoài việc “dựng” bộ máy sân sự chủ chốt theo quy định tại Thông tư 17/TT-BGTVT gồm Giám đốc CHK, phụ trách khai thác sân bay, an toàn hàng không và an ninh hàng không, CHK quốc tế Vân Đồn đã bắt đầu triển khai tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, cấp phép nhân viên hàng không, đảm bảo chậm nhất từ tháng 1 - 15/12/2017, Cục Hàng không VN sẽ thực hiện kiểm tra, cấp phép nhân viên hàng không.

Riêng với nhân sự thực hiện điều hành bay, để đào tạo một kiểm soát viên không lưu, cần ít nhất 2 năm mới có thể bắt đầu hành nghề. Do đó, VATM đã chủ động tuyển người và thực hiện huấn luyện đào tạo.

Các hạng mục của dự án CHK quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đang được khẩn trương thi công - Ảnh: QNG

Đón lượng khách “khủng” ngay năm đầu

Thực tế, ngay từ khi manh nha ý tưởng đầu tư CHK quốc tế Vân Đồn, ngoài khách bay nội địa, chủ đầu tư Sun Group đã nhắm đến lượng khách du lịch quốc tế đông đảo đến từ khu vực Đông Bắc Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, dự kiến các đường bay được khai thác đầu tiên ngay sau thời điểm mở cửa CHK (31/3/2018) sẽ là các đường bay kết nối Quảng Ninh với khu vực phía Nam. Cụ thể, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air sẽ đồng thời khai trương các đường bay TP HCM - Vân Đồn (3 - 4 chuyến/ngày) và Nha Trang, Đà Nẵng - Vân Đồn (1 chuyến/ngày). 3 hãng nội địa này và các hãng hàng không Trung Quốc cũng sẽ mở mới các đường bay giữa Vân Đồn và Quảng Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hàng Châu…

Nên đọc

Để tư nhân yên tâm xây sân bay

Trong khoảng thời gian tiếp theo đó, dự kiến từ tháng 9-10/2018, các đường bay nối Seoul (Hàn Quốc), Macao và các điểm từ Trung Quốc đến Vân Đồn sẽ tiếp tục được khai trương. Các đường bay quốc tế đến Singapore, Thái Lan… sẽ được nghiên cứu sau đó.

Dự kiến trong 1 năm đầu, tần suất khai thác đi/đến của CHK quốc tế Vân Đồn sẽ đạt khoảng 6-9 chuyến/ngày/chiều bằng loại tàu bay A320/A321 với lượng khách thông qua ước đạt 400 - 500 nghìn khách. Được biết, việc phát động thị trường, mở các tuyến bay đi/đến CHK quốc tế Vân Đồn sẽ sớm được khởi động và hoàn tất trước tháng 9/2017 để có thể tiến hành mở các tuyến bay đi/đến trong khoảng thời gian từ 10/2017 - 3/2018.

Nếu không có gì thay đổi, ngay trong tháng 7 này, một hội nghị quảng bá, giới thiệu CHK mới sẽ được triển khai tại TP Hạ Long. Ngay sau đó, việc quảng bá sẽ được triển khai tại Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng không (ATWG) ASEAN - Trung Quốc tại Thiên Tân và ASEAN tại Lào… cũng như phối hợp với Tổng cục Du lịch quảng bá, giới thiệu tại các diễn đàn du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc…

Điều chỉnh CHK Quảng Ninh thành CHK quốc tế Vân Đồn

Cục Hàng không VN vừa trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh CHK Quảng Ninh thành CHK quốc tế Vân Đồn. “Việc điều chỉnh CHK Quảng Ninh thành CHK quốc tế Vân Đồn có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển khu kinh tế Vân Đồn, phù hợp với xu thế phát triển, mục tiêu của Khu kinh tế Vân Đồn là phát triển dịch vụ, du lịch hướng đến đối tượng là khách nước ngoài, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư của Dự án CHK Quảng Ninh theo hình thức BOT, khuyến khích và thu hút nhà đầu tư vào khu Kinh tế Vân Đồn”, lãnh đạo CHK cho biết.

Theo Cục Hàng không VN, Dự án xây dựng CHK Quảng Ninh đang triển khai theo đúng quy hoạch được duyệt và có đầy đủ hạ tầng để đảm bảo là CHK quốc tế với các công trình chính gồm: Đường cất/hạ cánh có thể khai thác các tàu bay A350, B787, B747; Nhà ga hành khách công suất 5 triệu khách/năm với đầy đủ dây chuyền phục vụ khách quốc tế và nội địa; Khu vực cơ quan quản lý nhà nước được xây dựng đầy đủ cho các cơ quan hải quan, công an cửa khẩu, kiểm dịch, cảng vụ hàng không…

Đặc biệt, CHK quốc tế Vân Đồn sẽ làm việc cụ thể với từng hãng hàng không trong nước (để nắm bắt nhu cầu khai thác, định hướng phát triển thị trường đi/đến) cũng như các hãng hàng không đang khai thác các đường bay quốc tế đến Việt Nam từ Trung Quốc (China Southern Airlines, China Eastern Airlines, Sichuan Airlines, Hainan Airlines…); Hàn Quốc (Korean Air, Asiana Airlines, Jeju Air, Air Busan…); Singapore (Silk Air); Hong Kong (Hongkong Airlines, Hongkong Express, Dragon Air…).

Hiện tại, hệ thống giao thông kết nối san bay Vân Đồn đang được hoàn chỉnh với các tuyến đường như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Trong đó, tuyến cao tốc nối Hạ Long - Hải Phòng sắp được đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn theo hình thức BOT đang tổ chức thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2017; Dự án nâng cấp QL18A đang triển khai đạt 4 làn xe; Tuyến đường tỉnh 334 kết nối QL18 với trung tâm Vân Đồn và tuyến đường kết nối trung tâm Vân Đồn với sân bay đã hoàn thành.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/co-che-nao-khai-thac-san-bay-tu-nhan-dau-tien-d215210.html