Có chuyển biến nhưng vẫn nhiều bất cập, tiêu cực

ND - Không hề quá lời khi nói rằng, trong năm 2013, bóng đá Việt Nam đã trải qua một cơn phong ba thật sự. Kinh tế khó khăn, các ông bầu cũng vơi dần hứng thú với bóng đá. Trước mùa giải, hàng loạt đội bóng lâm vào bước đường cùng, buộc phải xóa sổ. Ngày khai mạc phải hoãn tới hoãn lui hàng tháng trời. Chính biến động ấy đã khiến cho Giải bóng đá vô địch quốc gia 2013 (V-League 2013) có những khác biệt lớn so với nhiều năm trước.

Bóng đá tìm về giá trị đích thực

Đầu mùa giải V-League 2013, điều đầu tiên phải kể đến chính là tình cảnh tài chính khó khăn khiến cho nhiều đội bóng ở V-League buộc phải thắt chặt chi tiêu. Gần 200 cầu thủ cả ở V-League lẫn hạng Nhất bị "đẩy ra đường" không kế sinh nhai. Những ngôi sao của đội tuyển quốc gia như Công Vinh, Thành Lương, Như Thành, Quang Hải... cũng phải mướt mồ hôi bươn chải, buộc phải hài lòng với những khoản tiền "lót tay" khiêm tốn. Những bản hợp đồng "bom tấn" hàng chục tỷ đồng ở những mùa giải trước giờ đã trở thành "cổ tích".

Chấn động ấy đã khiến V-League rung chuyển, tưởng chừng như có lúc "sụp đổ" song lại là liều thuốc đắng giã tật kịp thời, xốc lại một nền bóng đá lâu nay đã quá ảo tưởng về chính mình. Bóng đá Việt Nam đã được trả về với đúng nghĩa. Cầu thủ cũng tự ý thức được giá trị của mình đến đâu và phải làm gì để đền đáp người hâm mộ. Trước đây, khi V-League cứ đi được nửa chặng đường là nhiều cầu thủ sẵn sàng "đá dưới sức" hòng giữ chân và chực chờ cơ hội "nhảy việc" để rồi lĩnh lương thưởng, phí "lót tay" hàng tỷ đồng. Nhưng mùa bóng năm 2013, mọi chuyện đã khác. Ban lãnh đạo đội bóng sẵn sàng ra những án kỷ luật nghiêm khắc cho các cá nhân cố tình "gây chuyện", từ phạt tiền đến "treo giò nội bộ". Người hâm mộ vì thế mà được chứng kiến những trận đấu quyết liệt, hấp dẫn thật sự. Đơn cử, những trận "derby miền trung" giữa Thanh Hóa và Sông Lam Nghệ An, những cuộc so tài giữa Hoàng Anh Gia Lai với Hà Nội T&T, hay SHB Đà Nẵng luôn trong tình trạng cháy vé, thu hút được hàng vạn khán giả tới sân theo dõi.

Cũng chưa bao giờ, ở V-League, các cầu thủ trẻ lại được đặt niềm tin lớn đến vậy như mùa giải vừa rồi. Điều này xuất phát từ việc các đội bóng hạn chế vung tiền mua ngôi sao với mức lương thưởng cao ngất ngưởng. Thay vào đó, các huấn luyện viên chú trọng hơn đến những sản phẩm của lò đào tạo trẻ, đi đầu phải kể đến Sông Lam Nghệ An. Mùa này, đội bóng xứ Nghệ đã cho ra mắt lứa tài năng trẻ đầy triển vọng, hầu hết đều trong độ tuổi đôi mươi: Trần Nguyên Mạnh (thủ môn, 21 tuổi), Quế Ngọc Hải (trung vệ, 20 tuổi), Phạm Mạnh Hùng (trung vệ, 20 tuổi), Trần Đình Hoàng (hậu vệ cánh, 21 tuổi), Ngô Hoàng Thịnh (tiền vệ, 21 tuổi), Trần Phi Sơn (tiền vệ, 21 tuổi) hay Hồ Khắc Ngọc (tiền đạo, 21 tuổi). Lòng khát khao thi đấu, lập công của những cầu thủ trẻ chính là sức bật lớn giúp Sông Lam Nghệ An có một màn trình diễn tốt ở V-League năm nay: vô địch lượt đi, cạnh tranh danh hiệu sòng phẳng đến vòng cuối cùng với những đại gia lắm tiền nhiều của như Hà Nội T&T hay SHB Đà Nẵng.

Trong cơn khủng hoảng, các đội bóng ở V-League đã nhận thấy rằng đầu tư cho cầu thủ trẻ là một bước đi khôn ngoan: vừa tiết kiệm, vừa nâng cao tính gắn kết và thi đấu cho đội hình bởi khát khao chiến đấu và thể hiện mình của các cầu thủ trẻ là không bao giờ thiếu. Không phải ngẫu nhiên khi có tới ba trong số năm CLB xếp đầu V-League năm nay là những đội mạnh dạn trao cơ hội cho cầu thủ trẻ: Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An và Thanh Hóa. Không chỉ các CLB hưởng lợi từ cầu thủ trẻ mà ngay cả đội tuyển quốc gia cũng được "thơm lây" khi rất nhiều cầu thủ trẻ thi đấu ấn tượng trong mùa vừa rồi đã được triệu tập lên đội tuyển U23 Việt Nam hướng tới mục tiêu chinh phục SEA Games 27.

Nhìn lại mùa giải năm nay, khách quan mà nói, người hâm mộ được chứng kiến một V-League cống hiến hơn rất nhiều so với các mùa trước. Các đội bóng, thay vì cố gắng xây dựng một hàng thủ "chém đinh chặt sắt", không ngại chơi thô bạo thì nay đã bắt đầu chú trọng đến hàng công. Sau 20 vòng đấu đã có tới 357 bàn thắng được ghi (trung bình 3,57 bàn/trận). Xét về tổng số bàn thắng thì V-League mùa này ít hơn mùa trước 159 bàn do tổng số đội tham dự ít hơn mùa trước (11 so với 14 đội của V-League 2012). Tuy nhiên, về hiệu suất ghi bàn thì lại hoàn toàn vượt trội khi V-League mùa trước chỉ có 2,84 bàn/trận.

Rõ ràng, người hâm mộ đang được chứng kiến một trong những mùa giải cống hiến nhất khi tấn công luôn là lựa chọn ưu tiên của các đội bóng trong mỗi trận đấu. Đã có rất nhiều cơn mưa bàn thắng diễn ra, thí dụ: Trận B.Bình Dương - Thanh Hóa (vòng 11 có bảy bàn), Sông Lam Nghệ An - Đồng Tâm Long An (vòng 14 có tám bàn, V.Ninh Bình - Đồng Tâm Long An (vòng 18 có bảy bàn), B.Bình Dương - Kiên Giang (vòng 20 có sáu bàn)... Danh sách ghi bàn của V-League năm nay cũng là bằng chứng cho sự lên ngôi của bóng đá tấn công khi có tới 11 cầu thủ đã ghi được từ 10 bàn trở lên. Tân vô địch Hà Nội T&T cũng đăng quang xứng đáng với lối chơi tấn công rực lửa: ghi tới 46 bàn sau 20 vòng đấu, sở hữu hai chân sút tốt nhất là đồng vua phá lưới V-League: Xam-xơn, Gôn-da-lô cùng ghi 14 bàn.

Còn đó nhiều lo âu

V-League 2013 đã "hạ màn" với nhiều tín hiệu tích cực, cho thấy phần nào quyết tâm nâng tầm giải đấu của những người làm bóng đá. Tuy vậy, những căn bệnh mãn tính, nan y của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua không thể chữa khỏi chỉ trong một mùa giải.

Đầu tiên, đáng kể nhất là vấn đề tài chính. Dù Công ty VPF đã cố hết sức tìm cách kiếm tiền cho V-League song thực tế là những đội bóng vẫn không thể nào sống khỏe nếu không có bầu sữa của các ông bầu hoặc ngân sách từ địa phương. Hai đội bóng dẫn đầu V-League là tân vô địch Hà Nội T&T và á quân SHB Đà Nẵng đều do "một tay" ông bầu Đỗ Quang Hiển "nhào nặn". Sự tồn tại của một đội bóng gần như đang nằm hoàn toàn trong tay các ông bầu. Khi họ vui thì sẵn sàng "nghìn vàng đổ một trận cười như không", nhưng khi họ "mất hứng" thì đội bóng cũng... không thể còn. Trước mùa giải mới, đã có bốn đội bóng phải giải thể vì những bê bối của các ông bầu: Hòa Phát Hà Nội, Navibank Sài Gòn, K.Khánh Hòa, CLB Bóng đá Hà Nội. Trường hợp Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn tuyên bố giải tán đội bóng sau khi nhận án kỷ luật từ VFF mới đây là cái tên thứ năm bị xóa sổ trên danh sách các câu lạc bộ bóng đá Việt chỉ trong một năm qua.

Vấn nạn tiêu cực vẫn là vết thương lớn nhất của bóng đá Việt Nam từ sau vụ án dàn xếp tỷ số động trời ở SEA Games 23. Ngay từ khi mùa giải mới chuẩn bị khởi tranh, bóng đen bán độ đã chập chờn trong trận tranh Siêu cúp báo Tiền Phong trên sân Chi Lăng giữa SHB Đà Nẵng và Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn. Chừng vài tháng sau, một lần nữa, V-League rúng động vì nghi án nhận hối lộ của tổ trọng tài điều hành trận đấu Thanh Hóa - Hoàng Anh Gia Lai. Bốn trọng tài: Kiều Việt Hùng, Phạm Đắc Chiến, Đỗ Mạnh Hà và Đinh Hải Dương bị nghi ngờ đã nhận 100 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ việc này sau đó nhanh chóng rơi vào quên lãng khi cơ quan điều tra không thể chỉ ra ai đã đưa hối lộ và các trọng tài cũng phủ nhận không nhận tiền của bất cứ đội bóng nào. Và mới đây nhất, Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn (cái tên đã gắn với nhiều bê bối), đã phải nhận án phạt nghiêm khắc của Ban tổ chức giải khi được coi là có biểu hiện "thi đấu thiếu tích cực" trong trận thua 1-4 trước K.Kiên Giang vòng 19 V-League.

Cuối cùng, công tác điều hành giải đấu năm nay tuy đã có chút tiến bộ song hầu như VFF và VPF vẫn chưa tạo được thay đổi bước ngoặt nào. Vụ việc Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn tự ý bỏ giải giữa chừng chính là điểm đen lớn nhất, biểu hiện rõ nhất về một giải đấu chưa nghiêm túc về mặt kỷ luật. Dù Ban tổ chức đã ra án phạt rất nặng để trừng trị đội bóng này song nó chỉ đến khi mọi chuyện đã rồi, V-League phải hủy hai vòng cuối, bảng xếp hạng xáo trộn, nhiều đội bóng chịu thiệt thòi (Sông Lam Nghệ An bị trừ tới sáu điểm giành được từ hai trận thắng Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn, từ ứng viên vô địch tụt xuống vị trí thứ năm). Ngoài ra, bạo lực sân cỏ vẫn là một vấn nạn ám ảnh của V-League. Ban tổ chức đã tuyên bố sẽ mạnh tay trừ bỏ bạo lực song thực chất là các trận đấu ở V-League năm nay vẫn bị cảnh báo là "khá thô bạo". Qua 22 lượt trận, các trọng tài đã phải rút ra tới 40 thẻ đỏ và 615 thẻ vàng. Sông Lam Nghệ An, vốn nổi tiếng với lối chơi rắn cũng chính là đội bóng nhận nhiều thẻ nhất (62 chiếc).

Mùa V-League 2013 có thể coi là một mùa giải vượt khó của các đội bóng và cả Ban tổ chức. Trong bối cảnh giải đấu bị xáo trộn cả ở đầu mùa lẫn cuối mùa, khách quan mà nói, những người làm bóng đá đã cố gắng chèo lái con thuyền V-League "về đích an toàn" (một cụm từ khiêm tốn mà nhiều năm qua chúng ta vẫn phải dùng đi dùng lại). Những hạn chế và vấn nạn, suy cho cùng vẫn chưa thể cải thiện trong một sớm một chiều. Nhưng quan trọng nhất là những người làm bóng đá cần phải hành động. Chúng ta có thể chờ đợi những gì ở lễ tổng kết V-League 2013 tới đây?

PHONG CHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thethao/tin-tuc/item/21149002-c%c3%b3-chuy%e1%bb%83n-bi%e1%ba%bfn-nh%c6%b0ng-v%e1%ba%abn-nhi%e1%bb%81u-b%e1%ba%a5t-c%e1%ba%adp,-ti%c3%aau-c%e1%bb%b1c.html