Cô gái 15 năm bị xiềng xích

Con gái bị bệnh tâm thần không có tiền chữa trị nên ông Nguyên Văn Chương (nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã xích con suốt 15 năm trong nhà.

Phát điên vì tình Cô gái bạc phận trên có tên tuyệt đẹp là Nguyễn Thanh Trinh Bạch (SN 1974). Nhà ông Chương ở cuối đường Nguyễn Thị Minh Khai nằm trong con hẻm nhỏ, ẩm thấp… Ông Chương đã bật khóc khi nghe chúng tôi hỏi về con gái mình. Ông Chương kể: Trinh Bạch là người con gái duy nhất (5 người còn lại là trai). Nhà nghèo, các anh có gia đình sống riêng nên học hết lớp 5, Trinh Bạch nghỉ học trông nhà cho cha mẹ đi làm. Đến năm 18 tuổi, chị Bạch xin vào làm công nhân cho hãng phế liệu gần nhà. Tại đó chị quen và yêu một thanh niên tên L, quê ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tưởng người mình yêu chân thật nên chị Trinh Bạch đã đưa về nhà giới thiệu với cha mẹ và anh L hứa sẽ đưa cha mẹ lên xin cưới chị làm vợ. Thế nhưng, sau đó anh L bỏ đi biền biệt không một lời từ giã… Ngày ngày trông chờ người yêu trở lại mà chị Trinh Bạch buồn đến bỏ ăn, bỏ uống và dần dà mắc luôn chứng bệnh tâm thần. Ông Chương có đưa con vào một số bệnh viện chữa trị nhưng không khỏi, muốn chữa ở các tuyến trên nhưng không có tiền… Ông Chương cho biết: “Bác sĩ chẩn đoán Trinh Bạch bị tâm thần phân liệt do sốc tình cảm, nếu điều trị triệt để, bệnh sẽ khỏi. Nó không quậy phá mà ca hát suốt ngày. Có lúc tỉnh, nó tự đi tắm gội sạch sẽ, nói chuyện lễ phép với cha mẹ. Xích đứa con gái mà mình yêu thương nhất, vợ chồng tôi đau lòng lắm. Nhiều lúc vợ tôi thương con quá, mở dây xích ra một lúc là nó lại tìm cách trốn đi. Có lần nó bỏ đi gần nửa tháng mới tìm được. Sợ con gặp kẻ xấu hãm hại thêm tai họa, nên vợ chồng tôi không còn cách nào khác đành lấy dây xích nặng gần 5kg, xích chân con lại để vợ chồng đi làm kiếm tiền”. Chính quyền không biết Trao đổi qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Phó Chủ tịch Phụ nữ phường tỏ ra ngạc nhiên và không hay biết việc này. Bà Vân nói: "Chiều nay chúng tôi sẽ xuống ngay khu vực khảo sát để có chính sách hỗ trợ cho gia đình và khuyên gia đình không nên xích con mình như vậy". Có thể nói, người thân của người mắc bệnh tâm thần thường mang tâm lý "thấy tội nghiệp" nếu đưa người bệnh vào trung tâm, cơ sở chữa trị lâu dài. Theo thống kê của giới chuyên khoa thần kinh cho biết: Bệnh tâm thần phân liệt là một dạng phổ biến trên thế giới và ở nước ta tỷ lệ chiếm từ 0,3 - 1% dân số. Bệnh có thể chữa được hoặc thuyên giảm tốt nếu được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời. Đối với cộng đồng xã hội, cần có thêm thông cảm, chia sẻ với bệnh nhân và gia đình. Không tạo cho người bệnh có thêm mặc cảm về bản thân như: giễu cợt, trêu chọc, ngược đãi... từng bước giúp đỡ bệnh nhân và gia đình khi họ gặp tình huống khó khăn. Có vậy mới giúp người bệnh mau chóng hồi phục, sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội. Theo Hồng Cầm

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/412018/index.html