Cô gái chuyển giới đầu tiên bước lên sàn diễn lớn nhất nước cùng Kỳ Duyên, Ngọc Trinh

'Trong phòng chờ trang điểm Ngọc Trinh có ghẹo mình rằng: 'Hôm trước thấy ngồi kết đồ giờ đã làm người mẫu rồi. Bà hot quá nha', thậm chí đến khi thay đồ xong và sải bước trên sàn diễn mình mới dám tin ước mơ của mình đã trở thành hiện thực'.

Tên thật: Trần Anh Vũ

Tên hiện tại: Trần An Vi

Sinh năm: 1992, tại Kiên Giang

Công việc hiện tại: Quản li xưởng may, dancer và người mẫu (không chuyên)

Thành tích:

– Quán quân Next Top Angel 2012

– Một trong hai người nhận học bổng Vietpride 2014

– Đoạt giải “Người công khai” năm 2014 do cộng đồng LGBT bình chọn.

– Hoàn thành khóa học Vilead 2015 (khóa học nâng cao năng lực lãnh đạo trong cộng đồng LGBT)

– Được nhiều người biết đến qua bộ ảnh “Cãi mụ” năm 2015 do Huỳnh Tuấn Kiệt thực hiện

– Top 10 Vmodel Newface năm 2015 và 2016

– Hai lần tham dự cuộc thi Vietnam Next Top Model

– Tham gia cuộc thi The Face 2016

– Tham gia show diễn trong khuôn khổ Vietnam International Fashion Week mùa Xuân – Hè của nhà thiết kế Đỗ Long 4/2017

“Kết quả siêu âm bác sĩ bảo mình là con gái và mình tin kết quả này là đúng”

Là một transgirl (chuyển giới nữ), cũng như những người mang “thân sâu hồn bướm” khác, An Vi nuôi cho mình khao khát sống thật sống đúng với giới tính của mình.

Lúc còn nhỏ, mình chẳng biết giới tính của mình là gì, chỉ biết mình thích con trai và đặc biệt thích quần áo nữ. Sẵn bên nhà ngoại có cửa hiệu cho thuê áo cưới, mình thỏa thích lấy mấn, lúp, mang giày cao gót và thoa son. Dần dần điều này trở thành quen thuộc đến mức bố mẹ cũng chẳng la mắng mà dần chấp nhận”.

Rồi lớn hơn một chút, vẻ yểu điệu nữ tính của Vi càng lộ rõ ra bên ngoài. Nàng bắt đầu nuôi tóc dài, mặc quần áo con gái bất chấp những dò xét của hàng xóm xung quanh. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cô gái trẻ đành dang dở việc học vào năm lớp 9 để bắt đầu lao vào mưu sinh.

“Trong một dịp tình cờ diện đồ nữ đi đám cưới, mình bắt gặp các chị chuyển giới được thoải mái mặc váy đầm, được trang điểm điệu đà, trong đầu mình nảy ra suy nghĩ: Tại sao mình lại không được như thế. Vậy là về nhà, mình xin nhà cho gia nhập chung đoàn hát đám cưới để phần nào phụ chi phí sinh hoạt cho bố mẹ”.

Rời ghế nhà trường vào năm lớp 9, Vi đã phải lao vào cuộc sống mưu sinh.

Rời ghế nhà trường vào năm lớp 9, Vi đã phải lao vào cuộc sống mưu sinh.

Nhưng cuộc sống bấp bênh của cô bé 15 tuổi hát đám cưới không thể mang lại nguồn thu nhập ổn định. Vi đành từ bỏ và tìm cho mình công việc làm thuê cho một cửa hàng café tại quê nhà: “Giai đoạn đó tóc mình dài lắm, có thể xem là cả một niềm tự hào ấy chứ. Nhưng dáng người ốm yếu “bán nam bán nữ” có nơi nào chịu nhận mình đâu. Thậm chí, một anh quản lí đã nói thẳng với mình rằng: Em muốn làm thì phải cắt tóc. Và đó có thể là lần quay trở lại làm con trai mà mình chẳng bao giờ quên”.

Rồi khó khăn đâu chỉ dừng lại ở đó, vẻ ngoài yểu điệu cộng thêm dáng người ốm yếu, không ít lần cô nàng phải đối mặt với những lời châm chọc: “Bê đê thì làm đươc gì”. “Nhớ lúc nghe được những lời đó nước mắt mình rơi lã chã xuống chén cơm. Sau lần “nước mắt chan cơm” ấy, mình tự hứa với lòng không được khóc nữa. Nói đúng hơn là dẫu bị sỉ vả đến mức nào cũng không được khóc trước mặt người khác. Và nhờ thế mình mạnh mẽ hơn hẳn. Họ bê 1 cây dù, mình phải bê 2 cây dù, người ta phục vụ tốt thì mình phải nhanh nhẹn hơn thế,… mình muốn khẳng định mình làm được nhiều thứ hơn những gì họ nghĩ”.

Chân dài chuyển giới đầu tiên của show thời trang lớn nhất nước

Khi được chúng tôi hỏi về câu chuyện rời quê một mình lên Sài Gòn, cô gái trẻ nhanh chóng nhắc đến cột mốc 9/6 của 7 năm về trước. “Ngày hôm ấy là một bước ngoặt khiến cuộc sống mình sang trang. Mình còn nhớ rất rõ, 4g sáng xe khách thả mình tại chân cầu Nguyễn Văn Cừ. Cái cảm giác chơ vơ ôm túi quần áo giữa đất Sài Gòn khiến mình không thể quên. Mà nhiều khi nghĩ lại thấy mình liều thật. Cũng chẳng có lí do gì đặc biệt khiến mình rời bỏ quê, chỉ đơn giản là mình không muốn cuộc sống giậm chân tại chỗ mà thôi”.

Ban đầu, Vi được một người quen giới thiệu công việc chuẩn bị phục trang cho đoàn phim. Nhưng đoàn phim 3 tháng làm, 3 tháng nghỉ làm sao đủ tiền chi trả cho cả tiền nhà lẫn tiền ăn. “Có lúc đói khổ đợi đoàn phim chuyển tiền, 1 bịch bánh sandwich khoảng 10 lát lúc bấy giờ có giá 15.000 đồng – 16.000 đồng mình phải chia ra ăn tận 5 ngày. Cứ thế ở lì trong nhà vừa ăn vừa uống nước cầm hơi”.

Sẵn biết nghề kế cườm từ bà từ mẹ, Vi quyết định tìm cho mình công việc ổn định hơn tại xưởng may của nhà thiết kế Công Trí. Rồi may mắn tìm đến, Vi nhận được học bổng Vietpride dành cho cộng đồng LGBT để trang trải chi phí cho khóa học may nâng cao. Và cũng từ đây, cô bắt đầu công việc may cho nhà thiết kế Đỗ Long và hiện tại là quản lí xưởng may cho nhà thiết kế Châu Phạm. Khi công việc đã ổn định, An Vi quyết định dốc hết tiền dành dụm để thực hiện ước mơ lớn nhất đời mình: Chuyển giới.

Ngoài công việc ở xưởng may, Vi còn là thành viên của nhóm nhảy JS band.

“Ngoài công việc chính ở xưởng may, mình còn là một dancer và thỉnh thoảng tham gia trình diễn thời trang cho các show chuyển giới. Chuyên nghiệp hơn chắc là các show diễn cho đồ án tốt nghiệp của các bạn sinh viên trường ĐH Hồng Bàng. Cũng có bạn bè rủ mình casting cho Vietnam International Fashion Week (VNIFW) nhưng mình không đủ tự tin”.

Rồi cơ hội đến với Vi một cách tình cờ: Vào một hôm tăng ca chuẩn bị trang phục cho show diễn của nhà thiết kế Đỗ Long tại VNIFW thì mãi đến tối 1 bộ trang phục vẫn chưa tìm được người mẫu phù hợp về thần thái và truyền tải được thông điệp. Được mọi người động viên Vi mạnh dạn thử đồ rồi lấy hết tự tin trình diễn catwalk trước anh Đỗ Long. Và rồi cô gái trẻ đã được chọn.

“Lúc nhận được cái gật đầu mình vẫn không dám tin mình được có mặt tại show thời trang lớn nhất nước. Mình lo sợ đủ thứ, sợ không đủ điều kiện, sợ hạn chế về chiều cao (An Vi cao 1m73, trong khi tiêu chuẩn tối thiểu với người mẫu nữ tại đây là 1m75), sợ khắc khe về vấn đề giới tính.

Hôm sát ngày diễn mình tăng ca làm cho xong bộ đồ vedette (được Hoa hậu Kỳ Duyên mặc) đến tận 4g30 sáng. Mình ngủ được 2 tiếng rồi phải tức tốc chạy đến nơi để tổng duyệt chương trình. Nhiều bạn người mẫu quen trước đó thậm chí còn ngạc nhiên hỏi: “Em chạy chương trình thế ai vậy”. Mãi cho đến khi mặc đồ, trang điểm và bước ra sàn diễn mình mới dám tin cơ hội tuyệt vời này đã đến với mình”.

Buổi trình diễn của nhà thiết kế Đỗ Long rơi vào hôm thứ 3 của tuần lễ thời trang với người mẫu Ngọc Trinh tham gia mở màn và Hoa hậu Kì Duyên là vedette kết show. Ngoài ra còn có sự tham gia của quán quân Vietnam’s Next Top Model 2016 – Ngọc Châu và quán quân Vietnam’s Next Top Model 2015 – Nguyễn Oanh. “Hôm ấy gặp Ngọc Trinh trong cánh gà, chị ấy có nói vui rằng: “Hôm trước thấy ngồi kết đồ giờ đã làm người mẫu rồi. Bà hot quá nha”. Thú thật chưa bao giờ mình được trình diễn một chương trình lớn thế này lại là cùng những người nổi tiếng nên việc hồi hộp là không thể tránh khỏi. Thôi thì tự trấn an bản thân bằng suy nghĩ: Mình cũng là quán quân Next top nhưng là Next Top Angel (dành cho người chuyển giới) mà thôi”.

“Nếu có điều để tự hào thì chắc đó là việc mình là người chuyển giới đầu tiên trình diễn Vietnam International Fashion Week (ngoài ra chương trình cũng có 1 bạn chuyển giới khác nhưng diễn hôm sau mình). Với người mẫu thì đây là cơ hội tuyệt vời để tỏa sáng, còn với mình đây là cảm giác hạnh phúc mà đến giờ nhắc lại vẫn còn thấy lâng lâng”.

Tien

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/co-gai-chuyen-gioi-dau-tien-buoc-len-san-dien-lon-nhat-nuoc-cung-ky-duyen-ngoc-trinh-1335851.html