Cô gái bị sát hại ở Angola: Lao động tự do không nhận được chế độ hỗ trợ

Ngày 12.12, thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục đã tìm hiểu, xác minh, trường hợp Hoàng Thị Văn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mới bị giết tại Angola, không thuộc danh sách lao động do Cục quản lý.

Lao động người Việt làm xây dựng tại Angola (IT)

Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Trung tâm truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện tại trong danh sách Cục quản lý chỉ còn 31 lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola. Trong danh sách này không có lao động Hoàng Thị Văn. Do nạn nhân là lao động tự do không thuộc diện quản lý nên sẽ không nhận được bất cứ chế độ hỗ trợ nào từ phía Bộ.

Theo bà Hà, trước đó, 5 công ty phái cử Việt Nam được Bộ LĐTBXH duyệt đưa thí điểm lao động sang Angola làm việc và đã đưa được 236 người sang đó làm việc. “Các lao động này chủ yếu làm trong ngành xây dựng, mức lương dao động trọng khoảng từ 400-500 USD/người/tháng (khoảng 9-11 triệu đồng). Tuy nhiên, sau một thời gian đưa đi các lao động về nước vì hết hợp đồng hoặc cũng trốn ra ngoài làm thêm”, bà Hà nói.

Bà Hà cũng cho biết, do sang Angola theo hạn ngạch không chính thức hoặc đi “chui” nên dù có chạy được visa lao động, lao động vẫn bị coi là bất hợp pháp. Do vậy, nhiều trường hợp bị cảnh sát bắt, phải đút lót từ vài chục hoặc vài trăm USD để được thả. Có người bị đưa vào tù phải trả hàng ngàn USD để không bị trục xuất.

“Mặt khác, do điều kiện môi trường không phù hợp nên nhiều lao động bị sốt rét, ốm đau, trong khi chi phí chữa bệnh tại Angola rất cao. Thêm vào đó, tình hình an ninh tại Angola không bảo đảm nên đã có một số người Việt Nam bị cướp, thậm chí bị giết để cướp của” - bà Hà nói.

Thông báo tin buồn của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola

Trước đó, theo một số nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có khoảng 40.000 người Việt đang sinh sống và làm việc ở Angola. Trong đó, có khoảng vài ngàn lao động Việt Nam, nhưng chủ yếu là do đi lao động chui. Hầu hết lao động đều phải đi qua các đường dây môi giới, “cò” lao động, “chung chi” bình quân 6.500 USD/người (hơn 140 triệu đồng), trong đó riêng tiền xin visa lao động khoảng 2.000 USD/người (44 triệu đồng).

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin , ngày 7.12 Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Hội Người Việt Nam tại Angola báo tin một nữ lao động Việt Nam là chị Hoàng Thị Văn mất hồi 22 giờ ngày 7.12 tại tỉnh Huam (Angola) do bị cướp sát hại.

Theo lao động quê Hà Tĩnh, Nghệ An ở Angola báo về, đêm 30.11, khi chị Văn cùng bạn là anh Nguyễn Văn Vinh (quê xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và một người bạn người Angola đang nghỉ trong khu nhà trọ thì bị nhóm cướp ập vào. Bọn cướp đã trói chị Văn, anh Vinh và một lao động quốc tịch Angola để đòi tiền. Tuy nhiên, do trước đó chị Văn, anh Vinh đã gửi tiền về quê nên không có tiền đưa cho bọn cướp. Kẻ cướp đã tẩm xăng, phóng hỏa đốt. Được biết chị Văn đi lao động "chui" ở Angola nhiều năm nay và không có bảo hiểm.

Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay có tới 5 lao động quê Hà Tĩnh bị tử vong ở Angola do bị cướp bắt, bị cướp đánh, đốt, bị sốt xuất huyết, sốt rét.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/co-gai-bi-sat-hai-o-angola-lao-dong-tu-do-khong-nhan-duoc-che-do-ho-tro-729921.html