'Cô gái tỉ đô' bật mí hậu trường 'Chuyện nhà Dr. Thanh'

Rất nhiều bất ngờ, rất nhiều biến cố và cả những góc khuất tâm lý khó ngờ của một gia tộc doanh nhân được “cô gái tỉ đô” lần đầu bộc bạch.

“Đã có lần tôi từng nghẹn ngào bảo má: “Li dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi, và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”...” (Chương 1 “Quay một trăm tám mươi độ” – Trích cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr. Thanh” của tác giả Trần Uyên Phương, NXB Phụ nữ ấn hành).

Đọc những dòng đầu tiên của cuốn sách, độc giả sẽ bị sốc. Hóa ra, khác với hình ảnh “công chúa” nhà Tân Hiệp Phát, hay “cô gái tỉ đô” – người kế nghiệp doanh gia như mọi người thường thấy, đọc cuốn sách của Trần Uyên Phương mới hiểu không phải cứ con cái nhà giàu là nghiễm nhiên có người hầu hạ, lớn lên trong nhung lụa. Ba chị em Trần Uyên Phương đã cùng học những bài học khắc nghiệt, lạnh lùng nhất từ người cha – người thầy.

Trần Uyên Phương và cuốn sách vừa được NXB Phụ nữ ấn hành

Cuốn sách lột tả bức tranh khá chân thực và xúc động về những ngày thơ ấu của ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát, tuổi thơ côi cút, lớn lên trong khó nghèo và nổi loạn, dám làm những điều người khác chưa từng làm hoặc không dám làm, học những bài học lớn và vững vàng tiến vào thương trường.

Sớm thành công về kinh doanh và tự mình kiếm ra tiền từ rất sớm, quãng đời lập nghiệp tuổi trẻ của ông Trần Quí Thanh là ngông cuồng và ái tình nóng bỏng với khá nhiều với các “bóng hồng”. Nhiều người phụ nữ đi qua đời ông, để lại dấu ấn sâu đậm.

Vậy người phụ nữ sau này gắn bó cả cuộc đời với ông Trần Quí Thanh, chấp nhận chia sẻ nhiều đắng cay, ngậm ngùi, thất bại và đổ vỡ trên con đường kinh doanh là người như thế nào? Làm sao để một người vợ bình thường có thể chịu đựng được ông chồng “trái nết” như ông từng có lần tự nhận, và đến mức chính các con ông cũng nhiều phen phải ngậm ngùi?

Trần Uyên Phương và cuốn sách vừa được NXB Phụ nữ ấn hành

Độc giả sẽ rất bất ngờ khi từng thang bậc cảm xúc của cô con gái cả Trần Uyên Phương, với những dồn nén, bung phá ở đoạn đầu sẽ dần dần được tháo gỡ trong các chương sách. Ngay chương hai, Trần Uyên Phương đã đưa trọn vẹn một bức thư vô cùng xúc động, được viết gửi cho cha trong những ngày xa cách gia đình để tham gia lớp học tại đại học Harvard (Mỹ) dành cho lãnh đạo của các doanh nghiệp phải có doanh thu trên 250 tỉ đồng.

Trần Uyên Phương và cuốn sách vừa được NXB Phụ nữ ấn hành

“Ba ơi thắng thua là chuyện bình thường trong cuộc sống, đúng không ba? Cảm ơn ba đã cho con luôn được chơi hết mình. Cảm ơn ba cho con hiểu thế nào là đúng nghĩa chơi cuộc chơi lớn, thế nào là sống cuộc sống vì một điều gì đó chứ không phải vì có thật nhiều tiền và giữ tiền để ăn dần. Nghe dường như rất mâu thuẫn nhưng chỉ có những người thật sự chơi cuộc chơi lớn mới hiểu được tại sao phải sống cuộc sống đơn giản, không bị lệ thuộc vào vật chất, chỉ có những người đó mới hiểu chạy theo vật chất sẽ làm “hèn” và “hư” mình…” – (Trích “Thư gửi ba” – Chương 2 cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh”).

Thời điểm mà Trần Uyên Phương muốn được sống lại, chính là những năm sóng gió nhất đối với gia đình cô. Bởi vì, trong những thời khắc đó, họ đã thật sự trưởng thành, trở nên cứng rắn và mạnh mẽ khó có thể bẻ gẫy hay gục ngã.

Trần Uyên Phương là con gái đầu của ông Trần Quí Thanh, hiện đang giữ vị trí phó Tổng Giám Đốc của công ty Tân Hiệp Phát, đồng thời là Giám đốc công ty Number 1 Chu Lai; Lãnh sự danh dự của nước Cộng Hòa Sudan tại TP Hồ Chí Minh từ 2011; Thành viên hội doanh nhân trẻ thế giới (YPO) từ năm 2008.

Trần Uyên Phương tốt nghiệp đại học tại Singapore, được đào tạo quản trị doanh nghiệp tại trường Đại học Harvard (Mỹ), được đào tạo quản lý doanh nghiệp gia đình tại trường đại học IMD, Thụy Sĩ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/co-gai-ti-do-bat-mi-hau-truong-chuyen-nha-dr-thanh-674283.bld