Cô giáo mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối vẫn lên lớp đều đặn

Dù đang mắc căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối nhưng cô giáo trẻ Nguyễn Phạm Thanh Hằng - giáo viên dạy thanh nhạc của Trường THCS Lệ Chi (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) vẫn lên lớp đều đặn, duy trì công việc bán hàng online, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện và không lúc nào ngưng làm đẹp cho bản thân mình.

Nhìn Nguyễn Phạm Thanh Hằng không ai nghĩ cô đang mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối

Nhìn Nguyễn Phạm Thanh Hằng không ai nghĩ cô đang mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối

Ung thư ập đến

Phát hiện mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người con gái, Nguyễn Phạm Thanh Hằng vô cùng buồn khổ và suy sụp. Nhưng suy cho cùng dù có than thân trách phận hay khóc lóc thì cũng chẳng thể thay đổi được sự thật. Nghĩ vậy nên Hằng đã chọn cho mình cách sống lạc quan để chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Giờ ngoảnh đầu nhìn lại, Hẳng kể về nó một cách thản nhiên. Hằng bảo thời điểm cuối năm 2016, cơ thể bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bất thường như đi tiểu liên tục, thường xuyên đau lưng, nổi u cục ở bụng…Nhưng vì chủ quan nên Hằng chỉ mua thuốc uống qua loa chứ không đến bệnh viện kiểm tra.

Đến khi nhận thấy sức khỏe có vấn đề trầm trọng, Hằng mới cùng mẹ tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Vì có quá nhiều triệu chứng khác nhau rất khó cho việc khoanh vùng chẩn đoán bệnh, các bác sĩ buộc phải chỉ định nội soi gây mê để kiểm tra tổng thể cho Hằng.

Khi có kết quả, mẹ Hằng được gọi riêng vào phòng để thông báo kết quả. Hằng hồ nghi về những chuyện chẳng lành. Quả nhiên vậy, Hằng biết mình mắc bệnh ung thư trực tràng, lại đã ở giai đoạn cuối. Hằng bật khóc, nước mắt chảy như mưa. Mẹ Hằng nhìn con, mắt nhòa lệ.

Về đến nhà, Hằng trở thành cô công chúa yếu đuối, được mẹ và người thân chăm sóc từng ly từng tí. Nghĩ về hiện tại, nghĩ đến tương lai, Hằng khóc sưng mắt, còn người nhà thì lo lắng, hoang mang. Bệnh viện nói Hằng phải nhập viện ngay để điều trị bệnh. Vậy là Hằng xin nghỉ dạy và trở thành bệnh nhân K của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. 12 lần truyền hóa chất là phác đồ điều trị lần 1 của Hằng.

Những ngày trong bệnh viện điều trị hóa chất, Hằng đau tưởng như chết đi sống lại. “Em đau quá, nhưng không làm cách nào khác được nên chỉ biết khóc. Rồi lần truyền hóa chất đầu tiên cũng qua đi trong đau đớn và sợ hãi. Đến lần thứ hai thì em ngỡ mình không vượt qua được. Cả nhà em còn tưởng em không qua nổi cái tết năm vừa rồi”, Hằng kể về những đau đơn mà bản thân phải chịu đựng.

Rồi cơ thể cũng dẫn thích nghi với thuốc men, hóa chất và thích nghi luôn cả với sự đau đớn cùng những phản ứng phụ. Hằng trải qua đợt truyền hóa chất đợt 1, đợt 2, đợt 3…và bây giờ là chuẩn bị bước vào đợt truyền hoát chất lần thứ 9.

Những ngày quanh quẩn trong phòng bệnh Hằng nhớ quay quắt những trang giáo án đang soạn dở, nhớ học sinh, nhớ đồng nghiệp. Hằng thèm được đứng trên bục giảng biết nhường nào. Lúc này, giá Hằng có sức khỏe Hằng sẽ làm tất cả những việc mà trước đây Hằng còn do dự hoặc đang làm dở dang. Hằng tiếc nuối, ước ao, rằn vặt và bế tắc.

Hằng được các bác sĩ đặt biệt danh là “Hoa hậu bệnh viện”

Nhưng chính những điều đó đã khiến Hằng biết trân quý hơn những ngày đang sống. Suy nghĩ tích cực dần được gợi mở, Hằng nghĩ đến ngày sẽ đi dạy trở lại, tiếp tục bán hàng online và làm đẹp như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Lao động và làm đẹp

Việc đầu tiên Hằng làm là cố ăn và tập cho bản thân suy nghĩ tích cực. Hằng lập cho mình một trang nhật ký và gọi tên là Nhật ký chiến đấu với ung thư. Từng ngày, từng ngày đều được nghi lại với cảm xúc thật bằng ngôn ngữ dí dỏm.

Hằng từng viết: “Ngày mai nghỉ làm nhập viện truyền đợt 8. Cảm thấy ung thư thật sự chả là cái gì cả”, hay “Bạn Hằng nhợn đợt này lại tăng cân, mặt cứ béo tròn xoe, tóc không còn nhìn mặt càng tròn. Tiêm xong là cứ phê thuốc nằm mê mệt. Tỉnh dậy mắt vẫn lờ đờ, giật giật…”.

Sau 2 tháng điều trị ung thư Hằng tăng cân, sức khỏe ổn định hơn trước. Hằng quyết định xin đi dạy trở lại. Ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp, học trò thấy Hằng khỏe hơn, có thể đi dạy trở lại ai cũng vui mừng. Cứ thế, Hằng bận rộn với công việc giảng dạy và lịch hẹn tới bệnh viện truyền hóa chất.

Ngoài việc giảng dạy, Hằng còn tiếp tục duy trì công việc bán hàng online đã gây dựng nhiều năm nay. Mỹ phẩm và thực phẩm là hai mặt hàng chính mà Hằng bán. Mỹ phẩm đi nhập còn thực phẩm thì Hằng tự tay làm ra. Hằng nói, thực phẩm phải tự làm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh vừa đề phòng bị ế thì mình vẫn có thể dùng được.Trước đây, khi còn khỏe Hằng thường xuyên đi giao hàng cho khách nhưng từ khi phát bệnh Hằng chỉ chế biến, đóng gói còn giao hàng thì thuê shipper.

Rồi những cuộc gặp mặt bạn bè cũng dần được thiết lập lại. Trong những lần gặp gỡ đó, Hằng nói với họ về ý định thành lập một nhóm từ thiện đặt tên là nhóm từ thiện Tô hồng cuộc sống. Nhóm sẽ quyên góp và kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp sách vở, sữa, bánh kẹp, quần áo… để ủng hộ những bệnh nhân ung thư khác. Việc làm này giống như một lời chia sẻ, động viên với những bệnh nhân ung thư để họ có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.

Ý tưởng thành lập nhóm từ thiện xuất phát từ thực tế những khó khăn mà Hằng gặp phải trong quá trình điều trị ung thư. Không chỉ thiếu thốn về vật chất mà người bệnh ung thư luôn thiếu thốn về mặt tinh thần nên họ rất cần được quan tâm.

Đến nay, sau 2 tháng thành lập, nhóm từ thiện đã đi trao quà đợt một cho các bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và đang trong quá trình kêu gọi ủng hộ đợt hai để trao quà cho bệnh nhân ở Bệnh viện K (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Là cô giáo dạy nhạc nên Hằng rất nhạy cảm và vô cùng thích làm đẹp. Dù là bệnh nhân ung thư nhưng lúc nào Hằng cũng chỉnh chu với vẻ bề ngoài tươi tắn. Hằng nói là bệnh nhân ung thư cũng phải đẹp. Cô mua cho mình một bộ tóc giả đội lên đầu để che lấp phần tóc rụng bên trong. Son hồng là thứ vũ khí lợi hại giúp cô giấu đi sự nhợt nhạt của người bệnh. Hằng kể với tôi, tuần trước Hằng vừa đi xăm lông mày để không phải kẻ vẽ.

Trước đó, cô đã để dành tiền đi cắt mí nhưng đợt vừa rồi bệnh nặng quá nên đành hoãn lại. Thời điểm hiện tại, sau vài tháng điều trị ung thư Hằng tăng 7kg, quần áo chật hết không cái nào mặc vừa. Thế là Hằng lại đi sắm cho mình những bộ váy áo hợp mốt. Nhìn Hằng, không ai nghĩ cô là bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Các bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội còn đặt cho Hằng biệt danh “Hoa hậu bệnh viện”.

Cô giáo Hằng và những học trò của mình

Vì những hoạt động, nỗ lực, cố gắng của bản thân Hằng đã truyền cảm hứng, nghị lực sống cho mọi người đặc biệt là những bệnh nhân ung thư. Mới đây, Kênh truyền hình VTV6 đã đề cử cô giáo Nguyễn Phạm Thanh Hằng là một trong 3 nhân vật nhân vật truyền lửa – nghị lực sống nhân dịp kỷ niệm 10 năm phát sóng.

Đắc Chuyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/co-giao-mac-benh-ung-thu-giai-doan-cuoi-van-len-lop-deu-dan-332100.html