Cô gái chỉ có tay trái và 5 năm tuổi Đảng

Từ lúc sinh ra cánh tay phải của em đã cụt lủn và không có ngón. Hoàn cảnh đó tưởng rằng sẽ “nhấn chìm” cô gái trẻ Nguyễn Thị Quý. Thế nhưng hiện nay Quý đang là SV năm cuối ĐH KHX&NV Hà Nội và có “thâm niên” 5 năm tuổi Đảng.

Đi lên bằng “cánh tay trái”

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 7 anh chị em, bố mẹ làm nghề nông ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, từ ngày lọt lòng Nguyễn Thị Quý đã chịu thiệt thòi với cánh tay không lành lặn, bàn tay phải thiếu đi 5 ngón, tất cả mọi việc lớn nhỏ đều phụ thuộc vào cánh tay còn lại.

Chân dung cô gái “tay trái”

Khi đến tuổi tới trường, nhìn các bạn nắn nót từng con chữ, Quý tự nhủ “mình cũng sẽ viết thật đẹp bằng bàn tay trái”. Sợ viết sai tốn giấy nên những khi về nhà em lại tìm những viên than củi rồi tập viết trên nền đất, mặt gỗ. Nhiều hôm bố đi làm ruộng về, thấy con gái nằm bẹp giữa nền đất bụi mải miết tập viết, mồ hôi mồ kê nhễ nhại bố em xót lắm. Mấy hôm sau bố đã tìm gỗ và làm cho em một chiếc bảng và còn mua tặng em một hộp phấn để em luyện viết. “Món quà đó của bố như càng thôi thúc em phải cố gắng hơn nữa” - Quý chia sẻ.

Bằng sự động viên của bố mẹ, anh chị em, em gạt đi mặc những cảm bản thân và phấn đấu học hành chăm chỉ. Chưa năm nào em để tuột tay danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt lớp 12, Quý đã làm thầy cô, bạn bè phải ngỡ ngàng khi “rinh” hai suất học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn Văn và Sử về cho nhà trường. Chính trong năm đó, em cũng xứng đáng trở thành nữ sinh duy nhất của trường được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 18 tuổi.

Uớc mơ “lá rách ít đùm lá rách nhiều”

Vào ĐH, Quý lựa chọn ngành CTXH, ĐH KHXH & NV là để thực hiện ước mơ của mình. Em tâm sự: “Bản thân là người khuyết tật nên em hiểu tâm lý của những người có hoàn cảnh giống mình, luôn mặc cảm và tự ti. Do vậy em chọn học ngành CTXH để sau này có thể giúp đỡ những người khiếm khuyết hòa nhập với cuộc sống và tự tin khẳng định bản thân mình”.

Quý luôn mong muốn có thể giúp đỡ những người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự ti để khẳng định bản thân.

Sống cảnh ở trọ xa gia đình, ngay từ đầu Quý đã học cách tự lập bằng việc làm hết mọi việc giống như các bạn lành lặn khác như quét dọn, nấu nướng, giặt đồ, rửa bát…Từ năm học thứ 2, em cũng bắt đầu biết kiếm thêm tiền bằng việc đi gia sư vào các buổi tối. “Mỗi tháng em kiếm được 600 đến 700 nghìn từ việc dạy thêm để trang trải cuộc sống và giảm gánh nặng cho bố mẹ còn phải nuôi các em ăn học ở quê”.

Những khi đến trường, bên cạnh việc học hành, Quý còn tham gia tích cực vào CLB Hoa Đá dành cho người khuyết tật. Tại đây, em được gặp gỡ và tiếp xúc với những người bạn có hoàn cảnh hơn mình nhưng ngày ngày vẫn cố gắng học tập. Quý tâm sự: “Nhiều khi thấy chị Vân, bạn Hải phải ngồi xe lăn nhưng vẫn đầy nghị lực để vươn lên học giỏi, em lại thấy lòng mình hổ thẹn. Chính các bạn trong CLB đã tiếp thêm nghị lực cho em tự tin khẳng định bản thân mình”.

Được sự tín nhiệm của các thành viên trong CLB, Quý được bầu lên giữ chức Chủ nhiệm và nay là Cố vấn cho CLB. Suốt nhiều năm qua, em đã cùng mọi người tham gia vào các chương trình như: Giúp đỡ các bạn sinh viên khuyết tật tìm kiếm nhà trọ, tài liệu học tập; liên hệ với các nhà tài trợ mở các khóa học kỹ năng sống, giảng dạy tin học, ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên khuyết tật; tổ chức các hội thi văn nghệ, sáng tác thơ ca tạo sân chơi bổ ích cho các bạn khuyết tật; liên kết với các CLB trong và ngoài trường tổ chức tình nguyện tại các trung tâm khuyết tật, làng trẻ Hữu Nghị… Những đóng góp của em đã được ghi nhận bằng những tấm bằng khen và học bổng từ phía Đoàn trường và các tổ chức xã hội.

“Sau mỗi việc thiện em lại thấy lòng mình ấm áp hơn. Em mong rằng, sau khi tốt nghiệp ĐH em sẽ có cơ hội được vào làm tại các trung tâm chăm sóc người khuyết tật, để lúc nào em cũng có thể ở bên cạnh họ và giúp họ vượt qua mặc cảm và phát huy năng lực của bản thân mình”, Quý tâm sự.

NGỌC PHAN

Theo Bưu Điện Việt Nam

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/teen-viet/co-gai-chi-co-tay-trai-va-5-nam-tuoi-dang/a133506.html