Cô giáo 9X suýt bị ám sát và hành trình đặt chân đến quốc gia thứ 15

27 tuổi, cô giáo trẻ ở TP.HCM có cơ hội đặt chân đến 14 quốc gia qua những chuyến đi vì giáo dục, hòa bình. Trạm kế tiếp của cô là Anh, sau khi nhận học bổng Chevening danh giá.

N

ăm 2017, Tôn Nữ Tường Vy (27 tuổi, giáo viên ở TP.HCM) là một trong số 21 học giả nhận học bổng toàn phần Chevening của Chính phủ Anh.

Sắp tới, cô sẽ sang Anh để theo học bậc thạc sĩ ngành Giáo dục và Phát triển Quốc tế tại Viện Giáo dục thuộc University College London.

Gặp Vy, ít ai nghĩ rằng cô gái bé nhỏ ấy lại mang trong mình sức mạnh to lớn để có những trải nghiệm mà nhiều người thậm chí không dám nghĩ đến.

Những chuyến đi không ngừng nghỉ

Thời còn học tại ĐH Mở TP.HCM, Tôn Nữ Tường Vy đã rất năng động, là lãnh đạo Đoàn, Hội ở trường, thành lập một tờ báo tiếng Anh trong khoa Ngoại ngữ, tham gia câu lạc bộ Dịch giả trẻ và các hoạt động tình nguyện vì môi trường.

Tôn Nữ Tường Vy nhận học bổng Chính phủ Anh Chevening cho khóa học thạc sĩ tại ĐH London. Ảnh: NVCC.

Nhờ đó, Vy học hỏi thêm kiến thức, mở rộng mối quan hệ, đồng thời có cơ hội dự các cuộc hội thảo, tọa đàm trong, ngoài nước.

Chính việc thường xuyên đi đây đi đó đã nuôi dưỡng sự tò mò và khát khao học hỏi trong cô gái đến từ Khánh Hòa.

Năm 2011, Tường Vy là một trong 30 bạn trẻ trên thế giới được chọn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới Giáo dục ở Qatar, Trung Đông. Ở đây, cô đã trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hiện nay Phùng Xuân Nhạ.

Đây là lần đầu tiên cô ra nước ngoài, được ngồi máy bay, nghỉ khách sạn và dự hội nghị.

Mọi thứ thật lạ lẫm. Nhưng chính sự mới mẻ của thế giới rộng lớn bên ngoài đã thôi thúc Vy tiếp tục cuộc hành trình tới những đất nước xa lạ sau này.

Đến nay, cô gái sinh năm 1990 đã đặt chân đến 14 quốc gia, gồm các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ, Qatar và Mỹ.

Những chuyến đi đó tác động rất lớn đến nhận thức cũng như suy nghĩ của cô.

Vy kể cuối năm 2016, cô tự lên trại tị nạn ở biên giới Myanmar - Thái Lan để tìm hiểu về cuộc sống của người tị nạn. Cô bất ngờ phát hiện nhiều điều hay ho, trong đó có việc không phải ai ở đây cũng là người tị nạn.

Nhiều người vốn có gia đình ở trung tâm kinh tế Yangon vào trại để có thể tiếp cận nền giáo dục tốt hơn, rẻ hơn do các tình nguyện viên đến từ New Zealand, Australia giảng dạy.

"Điều này khiến mình vừa tâm đắc, vừa đau xót vì người ta không thể học tử tế trong nước mà phải chấp nhận nguy hiểm vào trại tị nạn để hưởng nền giáo dục tốt hơn một chút", Vy tâm sự.

Không phải lần nào Vy cũng an toàn ngồi trong những phòng họp lớn dự hội thảo, cô thậm chí không ít lần rơi vào nguy hiểm.

Tôn Nữ Tường Vy kể chuyến đi nguy hiểm nhất là đến Philippines để tìm hiểu về xung đột Hồi giáo. Sau khi xem xét một số vùng, cô đặt chân đến chặng cuối tại một làng chài, tâm điểm của cuộc xung đột.

Vy ở lại đó khoảng 2-3 ngày để thu thập thông tin. Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng khi lịch trình và ga về của cô bị lộ.

Người nắm thông tin là vợ một sát thủ phe đối lập. Vì thế, Vy đối mặt với nguy cơ bị ám sát. Trước đó, không ít phóng viên tác nghiệp tại đây bị bắt cóc hoặc sát hại nên 9X cùng gia đình người bạn bàn kế hoạch thay thế, định về bằng đường biển.

Tuy nhiên, cuối cùng, Tường Vy tìm đến thị trưởng và trở về sân bay an toàn bằng xe riêng của thị trưởng và thêm một chú cảnh sát có vũ trang.

“Trải nghiệm ấy kể cũng đau tim, nhưng qua đó, mình học được cách tin tưởng người khác. Chỉ cần dũng cảm, mở lòng một chút để nhờ sự giúp đỡ, thì mình sẽ được giúp đỡ. Người tốt luôn nhiều hơn người xấu”, cô chia sẻ.

Chủ nhân học bổng Chevening khẳng định nguy hiểm trên hành trình khám phá cái mới không làm cô chùn bước mà dạy cô cẩn thận hơn. Điều quan trọng nhất là cô được tự tìm đến, nói chuyện và sống với người dân để hiểu cuộc sống của họ.

Tường Vy tham gia chương trình tình nguyện bảo vệ rừng đước tại Malaysia. Ảnh: NVCC.

Cô nghĩ không phải ai cũng có cơ hội trải qua tuổi trẻ phong phú như vậy, được đặt chân đến nhiều nơi, tiếp xúc con người với nền văn hóa đa dạng, thử cảm giác ngồi trên máy bay của Không lực Hoàng gia Thái Lan hay khảo sát thực địa dưới sự tháp tùng của cảnh sát.

Cho nên, để giữ lại ký ức cũng như chia sẻ với người khác về những trải nghiệm, kiến thức mình học được qua các chuyến đi, đầu năm 2017, Tôn Nữ Tường Vy xuất bản cuốn du ký đầu tay Bên kia ranh giới.

Dù vậy, cô không có ý định gắn bó với nghiệp viết lách mà hướng đến con đường giáo dục, hỗ trợ cộng đồng, tiếp tục những chuyến khám phá mới.

Tiếp tục nỗ lực sau vô số lần thất bại

Thực tế, việc ra nước ngoài như vậy không dễ dàng đối với người vốn không có tài chính vững vàng như Vy.

Khó khăn thứ nhất là dù không phải lo về chi phí cho bản thân trong những khóa học ngắn ngày được đài thọ, Vy không thể kiếm tiền ổn định đều đặn để phụ giúp ba mẹ.

Cô đau xót rất nhiều và dần học xoay xở để vừa theo đuổi giấc mơ mà vẫn có thể hỗ trợ gia đình bằng nhiều loại công việc online và offline.

Cùng với đó, Tường Vy phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ khi vừa làm công việc toàn thời gian để có thu nhập ổn định, vừa ra nước ngoài, lại vừa tranh thủ thời gian hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển các chương trình ngắn hạn và học bổng du học thạc sĩ.

Đi đến đâu, Tôn Nữ Tường Vy cũng mang theo cuốn sổ đã ngả vàng để ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ. Ảnh: Nguyễn Sương.

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đến từ tâm lý lo lắng về tương lai bất định, chông chênh. Cô hoang mang vì không biết những chuyến đi rời rạc như vậy sẽ có ý nghĩa gì cho tương lai.

Đến giờ, Tường Vy cảm thấy may mắn vì đã không bỏ cuộc. Ít nhất, sau chuyến đi Malaysia, tình cờ gặp một gia đình áp dụng mô hình giáo dục tại gia, cô biết được họ tìm tài liệu ở đâu, sắp xếp thời gian, công việc, tiền bạc như thế nào, dạy con ra sao khi con không đến trường.

Bức tranh thực tế hơn được góp nhặt và hình thành qua từng chuyến đi đã giúp cô thành lập trung tâm dạy tiếng Anh và phát triển cá nhân ở TP.HCM giữa năm 2016.

Trên thực tế, con đường cô đi không hề suôn sẻ. Để giành được những chuyến trải nghiệm quý giá đó, cô ứng tuyển rất nhiều lần và số lần thất bại nhiều gấp 10 số lần thành công.

Ngay cả lần trúng tuyển học bổng Chevening này cũng đến sau 3 lần ứng tuyển liên tiếp.

"Điều quan trọng là trong hành trình 4-5 năm qua, mình vẫn giữ lòng khát khao hiểu biết đủ mạnh để vượt qua khó khăn tài chính, sức khỏe, thời gian, tiếp tục ứng tuyển ngay cả khi thất bại nhiều lần", Tôn Nữ Tường Vy tâm sự.

Cô cho biết thêm sự hỗ trợ từ gia đình cũng góp phần không nhỏ, giúp cô kiên trì với ước mơ, dự định của mình.

Mẹ cô vốn chỉ học đến lớp 3, nhưng đã phải bươn chải buôn bán sớm hôm đủ ngành nghề, đánh đổi cả tuổi thanh xuân để nuôi cả gia đình.

Vì thế, bà hiểu được giá trị của việc học thực tế từ xã hội cũng như nỗ lực vươn lên từ con số không. Dù bị bệnh tim, chính bà là người đã một mình đấu tranh chống lại gia đình nội ngoại, bà con hàng xóm để lo cho các con đi học Đại học khi gia đình vẫn nghèo khổ.

Do đó, trong những năm qua, dù Vy gặp khó khăn nào, thậm chí không ít lần thất bại, bà vẫn luôn bên cạnh ủng hộ tinh thần, giúp cô có dũng khí để bước tiếp.

Sắp tới, cuộc sống học tập một năm tại Anh sẽ lại là trải nghiệm rất mới và đầy thử thách trên con đường thực hiện ước mơ giáo dục của cô gái trẻ.

Cô gái đến từ Khánh Hòa sẵn sàng dấn thân vào nguy hiểm để có những trải nghiệm quý giá. Ảnh: Nguyễn Sương.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-giao-9x-suyt-bi-am-sat-va-hanh-trinh-dat-chan-den-quoc-gia-thu-15-post778409.html